Sáng 11/12, Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 7 luật, trong đó có Luật Cư trú.
Bảo đảm bí mật thông tin cá nhân
Giới thiệu nội dung cơ bản của Luật Cư trú năm 2020, Thứ trưởng Công an Lê Quốc Hùng cho biết, luật này ra đời nhằm bảo đảm tốt hơn nữa quyền tự do cư trú của công dân như xóa bỏ các thủ tục hành chính còn rườm rà, dễ bị lợi dụng gây phiền hà cho người dân…
Đặc biệt là Luật Cư trú năm 2020 thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến công tác đăng lý, quản lý cư trú. Cụ thể là bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân, cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
|
Thứ trưởng Công an Lê Quốc Hùng. |
Cụ thể là quản lý bằng việc sử dụng mã số định danh cá nhân để truy cập, cập nhật, điều chỉnh trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Thông tin về nơi thường trú của mỗi người dân là trường thông tin dữ liệu số cập nhật, điều chỉnh trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia về cư trú.
Việc này giúp công dân không cần mang theo các loại giấy tờ có chứa thông tin cá nhân đã thể hiện trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng như không phải sao y chứng thực các loại giấy tờ này khi thực hiện các thủ tục hành chính hoặc tham gia giao dịch dân sự mà chỉ cần mang theo thẻ căn cước công dân hoặc cung cấp mã số định danh cá nhân cho cơ quan chức năng để thực hiện.
Luật đã bỏ toàn bộ các thủ tục về cấp đổi sổ hộ khẩu, cấp lại sổ hộ khẩu, cấp giấy chuyển hộ khẩu. Luật cũng sửa đổi, bổ sung các thủ tục: tách sổ hộ khẩu được thực hiện bằng việc điều chỉnh, cập nhật trường thông tin về chủ hộ, quan hệ với chủ hộ trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cư trú; điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu; xác nhận việc trước đây đã đăng ký thường trú…
Thời gian thực hiện các thủ tục này được đơn giản và rút ngắn hơn trước. Nếu như hiện nay thời gian giải quyết đăng ký thường trú là 15 ngày thì sắp tới tối đa còn 7 ngày.
Ngoài ra, Luật Cư trú 2020 bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại TP trực thuộc Trung ương. Tức là không có quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại TP trực thuộc Trung ương. Việc đăng ký thường trú tại tỉnh, thành trực thuộc Trung ương là như nhau không có sự phân biệt và được áp dụng chung, thống nhất trên toàn quốc.
Quy định này nhằm tạo sự bình đẳng trong quản lý cư trú đối với mọi công dân, bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân theo quy định của Hiến pháp 2013 và bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của công dân đang sinh sống trên địa bàn các TP trực thuộc Trung ương nhưng chưa được đăng ký thường trực mặc dù có chỗ ở hợp pháp.
Người sống lang thang cũng được đăng ký nơi cư trú
Ngoài ra, Điều 4 về việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân và các trường hợp bị hạn chế quyền tự do cư trú có quy định mới về trường hợp hạn chế đối với người bị cách ly do có nguy cơ lây lan dịch bệnh cho cộng đồng…
Luật bỏ một số quy định hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến sổ hộ khẩu tại Điều 7 và bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm phù hợp với phương thức quản lý cư trú mới như truy cập, khai thác, hủy hoại, làm cản trở, gián đoạn hoạt động, thay đổi, xóa, phát tán, cung cấp trái phép thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú.
Chương II về quyền, nghĩa vụ của công dân về cư trú gồm 3 điều, trong đó có quy định, công dân được bảo đảm bí mật thông tin cá nhân, thông tin về hộ khẩu gia đình trong cơ sở dữ liệu về cư trú, trừ trường hợp cung cấp theo quy định của pháp luật…
Một điểm mới nữa là luật quy định nơi cư trú của người không có cả nơi thường trú và nơi tạm trú do không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú là nơi ở hiện tại của người đó. Trường hợp không có chỗ ở cụ thể thì nơi hiện tại được xác định là đơn vị hành chính cấp xã nơi người đó đang thực tế sinh sống. Người không có nơi thường trú, nơi tạm trú phải khai báo thông tin về cư trú với cơ quan đăng ký cư trú tại nơi ở hiện tại.
Việc bổ sung quy định này để bảo đảm quản lý tốt hơn đối với người chưa đăng ký thường trú, tạm trú ở đâu như người di cư, sống lang thang, không có giấy tờ tùy thân, không có chỗ ở hợp pháp... Quy định này có ý nghĩa quan trọng trong công tác quản lý nhà nước đối với dân cư cũng như bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của một bộ phận người dân.
Quy định này cũng là cơ sở để địa phương xây dựng và áp dụng các chính sách về kinh tế, xã hội phù hợp cho nhóm người này…
Luật Cư trú 2020 có 7 chương, 38 điều có hiệu lực từ 1/7/2021. Tuy nhiên Luật quy định, sổ hộ khẩu giấy được sử dụng đến hết năm 2022.
Trả lời báo chí về tiến độ hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cho biết, hiện Bộ Công an nỗ lực phấn đấu để hoàn thành trước 1/7/2021. Lúc đó, dữ liệu có thể thay thế hết các giấy tờ liên quan.
“Khi cơ sở hoàn thành thì tất cả đầu mối đăng ký cư trú đều được kết nối, không kể vùng sâu, vùng xa hay thành thị”, Thứ trưởng Công an cho hay, tiến độ thực hiện hiện nay không có vấn đề gì trở ngại.