Rối loạn tâm thần do nghiện game online: Bệnh thời hiện đại khó điều trị?

Google News

(Kiến Thức) - Dù chỉ trò chơi giải trí đơn thuần nhưng nghiện game online lại gây ra tác hại vô cùng nguy hiểm, có thể gây hoang tưởng, ảo giác, rối loạn tâm thần. Đây là căn bệnh khó chữa trị nhất trong các chứng rối loạn tâm thần.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chính thức bổ sung chứng nghiện game online là một bệnh về tâm thần.
Cụ thể, trong cuộc họp thường niên lần thứ 25 của WHO tại Thụy Sỹ, tổ chức này đã nhất trí quan điểm coi chứng nghiện game là một bệnh lý chính thức được bổ sung vào danh mục 55.000 bệnh, các thương tích hoặc nguyên nhân gây tử vong, hay còn gọi là danh sách phân loại bệnh (ICD) được các bác sĩ, nhà nghiên cứu, công ty bảo hiểm sức khỏe sử dụng để tham khảo.
Roi loan tam than do nghien game online: Benh thoi hien dai kho dieu tri?
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chính thức bổ sung chứng nghiện game online là một bệnh về tâm thần. 
Năm 2018, chứng nghiện game được WHO xếp vào dạng rối loạn tâm thần khi các chuyên gia y tế đều đồng thuận về những nguy cơ gây nghiện nghiêm trọng do việc thường xuyên chơi các trò chơi điện tử. Rối loạn tâm thần do nghiện game là việc chơi game liên tục hoặc thường xuyên, gồm cả game kỹ thuật số hoặc video game, tới mức ưu tiên và coi trọng hơn tất cả các hoạt động khác. Ngoài ra, các triệu chứng khác cũng bao gồm "việc thường xuyên chơi game bất chấp những hậu quả tiêu cực".
Đến nay, nghiện game được định nghĩa là "Không thể kiểm soát cảm xúc thèm muốn chơi game, liên tục coi việc chơi game là ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống, bất chấp mọi nhu cầu và hoạt động, sở thích hàng ngày khác".
Nói cách khác, nếu như một người dành nhiều đêm thức để cày game, mặc kệ tất cả mọi việc xung quanh, bất chấp các việc cá nhân hay lao động, các chuyên gia có thể khẳng định đó là người mắc hội chứng rối loạn tâm lý vì game. Nếu tình trạng này kéo dài 12 tháng, đó sẽ được coi là tình trạng "bệnh nghiện game". Như vậy, 12 tháng là khoảng thời gian để kết luận và chuyển giao giữa 2 mức độ từ hội chứng lên bệnh lý.
Các quy định về nghiện game đã được công nhận nhưng phải tới ngày 1/1/2022 mới bắt đầu có hiệu lực để áp dụng vào nhiều quy chuẩn y tế để kết hợp thống nhất thêm các lộ trình điều trị, phòng chữa bệnh cho các bệnh nhân gặp tình trạng này.
Dấu hiệu nghiện game
WHO đưa nghiện game vào nhóm các rối loạn tâm thần, đặc trưng bởi hành vi chơi dai dẳng, tái diễn, dù là trực tuyến hay ngoại tuyến.
Theo đó, ba dấu hiệu nghiện game điển hình ở một người gồm:
- Khó kiểm soát mức độ chơi game (như tần suất, cường độ, thời gian, bối cảnh); thậm chí mất kiểm soát đối với việc chơi game. Ví dụ trẻ không thể thoát ra được cám dỗ chơi game, có quyết định chơi game hay không, khi nào thì dừng lại,...
Roi loan tam than do nghien game online: Benh thoi hien dai kho dieu tri?-Hinh-2
Rối loạn tâm thần do nghiện game online là một bệnh rất khó điều trị, đặc biệt khó phục hồi thói quen, tâm lý và nhân cách của người bệnh.  
- Ưu tiên chơi game hơn các hoạt động thường ngày khác: Người nghiện game tăng mức độ ưu tiên dành cho việc chơi game. Trò chơi điện tử được ưu tiên hơn các lợi ích cuộc sống khác và hoạt động thường ngày. Thậm chí trẻ nghiện game online còn có xu hướng trì hoãn những việc cấp bách, ví dụ như hạn chót làm bài tập, ôn thi,...
- Tiếp tục hoặc chơi game ngày càng nhiều, bất chấp sự xuất hiện của những hậu quả tiêu cực.
Khó điều trị ra sao?
Rối loạn tâm thần do nghiện game online là một bệnh rất khó điều trị, đặc biệt khó phục hồi thói quen, tâm lý và nhân cách của người bệnh. Để điều trị nghiện game hiệu quả, cách tốt nhất cần phải thay đổi, cách ly môi trường game online, không cho bệnh nhân tiếp cận với các phương tiện chơi game online, như: máy tính, điện thoại, Ipad… bởi bệnh rất dễ tái phát nếu bệnh nhân lại sa đà vào chơi game và khi đó việc điều trị sẽ nan giải hơn rất nhiều, thậm chí tâm thần không thể hồi phục.
Đối với những gia đình đang có con chơi game online, nếu phát hiện con mình có những biểu hiện, như: lầm lì, hay cáu gắt, không thích giao tiếp với mọi người, mắt hay nhìn xuống, bàn tay bị chai… thì nên đưa đến các cơ sở y tế chuyên khoa để khám, điều trị sớm bởi khám muộn sẽ gây khó khăn cho công tác điều trị.

>>> Mời độc giả theo dõi video "Bệnh viện kết luận: “hot girl bella” bị hoang tưởng, ảo giác nặng". Nguồn: VTC14.

Hiện nay, tình trạng nghiện game, đặc biệt là nghiện game online ở giới trẻ ngày càng tăng dẫn đến nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của một người. Ngoài việc lấy đi mất thời gian và sức lực của con người, game online còn tác động trực tiếp làm thay đổi cảm xúc và suy nghĩ của cá nhân và ảnh hưởng đến các mặt khác của đời sống xã hội.
Để hạn chế tình trạng nghiện game online, gia đình, nhà trường cần quản lý, giám sát chặt chẽ con em mình. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần có quy chế quản lý chặt chẽ đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ game online để các em không bị hủy hoại tương lai vì những trò chơi tưởng như vô hại.
Thảo Nguyên (TH)

>> xem thêm

Bình luận(0)