TS Vũ Tiến Lộc: “Dịch bệnh được kiểm soát, không thể không mở cửa”

Google News

“Đến nay, dịch bệnh đã được kiểm soát bước đầu tại các địa phương. Cơ hội vàng nới lỏng giãn cách, mở cửa thị trường, tái khởi động nền kinh tế đã đến. Mở cửa là con đường không thể nào khác được, không thể không mở cửa…”, TS. Vũ Tiến Lộc nói.

Dịch COVID-19 tác động nặng đến kinh tế ĐBSCL
Dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát khiến nhiều địa phương phải giãn cách xã hội, làm cho nền kinh tế đình trệ, đã tác động nghiêm trọng đến tình hình hoạt động của doanh nghiệp, nặng nề nhất tại TPHCM, trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước và lan ra các tỉnh Nam bộ gồm Đông Nam bộ và ĐBSCL.
Tại hội thảo “Bức tranh Kinh tế Việt Nam và ĐBSCL: Dự báo kinh tế quý IV và triển vọng năm 2022” ngày 1/10, Võ Tân Thành - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, GDP Quý III/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức giảm sâu nhất từ trước đến nay.
TS Vu Tien Loc: “Dich benh duoc kiem soat, khong the khong mo cua”
TS. Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC). 
Trong 9 tháng đầu năm 2021, cả nước có 85.500 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 13,6%, nhưng có đến 90.300 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Trung bình mỗi tháng có 10.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Riêng ĐBSCL, con số các doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong 3 tháng qua lên tới gần 90%. Các doanh nghiệp có thể duy trì hoạt động thực hiện “3 tại chỗ” cũng chỉ sản xuất từ 5-10% công suất. Trong khi chi phí sản xuất mô hình này rất cao vì quy định phải bình ổn giá, chi phí hỗ trợ người lao động, nguyên liệu đầu vào tăng, chi phí vận chuyển…
Mở cửa là con đường không thể nào khác được
Tại hội thảo, TS. Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết, dẫn số liệu Tổng cục Thống kê cho thấy 94% doanh nghiệp trong cả nước đang gặp khó khăn về dịch bệnh. Tại 19 tỉnh thành phố phía Nam, 98% doanh nghiệp thiệt hại nặng nề, đặc biệt ở vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Theo ông Lộc, phần lớn các oanh nghiệp nói rằng, họ khó có thể trụ thêm 3 – 6 tháng tới, nếu tình hình không được cải thiện.
Chủ tịch VIAC cũng thông tin, trong quý III/2021, số lao động đang làm việc trong nền kinh tế giảm 2,4 triệu người so với quý trước. “Đằng sau 2,4 triệu người lao động cũng là sinh kế của ngần ấy gia đình. Đó là một con số khủng khiếp, rung lên hồi chuông báo động cho chính sách an sinh, đe doạ sự bình yên của xã hội và của mỗi gia đình”, ông Lộc nói.
Dẫn số liệu do Tổng cục Thống kê công bố, ông Lộc cho biết, một thông tin gây “sốc” khi tăng trưởng GDP của Việt Nam quý III ước tính âm đến 6,17%, so với quý III. Theo dự báo GDP sẽ tiếp tục âm sâu nếu tình hình không sớm được cải thiện.
Ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, với chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đến nay, dịch bệnh đã được kiểm soát bước đầu tại các địa phương. Cơ hội ngàn vàng để có thể nới lỏng giãn cách, mở cửa thị trường, tái khởi động nền kinh tế đã đến. Mở cửa là con đường không thể nào khác được. Nếu mở cửa chậm hơn thì cái giá phải trả là vô cùng lớn và chúng ta có điều kiện thuận lợi để mở cửa nền kinh tế trong điều kiện đang kiểm soát khá tốt bệnh dịch.
Cũng với ý phải chủ động thích ứng, ông Vũ Tiến Lộc nêu rõ: "Chúng ta chờ đợi cẩm nang hướng dẫn “sống chung” cũng như chờ đợi bản kế hoạch của Trung ương về tái khởi động, phục hồi nền kinh tế. Nhưng chúng ta không thể ngồi yên, mỗi địa phương và doanh nghiệp hãy chuẩn bị cho mình kịch bản về kế hoạch sống chung và phục hồi nền kinh tế của riêng mình, gắn với đặc điểm, điều kiện của mỗi địa phương, doanh nghiệp".
