Trẻ đau bụng sau khi uống sữa Similac mua ở Kids Plaza: Abbott từng dính nhiều "phốt"

Google News

Hãng sữa Abbott từng nhiều lần bị phản ánh về sữa kém chất lượng như có mùi tanh nồng, vón cục, có dị vật hay sữa có màu... tại Việt Nam và cả trên thế giới.

Như Báo Tri thức và Cuộc sống đã phản ánh, ngày 2/1/2022 chị T.T.K.D. (trú tại Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội) mua hộp sữa Similac tại cửa hàng Kids Plaza (chung cư HH2 Bắc Hà, đường Tố Hữu, Nam Từ Liêm, Hà Nội). Dòng sữa này do công ty Abbott Manufacturing Singapore private Limited sản xuất và được nhập khẩu, phân phối bởi công ty TNHH dinh dưỡng 3A (Việt Nam), địa chỉ Centec Tower, 72-74 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 6, quận 3, TP HCM.
Sau khi chị D. pha cho con (cháu K. 28 ngày tuổi) uống thì thấy có mùi tanh rất khó chịu. Ngày hôm sau cháu K. bị đau bụng đi ngoài lỏng phân. Những ngày tiếp theo cháu có biểu hiện khóc to hơn và có khi là khóc thét như thể đang la hét hoặc đau đớn, khóc nhiều hơn vào cuối buổi chiều hoặc buổi tối, khóc dai dẳng mẹ không thể dỗ dành như bình thường. Nhiều lúc cháu có biểu hiện vặn mình, mặt nhăn nhó đỏ ửng, bụng cứng, nắm chặt tay, cong lưng, ưỡn người, có khi giơ cả hai chân lên, đánh rắm… có dấu hiệu bị táo bón, đi ngoài thường rặn, hậu môn đỏ ửng.
Tre dau bung sau khi uong sua Similac mua o Kids Plaza: Abbott tung dinh nhieu
 Hộp sữa Similac của hãng Abbott chị D. mua bị phản ánh kém chất lượng dẫn đến việc con uống bị đau bụng.
Chị D. cũng cho biết, đại diện hãng thừa nhận hộp sữa là hàng chính hãng nhưng đã bị hỏng dù vỏ lon bình thường và còn hạn sử dụng đến tháng 3/2023. Sau khi thử sữa đại diện hãng kết luận sữa có mùi tanh nồng khó chịu.
“Gia đình yêu cầu công ty Abbott kiểm tra toàn bộ lô sữa và thông báo đến khách hàng. Nếu lô sữa lỗi, công ty phải thu hồi, công khai thông tin, xin lỗi và bồi thường tổn hại cho khách hàng. 2 lần trao đổi thì công ty không mảy may hỏi gia đình tôi xem có cần đi khám cho con sau khi uống sữa bị hỏng của công ty hay không. Họ không hề quan tâm đến sức khỏe của khách hàng, của hàng triệu cháu bé đã, đang sử dụng sữa Abbott” - chị D. bức xúc.
Đây không phải lần đầu tiên Abbott bị phản ánh sữa kém chất lượng như bị tanh nồng, vón cục, có dị vật hay sữa có màu... tại Việt Nam.
Theo đó, ngày 9/3/2020, phản ánh trên Tạp chí Thời Đại, chị N.T.B.L (136 Hồ Tùng Mậu, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết gia đình mua hai hộp sữa Similac Eye – Q3 loại 900g tại một đại lý bán sữa ở Yên Hoà (Cầu Giấy). Hai hộp sữa còn nguyên tem, mác; Ngày sản xuất 24/5/2019, hạn sử dụng 24/5/2021.
Sau khi sử dụng hết gần 1/2 hộp, chị L. phát hiện nửa hộp sữa còn lại có vấn đề về chất lượng. Sữa có dấu hiệu bị vón cục cứng, to, có màu và mùi lạ: “Tôi thường xuyên sử dụng sữa Similac cho con bởi đây là sữa nhập khẩu nước ngoài nên khá an tâm về chất lượng. Chưa bao giờ tôi gặp tình trạng sữa bị vón cục cứng, to kém chất lượng như lần này” - chị L. khẳng định.
