Tăng lương cơ sở từ ngày 1.7
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 38/2019/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Nghị định này quy định mức lương cơ sở áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động (người hưởng lương, phụ cấp) làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (cấp huyện), ở xã, phường, thị trấn (cấp xã), ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và lực lượng vũ trang.
Theo Nghị định, từ ngày 1.7.2019, mức lương cơ sở tăng 100.000 đồng/tháng, lên 1.490.000 đồng/tháng thay cho mức lương cũ là 1.390.000 đồng/tháng.
Mức lương cơ sở này dùng để làm căn cứ cho việc tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định 38/2019/NĐ-CP; tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật; tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.
Sáu trường hợp không được đề nghị đặc xá
Theo Luật Đặc xá 2018, người có đủ điều kiện theo quy định đề nghị đặc xá vẫn không được đề nghị đặc xá khi thuộc một trong các trường hợp sau:
Bị kết án phạt tù thuộc vào 16 tội danh theo quy định tại Luật này; bản án, phần bản án hoặc quyết định của tòa án đối với người đó đang bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo hướng tăng nặng trách nhiệm hình sự; đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội khác; Trước đó đã được đặc xá; có từ 2 tiền án trở lên; trường hợp khác do Chủ tịch nước quyết định.
|
Ảnh minh họa: Nguồn: V.T.
|
16 tội danh không được đề nghị xét đặc xá gồm: Tội phản bội Tổ quốc; Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; Tội gián điệp; Tội xâm phạm an ninh lãnh thổ; Tội bạo loạn; Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân; Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Tội phá rối an ninh; Tội chống phá cơ sở giam giữ; Tội khủng bố; Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh của Bộ luật Hình sự (05 tội danh).
Giảm thời hạn thực hiện nghĩa vụ CAND xuống còn 2 năm
Điểm mới quan trọng này được quy định tại Luật công an nhân dân 2018. Theo đó, Công an nhân dân (CAND) hàng năm được tuyển chọn công dân trong độ tuổi gọi nhập ngũ vào phục vụ trong CAND với thời hạn là 24 tháng (hiện hành là 36 tháng).
Bộ trưởng Bộ Công an quyết định kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ nhưng không quá 06 tháng trong trường hợp: Để bảo đảm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu; đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh.
Ngoài ra, chính sách khoan hồng với DN vi phạm pháp luật cạnh tranh theo Luật Cạnh tranh 2018; Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 quy định tất cả cán bộ, công chức có nghĩa vụ phải kê khai tài sản, thu nhập... cũng có hiệu lực từ ngày hôm nay.