Chủ tịch VIAC đưa ra 5 đề xuất về các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp gồm: Mở cửa thị trường; đẩy mạnh cải cách thể chế, cải cách hành chính; thực hiện tốt và mở rộng quy mô các gói hỗ trợ tài khoá, tiền tệ, an sinh; triển khai chương trình trợ giúp, nâng cao năng lực cho cộng đồng doanh nghiệp và tiếp tục thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do, triển khai các chương trình xúc tiến thương mại đầu tư kết nối lại các chuỗi cung ứng và mở mang thị trường cho doanh nghiệp.
Đồng tình với ông Vũ Tiến Lộc, ông Nguyễn Xuân Thành, Trường Chính sách công và Quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, cần phải mở cửa ngay từ bây giờ và phải mở cửa bền vững. Nếu mở rồi lại đóng thì không những không phục hồi mà còn dẫn đến thiệt hại nặng nề hơn.
Theo ông Thành, dịch vụ vận tải, dịch vụ logistics phát triển chính là yếu tố then chốt thúc đẩy cho “dòng chảy” hàng hóa xuất khẩu được thông suốt. Tuy nhiên, do giãn cách xã hội, các tỉnh thành có quy định hàng hóa lưu thông vào địa phương khác nhau, khiến đây vẫn đang là “điểm yếu” để khôi phục lại sau dịch tại ĐBSCL, muốn khôi phục thì logistics phải được thông suốt, liên vùng.
"Cứ mỗi lần thay đổi địa điểm, lộ trình lại phải đi xin phép thì không thể nào có được lộ trình vận tải logistics xuyên suốt để “bình thường mới” được. Cần thay đổi quan điểm nếu như người điều khiển phương tiện vận tải và lao động logistics đã tiêm đủ vaccine thì chỉ cần chứng nhận đó thôi, không cần xin phép gì nữa. Nếu không có nữa thì chỉ cần đưa ra giấy xét nghiệm âm tính trong 72 giờ, đó chính là các tiêu chí an toàn mà thống nhất được tất cả địa phương trong vùng, để có thể lưu thông, hoạt động vận tải logistics liên tỉnh, liên vùng", ông Thành nói.
Đã đến lúc phải tư duy lại về không gian phát triển vùng
Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, câu chuyện liên kết vùng ĐBSCL trước giờ được nhắc đến nhiều, nhưng nhìn lại về liên kết trong suốt thời gian qua thì vẫn chưa đủ, mặc dù đã có Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu; còn nhiều lúng túng trong việc điều hành liên kết vùng.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, phải chăng đã đến lúc phải tư duy lại về không gian phát triển vùng. Chính quyền và doanh nghiệp cũng cần phải ngồi lại để kiến tạo ra một không gian phát triển, giúp định hướng chiến lược phát triển dài hạn, gắn kết và tạo ra giá trị rất lớn của từng ngành hàng.
"Nếu chỉ một bên tuân thủ, một bên kiểm soát thì nó khác, còn nếu hai bên ngồi lại cùng tạo ra một không gian để phát triển một cách bền vững. Rồi sự liên kết giữa doanh nghiệp với người sản xuất phải bền chặt hơn chứ không phải qua từng mùa vụ, doanh nghiệp thì đi mua theo từng mùa vụ, người nông dân sản xuất theo từng mùa vụ, sự thấp thỏm đó kéo theo câu chuyện mù mờ về lòng tin, về thị trường bền vững. Do đó, tam giác phát triển là một động lực mà sau đại dịch COVID-19 này chúng ta cần đẩy mạnh hơn", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ, Chủ tịch Hội đồng các Hiệp hội doanh nghiệp ĐBSCLcho hay, dù các doanh nghiệp dừng sản xuất do dịch bệnh, nhưng vẫn phải chi trả các khoản chi phí như lãi vay, thuế, tiền thuê hạ tầng, mặt bằng… Do đó, cần có những chính sách tháo gỡ, hỗ trợ từ Trung ương đến địa phương về lãi vay, giảm và giãn nợ cho doanh nghiệp trong giai đoạn từ nay đến hết năm 2021.
Hiện, tỷ lệ tiêm vắc xin cho người lao động còn quá thấp. Tính đến cuối tháng 8/2021, mới có hơn 23% doanh nghiệp có tỉ lệ từ 80% số lao động được tiêm vắc xin.
“Cần có chính sách hoặc quy định cụ thể cho người lao động tiêm đủ 2 mũi vắc xin sau 14 ngày được xem là “giấy thông hành” để đi lại làm việc từ nhà tới công ty; tài xế di chuyển giữa các quận, huyện để thu mua nông sản cho nông dân, khơi thông hàng hóa, có hướng đi mới cho doanh nghiệp” - ông Lam kiến nghị.
>>> Mời độc giả xem thêm video TP Hồ Chí Minh nới lỏng những gì từ 1/10:

Nguồn: VTV 1

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)