Đến công sở gặp một nhân viên mới toanh, câu đầu tiên của mọi người sau khi chào hỏi là: Em (cháu, cô, cậu) mới vào cơ quan hả? Có quen ai không mà vào được đây? Có phải con, cháu…?, ..vv…
Những câu hỏi đại loại như thế đã thành “chuyện thường ngày ở huyện” bao nhiêu năm nay bởi ở nhiều nơi, việc tuyển dụng công chức được cho là ngầm mặc định theo công thức “Hậu duệ, tiền tệ, quan hệ, trí tuệ”. Cho nên, chuyện cả họ làm quan ở huyện Mỹ Đức (Hà Nội) tuy khiến xã hội xôn xao nhưng không có gì lạ. Xôn xao bởi có lẽ đây là trường hợp đầu tiên, chuyện họ hàng dắt díu chia nhau quyền lực ở bộ máy công quyền cấp huyện được đưa lên báo chí, nêu đích danh chứ không còn ở “cấp độ” rỉ tai trong dư luận nữa.
Bây giờ thì cái câu “Một người làm quan cả họ được nhờ” dường như đã được biến đổi về lượng, nâng lên ở tầm cao hơn: Cả họ làm quan!
|
Còn nghịch lý "một người làm quan, cả họ được nhờ", dẫn đến "cả họ làm quan" thì nhân tài thực sự sẽ không có đất dụng võ. Tranh: Ndiep. |
Tư tưởng “Một người làm quan cả họ được nhờ” đã được mặc định từ lâu trong tâm thức của người Việt. Đấy là hệ quả tất yếu của văn minh nông nghiệp với tổ chức bộ máy nhà nước lấy đơn vị làng xã làm nền tảng đã được định hình từ hàng ngàn năm nay. Thế cho nên mới có câu “Phép vua thua lệ làng”.
Làng xã xưa được hình thành trên cơ sở cư dân của một vài dòng họ cho nên họ nào có người nắm quyền (làm quan) thì sẽ có nhiều lợi thế (được nhờ) bởi quyền hành (cai trị làng xã) nằm trong tay người trong họ.
Ở cấp độ vĩ mô, tư tưởng ấy được mặc định thành công thức nước là vua, vua là nước. Cho nên khi một dòng họ khởi nghiệp dựng nên triều đại mới thì quyền lực cai trị nhà nước cũng mặc nhiên nằm trong tay dòng họ đó mà người đại diện tối cao là vua, chúa. Suốt hàng ngàn năm tồn tại của chế độ phong kiến, cách tổ chức quản trị nhà nước từ làng xã đến trung ương đều tuân thủ theo huyết thống, dòng họ. Đấy là nguyên nhân cơ bản khiến cho xã hội phong kiến trì trệ trong suốt chiều dài lịch sử tồn tại của nó.
Chỉ đến khi cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời thì lề thói tổ chức bộ máy hành chính cũ kĩ lạc hậu ấy mới bị phá bỏ, thay vào đó là một nền dân chủ mới, trọng dụng người có tài có đức ra phụng sự việc nước.
Tuy nhiên, ngay ở buổi bình minh của chế độ mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh, kiến trúc sư của nhà nước dân chủ nhân dân kiểu mới, đã lường trước được những hệ lụy mà tư tưởng phong kiến lạc hậu vẫn đang tồn tại, nhất là trong hàng ngũ công chức nhà nước lúc bấy giờ.
Trong “Thư gửi Uỷ ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” (*), Người cảnh báo 6 lỗi lầm mà các vị công bộc của dân đã, đang và sẽ phạm phải. Trong 6 lỗi lầm mà Người nêu ra, có lỗi lầm thứ 4 là: “Tư túng – Kéo bè, kéo cánh, bà con bạn hữu mình, không tài nǎng gì cũng kéo vào chức này chức nọ. Người có tài có đức, nhưng không vừa lòng mình thì đẩy ra ngoài. Quên rằng việc là việc công, chứ không phải việc riêng gì dòng họ của ai”.
Lời dạy trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh toát lên 3 điểm:
- Tư tưởng bè phái, dòng họ vẫn còn tồn tại trong một bộ phận công chức của chế độ mới thể hiện qua việc lôi kéo bà con, bạn hữu không có tài năng gì vào chức này, chức nọ.
- Tư tưởng ấy còn tồn tại thì người có tài, có đức không có đất dụng võ (Người dùng chữ “đẩy ra ngoài”)
- Tư tưởng ấy biến việc công thành việc riêng, mưu lợi cho bản thân, gia đình, họ hàng.
Trở lại câu chuyện cả họ làm quan ở huyện Mỹ Đức. Khi sự việc được đưa lên mặt báo, một vị lãnh đạo huyện khẳng định: “Toàn bộ quy trình về công tác cán bộ đều theo đúng quy định, quy trình”.
Vâng! Đúng qui trình, không sai. Vẫn đảm bảo các bước “nghiêm ngặt”: “Tuyển chọn, cân nhắc, người trong nhà thì càng phải tính toán kỹ hơn, trình độ phải nổi trội hơn người khác mới chọn” như ông Trưởng ban Tổ chức huyện ủy nói. Nhưng dư luận lại đặt câu hỏi: Liệu các bước tuyển chọn được cho là cân nhắc kĩ ấy có đảm bảo tính minh bạch, khách quan hay không khi ông Trưởng ban Tổ chức là chú ông Bí thư huyện ủy và các con cháu khác của ông là trưởng, phó phòng của huyện?
Với một huyện có số dân khoảng 180 nghìn người như Mỹ Đức, nếu tính dòng họ chắc phải đến hàng chục, thậm chí hàng trăm. Vậy mà các chức danh lãnh đạo đạo chủ chốt các phòng ban của huyện lại nằm trong tay người nhà họ Lê của bí thư huyện ủy đương nhiệm.
Cho nên, dù có lí giải kiểu gì, dù việc bổ nhiệm cán bộ, tuyển dụng được cho là đúng qui trình thì dư luận vẫn nghi ngờ tính minh bạch của nó khi bộ máy công quyền của huyện lại có đến 10 công bộc là người nhà của một dòng họ.
Bởi cái qui trình mà các vị bảo là đúng ấy vốn rất chặt chẽ, nghiêm ngặt về lí thuyết nhưng trong quá trình vận hành, nó đã bị vô hiệu hóa, chỉ còn mang tính hình thức. Bao nhiêu vụ việc sai trái bị phanh phui có vụ nào mà người đứng đầu hay cơ quan quản lí lại tự nhận là không đảm bảo qui trình đâu?
Chuyện “Một người làm quan cả họ được nhờ” bây giờ không còn là chuyện hiếm hoi gì nữa. Có thể bắt gặp bất cứ nơi đâu, bất cứ ngành nào. Dư luận vẫn đồn đại ngành nọ ngành kia có luật bất thành văn dành suất cho cán bộ, viên chức mình đưa con em vào thế chỗ đó thôi.
Thế cho nên, chuyện hàng nghìn sinh viên tốt nghiệp đại học, hàng trăm thạc sĩ thất nghiệp chẳng có gì là khó hiểu. Bằng cấp, trình độ, tài năng đều phải nhường bước trước hết cho "hậu duệ".
Chừng nào còn tồn tại nghịch lí này trong khâu tuyển chọn công chức thì chừng ấy nhân tài không có đất dụng võ.
Trong “Thư gửi Uỷ ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” nói trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh gói trọn tâm huyết của mình ở câu kết của bức thư: “Chúng ta phải ghi sâu những chữ “công bình, chính trực” vào lòng”.
Lời dạy của Người thật giản dị mà thấm thía.
Chuyện cả họ làm quan ở Mỹ Đức là bài học thực tiễn sinh động cho công tác tổ chức cán bộ hiện nay.
Hơn 500 về trước, vua Lê Thánh Tông đã từng đặt ra chế độ hồi tỵ để trị nạn bè phái, “một người làm qua cả họ được nhờ” với một số nội dung cơ bản như:
- Không được bổ nhiệm một viên quan về cai trị huyện hoặc tỉnh mà ông ta xuất thân từ đó.
- Không được bổ nhiệm một viên quan tới nơi ông ta có người họ hàng tại nhiệm ở vị trí lãnh đạo.
- Trong thời gian trị nhậm tại một tỉnh hoặc một huyện, một viên quan không được cưới vợ, lấy thiếp là người của địa hạt đó.
- Một viên quan không được phép tại vị quá lâu ở cùng một địa phương hoặc cùng một viện, bộ chức năng.
Các vua triều Nguyễn sau này như Minh Mạng, Thiệu Trị tiếp tục kế thừa tư tưởng của vua Lê Thánh Tông, cũng đã ban hành luật Hồi tỵ vào năm 1831 nhưng với phạm vi, đối tượng áp dụng mở rộng hơn, quy định nghiêm ngặt hơn so với thời vua Lê Thánh Tông.
Đã đến lúc chúng ta cũng phải noi gương tiền nhân, xây dựng các thiết chế tổ chức bộ máy hành chính cũng như chế độ, chính sách quản lý đội ngũ cán bộ công chức minh bạch, hiệu quả; hạn chế tối đa vấn nạn “Một người làm quan cả họ được nhờ” nhằm phát huy nội lực, trọng dụng nhân tài, đáp ứng nhu cầu quản lý và phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước. Một chế độ hồi tỵ mới, tại sao không?
(*) "Hồ Chí Minh: Thư gửi Uỷ ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng", Báo Cứu quốc, số 69, ngày 17/10/1945.
(Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả)