Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, đến nay, đã có trên 80 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 về nước. Việt Nam đã và đang tổ chức chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất trong lịch sử, đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu và chuyển giao sản xuất vắc xin Covid-19.
Tuy nhiên, thông tin đưa ra tại hội nghị cho thấy, thực tế thời gian qua, tại một số điểm tiêm, vẫn có tình trạng sử dụng giấy tiêm chủng, chưa được cập nhật thông tin tiêm chủng; đã tiêm nhưng không có thông tin tiêm chủng, gây khó khăn cho vấn đề đi lại, lưu thông.
Hiện, cả nước đã tiêm chủng 61 triệu mũi tiêm, nhưng thông tin xác thực vẫn chưa đầy đủ. Nguyên nhân được một số địa phương đưa ra là trong quá trình tiêm, nhiều đơn vị tổ chức tiêm chủng cho nhiều đối tượng khác nhau; nhiều nơi không đủ trang thiết bị công nghệ để nhập thông tin, nên dữ liệu tiêm chủng chưa được cập nhật kịp thời.
|
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại cuộc họp.
|
Về vấn đề này, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, đến nay, phần mềm nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 quốc gia đã được triển khai trên 63 tỉnh, thành phố để phục vụ chiến dịch tiêm chủng, đã cấp 12.000 tài khoản cho cán bộ y tế các cấp. Qua gần 4 tháng triển khai, đã thực hiện thông tin khoảng 59 triệu mũi tiêm, chiếm 96% mũi tiêm trên thực tế.
Tuy nhiên, trên hệ thống đã ghi nhận 2,7 triệu phản ánh về thiếu thông tin tiêm chủng, trong đó có tới 1,2 triệu phản ánh đã tiêm nhưng chưa được cập nhật thông tin 2 mũi. Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các địa phương tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh của người dân.
Nhấn mạnh việc Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 về "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nêu rõ, việc biết tình trạng tiêm chủng của mỗi người dân là hết sức quan trọng. Do đó, 3 bộ: Bộ Y tế - Công an - Thông tin và Truyền thông đã thống nhất cùng triển khai một kế hoạch để quản lý tiêm chủng trên phạm vi toàn quốc và xác thực thông tin một cách chính xác để vừa phục vụ phòng, chống dịch, vừa phục vụ việc đi lại và tham gia các hoạt động khác của người dân.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, phần mềm nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 quốc gia được triển khai trong thời gian ngắn, nên khó tránh khỏi nhiều sai sót. Những vấn đề phát sinh cũng đã và đang được xử lý và sẽ tiếp tục được hoàn thiện, đánh giá, kiện toàn về an ninh mạng. Các địa phương phải triển khai đồng bộ, không "nửa vời". Từ ngày 20/10, sẽ không chấp nhận việc tiêm trước, nhập dữ liệu sau vào hệ thống.