Hằng năm, cứ vào quãng thời gian đầu năm học, báo chí và dư luận lại rộ lên chuyện lạm thu ở trường học, nhất là bậc tiểu học và THCS. Dường như đây là điệp khúc chưa có hồi kết để rồi năm sau lại “lạm” hơn năm trước, theo kiểu ngày càng “phát triển”.
Dư luận không thể không bức xúc trước vấn đề này, bởi gánh nặng đè lên vai người dân là quá lớn, nhất là đối với các phụ huynh là nông dân khi mà bản thân họ đã và đang phải cõng trên lưng hàng chục thứ phí khác.
Do đó, các khoản thu đầu năm của nhà trường đang trở thành nỗi lo sợ ám ảnh đối với những gia đình khó khăn, có đông con đi học. Báo chí đang xoáy sâu chuyện lạm thu ở khía cạnh này, nhìn nhận nó như một vấn nạn khiến dư luận bức xúc.
Từ chuyện lạm thu đến chuyện bêu tên phụ huynh chưa đóng tiền trong lễ chào cờ, rồi đuổi học học sinh vì phụ huynh dám lên mạng xã hội phê phán nhà trường hay không chịu cho học sinh ở bán trú… khiến cho trường học trong con mắt phụ huynh, học sinh không còn “thân thiện” như khẩu hiệu đã đề ra.
|
Nạn lạm thu ở trường học gây nhức nhối nhiều năm qua, gây bức xúc cho toàn xã hội. Tranh biếm họa. |
Dư luận đặt câu hỏi: Tại sao nạn lạm thu ở trường học lại trở nên phổ biến và ngày càng bị lạm dụng như vậy?
Báo chí thời gian qua chủ yếu phản ánh sự thực, cung cấp thông tin về những trường “nổi cộm” chuyện lạm thu mà chưa đi sâu tìm hiểu nguyên nhân để bắt đúng mạch căn bệnh trầm kha này.
Trong bài “Lạm thu tiền trường tràn lan ở Hà Tĩnh: Giám đốc Sở GDĐT “cũng rất bức xúc” đăng trên báo Lao động Online ngày 3-10, người đứng đầu Sở GDĐT Hà Tĩnh nêu một số nguyên nhân của việc lạm thu như: Lãnh đạo nhà trường nôn nóng quyết liệt để trường đạt chuẩn, có cơ sở vật chất tốt, khang trang...; Một số chưa nhận thức, nắm rõ quy trình thủ tục; Các cấp quản lý của của Phòng Giáo dục có chỗ chưa sâu sát, không kiểm tra thường xuyên, kịp thời, xử lý không triệt để; Trách nhiệm đôn đốc, chỉ đạo, xử lý của chính quyền chưa tốt; Phụ huynh dễ thỏa hiệp, chấp nhận vì sợ có ý kiến sẽ bị trù dập con mình...
Vài hôm trước, người viết bài này nhận được Email của thầy TKL trao đổi xung quanh chuyện lạm thu mà báo chí đã nêu.
Trong thư, thầy TKL cho biết, là một cán bộ quản lí giáo dục đương nhiệm, thầy không phủ nhận có một số trường thu ẩu, lạm thu nhưng vấn đề gốc rễ lại nằm ở chỗ khác. Theo thầy L, chuyện lạm thu có 3 nguyên nhân cơ bản như sau:
1. Đó là nguồn “Chi thường xuyên” nhà nước cấp cho các nhà trường để hoạt động không đủ. Theo quy định thì nguồn này chiếm 20% tổng quỹ lương nhưng trên thực tế rất khác. Các trường THPT trực thuộc Sở GD-ĐT và Sở tài chính thì nguồn này đạt khoảng 15%. Các trường Mầm non, Tiểu học, THCS trực thuộc huyện và Phòng tài chính nguồn này chỉ được cấp 5% đến 7%. Một trường học với tổng quỹ lương khoảng 2 tỷ đồng mà cấp cho 118 triệu đồng để chi cho tất cả các hoạt động trong 12 tháng thì thử hỏi làm sao mà quay trở. Vì lẽ đó mà các trường phải thu. Huyện biết không? Tỉnh biết không? Xin thưa... biết cả nhưng cấp thiếu tiền nên các cấp im lặng.
2. Vấn đề xây dựng cơ sở vật chất hàng năm. Ở đâu tôi không biết nhưng ở địa phương tôi là huyện nghèo thuộc tỉnh nghèo nên CSVC trường lớp xây nên đổ 100% vào đầu cấp xã. Xây một trường đạt chuẩn quốc gia, tỉnh không hỗ trợ, huyện hỗ trợ 150 triệu đồng. Thử hỏi xã không đồng thuận với trường thu từ đầu HS để trả nợ thì xã lấy đâu ra tiền. Mà đầu HS là dễ gõ nhất vì PH còn nể thầy cô chứ địa phương mà thu của dân chắc còn lâu.
3. Các tổ chức nào cũng nhảy vào trường học nhờ thu hộ bằng một loạt văn bản loằng ngoằng chữ ký và đỏ hoe dấu, từ BHYT, BHTN, Đoàn đội, CTĐ, Khuyến học... Xã hội thì luôn nghĩ rằng những khoản ấy cũng do trường thu.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, một hiệu trưởng trường THCS ở huyện Kr.N, thầy TXV cho biết thêm: Dẫn đến chuyện lạm thu như báo chí phản ánh vừa qua, trước hết là do trách nhiệm của người quản lí, một số trường cố ý làm trái qui định, phớt lờ thông tư 55/2011/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh. Thứ hai là do cơ sở vật chất chưa đáp ứng được nhu cầu hoạt động dạy học ngày càng cao, nhà trường luôn phải đối mặt với những sức ép về chất lượng dạy học, tiêu chuẩn trường chuẩn quốc gia… Thứ ba là không loại trừ khả năng “lợi ích” vì nhiều khoản thu phi lí, không thực tế. Thứ tư là mặc dù nguồn “Chi thường xuyên” nhà nước cấp theo quy định là 20% tổng quỹ lương nhưng trên thực tế chỉ chưa đến 10% bởi nhà trường phải “san sẻ” cho phòng, cho khen thưởng... Mức chi đó không thể đảm bảo cho các hoạt động của nhà trường, nếu lãnh đạo không khéo “nằm co”.
|
Tình trạng lạm thu đầu năm học là gánh nặng và nỗi lo của nhiều gia đình có con đang đi học. Tranh biếm họa. |
Trong thông tư 55 của Bộ GD-ĐT về Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh, khoản 4, điều 10 ghi rõ:
“Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học:
a) Các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện.
b) Các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.”
Đối chiếu với những qui định của Điều lệ, rõ ràng phần lớn các khoản thu của các trường đều trái qui định, tức là sai luật. Điều này lãnh đạo các trường có biết không? Chắc chắn là biết vì thông tư họ nắm trong tay chứ không thể “chưa nhận thức, chưa nắm rõ quy trình thủ tục” như ông GĐ Sở GD-ĐT Hà Tĩnh đã nói ở trên.
Trong nhiều trường hợp lạm thu được báo chí phản ánh, tất cả các khoản thu đều được hợp thức hóa dưới danh nghĩa đề xuất của đại diện Hội cha mẹ học sinh. Nhưng trong thực tế, các khoản thu đều do nhà trường khởi xướng, Hội cha mẹ học sinh không có quyền đưa ra những khoản thu mà Điều lệ Hội không cho phép. Mặc dù vậy, khi trả lời báo chí, lãnh đạo một số trường vẫn tìm cách biện minh, còn cấp trên thì hầu như im lặng hoặc chưa dám nhìn vào sự thật để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời và hiệu quả vấn nạn này.
Trong nhiều nguyên nhân của lạm thu, có thể kể đến một nguyên nhân xuất phát từ sự “thỏa hiệp” của phụ huynh. Qua phản ánh trên báo chí, dư luận đều thấy, phụ huynh biết rõ nhiều khoản thu phi lí nhưng không dám phản ứng trực tiếp trong các cuộc họp Hội cha mẹ học sinh hoặc nếu có thì cũng chỉ là phản ứng lẻ tẻ, còn phần đông đều chấp nhận vì sợ có ý kiến thì con mình sẽ bị trù dập… Có một thứ “quyền lực vô hình” nào đó đang tồn tại trong trường học, nó gián tiếp thủ tiêu tinh thần dân chủ, áp đặt ý đồ của một cá nhân hay của một nhóm lợi ích, buộc phụ huynh và học sinh dẫu không tán thành cũng phải làm theo. Thứ quyền lực vô hình đó có khi bộc lộ trực tiếp như một số vụ từ chối nhận học sinh vào trường khi phụ huynh “dám” lên tiếng phê phán hay tỏ thái độ không đồng tình mà báo chí phản ánh gần đây, có khi gián tiếp như đánh vào kết quả học tập hay xếp loại đạo đức học sinh.
Làm gì để chấm dứt tình trạng lạm thu, trả lại sự trong sáng cho trường học để thầy cô chỉ lo dạy dỗ thật tốt còn nhà trường thì toàn tâm toàn ý vì học sinh thân yêu? Để nghề giáo không phải xếp vào nhóm “nghề nguy hiểm” theo nhiều nghĩa như tâm sự của thầy TKL, người đã gần trọn cuộc đời gắn bó với nghiệp giáo viên?
Đó là những câu hỏi lớn đặt ra cho cả xã hội chứ không riêng gì ngành giáo dục lúc này.
(Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả)