Từ học sinh giỏi quốc gia đến bệnh nhân tâm thần cai nghiện YouTube

Google News

Là học sinh giỏi cấp quốc gia nhưng giờ đây cô bé 18 tuổi đang giành giật từng chút phần “hồn” khi phải sống trong căn bệnh trầm cảm do nghiện mạng xã hội YouTube.

Tu hoc sinh gioi quoc gia den benh nhan tam than cai nghien YouTube
 
Trong phòng điều trị tại khoa 6, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 (Thường Tín, Hà Nội), Nguyễn Thị Trang (18 tuổi, Nam Định) vóc dáng nhỏ nhắn, ngồi co ro một mình, khuôn mặt hốc hác vì nhịn ăn nhiều ngày. Khoảng 10 phút sau, Trang bắt đầu thực hiện những hành động kỳ quặc.
Cô bé lẩm bẩm một mình, rồi la hét, đập phá đồ đạc. Nhìn con gái, chị Ngô Thị Mây chỉ biết ôm mặt khóc. Sau một hồi “vật lộn” với Trang, bác sĩ cũng giúp em chìm vào giấc ngủ do được tiêm thuốc an thần.
Đã 5 tháng kể từ ngày Trang vào điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương, mỗi ngày cô bé đều lặp đi lặp lại với chu kỳ như vậy. Trong thế giới của “những người điên”, cô bé mới 18 tuổi này đang giành giật từng chút phần “hồn” của mình sau thời gian dài sống trong căn bệnh trầm cảm do những ảnh hưởng của bệnh lý nghiện mạng xã hội, nghiện Facebook, nghiện YouTube.
Trang từng là học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia, tính nết hiền lành, nhu mì. Sở hữu thành tích học tập và bộ sưu tập danh hiệu đồ sộ từ cấp huyện, tỉnh cho đến cấp quốc gia, Trang là niềm tự hào của gia đình. Ở trường, cô bé nổi tiếng hát hay, múa đẹp, được thầy cô và bạn bè vô cùng quý mến.
Cuộc đời Trang sang ngã rẽ mới vào năm lớp 11. Để động viên và mong con gái nỗ lực hơn nữa trong học tập cũng như cuộc sống, gia đình quyết định tặng cho em chiếc điện thoại thông minh, loại cao cấp nhất thời điểm đó.
Ban đầu Trang dùng điện thoại để nhận cuộc gọi và nhắn tin cho gia đình. Dần dần Trang bị thu hút rồi chìm trong “cõi ảo” với những cuộc tranh cãi không hồi kết trên mạng xã hội. Trang cũng không thể rời mắt bởi video clip trên YouTube.
Buổi sáng, Trang đi học bình thường nhưng từ chiều cho đến tối, không lúc nào Trang không cầm điện thoại. Ngay cả khi đi vệ sinh, đi tắm, điện thoại là vật bất ly thân. Có những ngày, cô bé thâu đêm để lướt web, xem video clip.
Nhận thấy sự thay đổi của con gái, nhưng anh Nguyễn Thanh Phong cho rằng, có thể con gái đang trong giai đoạn tâm sinh lý thay đổi nên chuyện thức đêm ngủ ngày cũng là chuyện bình thường.
Tu hoc sinh gioi quoc gia den benh nhan tam than cai nghien YouTube-Hinh-2
 Khu điều trị các bệnh nhân nghiện mạng xã hội, YouTube (Ảnh:V.N)
Một năm trôi qua, một ngày anh Phong nhận điện thoại của giáo viên chủ nhiệm mời gia đình lên làm việc. Cô giáo hỏi những vấn đề liên quan đến cuộc sống thường ngày của Trang. Nữ giáo viên cũng nói sức học của Trang sa sút thảm hại. Trang có xu hướng xa lánh bạn bè, giờ ra chơi chỉ nằm ngủ hoặc xem điện thoại.
Nghĩ con gái đang tuổi yêu đương, anh Phong về nhà có gặng hỏi nhưng Trang nhất quyết không nói. Cực chẳng đã, gia đình bàn nhau tạm thời cắt Internet, không cho Trang sử dụng mạng xã hội, điện thoại thông minh.
Nào ngờ, Trang nổi điên với bố mẹ, la hét, đập phá đồ đạc. Trang nói sẽ tự tử nếu bị thu điện thoại. Kể từ đó, ngôi nhà rộn ràng tiếng cười ngày nào bắt đầu xuất hiện vết rạn nứt vô hình không thể nào hàn gắn được.
Anh Phong cảm nhận rõ con gái càng ngày càng xa mình hơn. Mọi chuyện càng tồi tệ hơn khi sang năm học lớp 12, Trang nhốt mình trong phòng, không nói chuyện với bố mẹ.
Tại trường, Trang xa lánh bạn bè, thầy cô; lực học tụt dốc không phanh và bị loại khỏi đội tuyển học sinh giỏi. Người bạn duy nhất của cô bé là chiếc điện thoại di động.
Một ngày đầu đông, trong lúc dọn dẹp phòng của con gái, chị Ngô Thị Mây tình cờ xem được đoạn nhật ký. Trong đó Trang kể về cô bạn đang tham gia một hội nhóm trẻ và có thử thách là tự làm đau mình hoặc tự tử. Nhóm bạn này gọi đây là nghi lễ để giải thoát khỏi sự đau khổ của cuộc sống.
Chị Mây ngã qụy, run rẩy không nói thành lời. 20 phút sau, anh Phong lái xe thẳng về nhà. Họ lên kế hoạch phải cứu lấy con gái trước khi quá muộn. Anh Phong quyết định nhờ người chích thuốc mê đưa con gái đến thẳng Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 để cai nghiện mạng xã hội, YouTube.
Ba năm trước, Trang từng xem một đoạn phim ngắn có tên Man in Phone. Bộ phim kể về một người đàn ông Nhật Bản bị mắc chứng nghiện xem điện thoại. Lâu dần anh ta xuất hiện những triệu chứng giống như bị nghiện ma túy và hành xử rất kỳ lạ. Người đàn ông bị mắc kẹt trong thế giới ảo và không làm cách nào để thoát ra được.
Những tưởng, câu chuyện trên chỉ có ở trong các bộ phim. Thế nhưng, chính gia đình Trang phải sử dụng biện pháp cực đoan – chích thuốc ngủ, ép con đi viện tâm thần để cai mạng xã hội, YouTube.
Tu hoc sinh gioi quoc gia den benh nhan tam than cai nghien YouTube-Hinh-3
Từ học sinh giỏi quốc gia đến bệnh nhân tâm thần do nghiện YouTube. (Ảnh:V.N) 
Trang được đưa vào điều trị tại khoa 6 với chẩn đoán ban đầu là trầm cảm nặng. Ngồi cạnh mẹ, Trang nằng nặc đòi điện thoại. Không ai cho thì em lại hét, rồi đứng lên quăng ném đồ đạc.
“Con gái tôi liệu có thể trở lại cuộc sống bình thường như trước đây không? Tôi chưa từng nghĩ đến ngày phải đưa con vào bệnh viện tâm thần. Gia đình tôi đã sai khi không quan tâm nhiều đến cháu”, chị Mây khóc nức nở sau cánh cửa buồng bệnh nhân
Tu hoc sinh gioi quoc gia den benh nhan tam than cai nghien YouTube-Hinh-4
 
Sau khung cửa sắt lạnh lẽo ngăn cách với không gian bên ngoài tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, chị Lê Cẩm Nhung (27 tuổi, Tuyên Quang) bất động, miệng lẩm bẩm những câu khó hiểu. Chị ngồi đợi chồng, đợi con từ Tuyên Quang đến thăm.
“Em có nghiện phây đâu. Em chỉ dùng điện thoại để nghe nhạc. Bác sĩ cho em ra viện để em về với con”, chị luôn miệng khẳng định.
Sắc vóc cao, nước da trắng, khuôn mặt ưa nhìn, không ai nghĩ chị đang là bệnh nhân điều trị bệnh trầm cảm nặng và nhiều lần muốn tử tự. Chị Nhung được bác sĩ chẩn đoán bị trầm cảm nặng sau sinh khi kết hợp với việc xem mạng xã hội, YouTube quá nhiều dẫn đến tâm lý không ổn định. Chị Nhung cũng nhiều lần có ý định tự tử.
Chị Nhung làm giáo viên, năm 2018 chị quyết định kết hôn. Sau sinh, chị Nhung thường xuyên mất ngủ, ăn không ngon miệng, người uể oải. Những đêm không ngủ, chị thường bị cuốn theo video clip dài bất tận trên YouTube. Gia đình không để ý những thay đổi nhỏ nhưng tình trạng bệnh của chị Nhung nặng dần.
Chị không ăn, không ngủ; cộng với việc sử dụng điện thoại nhiều dẫn đến trầm cảm.Khi điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ kết luận, chị bị rối loạn tâm lý, trầm cảm và có triệu chứng hoang tưởng.
Gia đình phải đưa chị đến điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1.
Bị cấm dùng điện thoại, ban đầu chị la hét, tức giận đòi bỏ về. Nhưng, nhờ sự động viên của gia đình kết hợp với việc uống thuốc, tình trạng bệnh tình của chị bắt đầu thuyên giảm.
Ngồi nhìn thế giới bên ngoài qua khung cửa sắt, chị Nhung rơm rớm nước mắt: “Mong muốn của tôi bây giờ là sớm khỏi bệnh để về với con. Tôi nhớ con. Ra viện chắc chắn tôi sẽ không dùng điện thoại nhiều nữa đâu”.
*Tên nhân vật đã được thay đổi

Theo VTC NEWS

>> xem thêm

Bình luận(0)