Sau khi có phản ánh của chị L., đại diện hãng sữa Abbott đã làm việc trực tiếp với chị và lập biên bản sự việc. Biên bản ghi rõ, lon sữa đã mở tại thời điểm kiểm tra. Sữa bị vón cục cứng, to. Hai vỏ lon sữa bình thường, mang số lô 05532 NT (NSX 24/05/2019 – HSD 24/05/2021).
Quá trình làm việc, đại diện hãng sữa Abbott đã nêu quy trình sản xuất khép kín, giải thích về quy trình kiểm tra, kiểm , độ mịn, mùi vị, chỉ số hoà tan giao động giữa các lô. Tuy nhiên, đại diện công ty không thể giải thích được nguyên nhân tại sao sữa Similac mà chị L. đang sử dụng lại bị vón cục cứng như vậy.
Thấy những lời giải thích của công ty không thoả đáng, chị L. quyết định không nhận lời xin lỗi và quà của công ty là hai hộp sữa Similac trong buổi làm việc và mong chờ sự phúc đáp thoả đáng hơn của hãng sữa Abbott về sự việc này. Dù vậy, sự phúc đáp của hãng sữa Abbott không được công bố rộng rãi.
Tre dau bung sau khi uong sua Similac mua o Kids Plaza: Abbott tung dinh nhieu
Sữa Similac nhiều lần bị phản ánh có dấu hiệu vón cục to. 
Ngoài ra, ngày 16/12/2013, chị Nguyễn Ngọc Vân (phường 8, Q.11, TP.HCM) cũng gửi đơn đến báo điện tử VTC News phản ánh về chất lượng của sữa pha Abbott Grow cho trẻ 3 tuổi. Theo đơn chị Vân, ngày 10/12, chị Vân có mua một thùng sữa pha Abbott Grow dành cho trẻ 3 tuổi. Sau khi sử dụng được vài hộp, con của chị Vân nói sữa Abbott Grow bị vón cục. Thử sử dụng, chị Vân thấy bột sữa pha bị vón cục, nhưng vẫn tiếp tục cho con sử dụng. Đến hộp sữa thứ 10 của thùng đã mua, con của chị Vân không chịu uống nữa. Nhân viên của hãng sữa đã đến làm việc với chị Vân nhưng không có câu trả lời thoả đáng.
Năm 2014, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phản ánh sự việc tương tự, chị Phạm Thị Thu (Thanh Xuân, Hà Nội) phát hiện sữa Abbott bị vón cục màu trắng kèm theo những cục màu nâu đen nổi lên sau khi đã uống hết 1/2 hộp. Thế nhưng, nhận được phản ánh của chị Thu, phía Abbott không có bất cứ giải thích cụ thể và rõ ràng nào cho sự việc này.
Thậm chí, trên thị trường quốc tế, sản phẩm của hãng này cũng không ít lần dính các vụ việc liên quan đến nhiễm độc và có chất độc hại bên trong thành phần của sữa.
Tạp chí Chất lượng Việt Nam Online (VietQ.vn) thông tin, một trong những sự việc đáng chú ý là sữa bột Similac Advance Organic có chứa 26 thành phần không được phép sử dụng trong thực phẩm hữu cơ.
Trước đó, một đơn khiếu nại tập thể được nộp lên Tòa án quận Hoa Kỳ ở quận Đông New York cho rằng thành phần trong sữa Similac Advance Organic bao gồm natri selenate, taurine, cyanocobalamin và một số thành phần khác không có trong danh sách được cho phép của NOP. Trong số 26 thành phần không được cho phép có nhiều hợp chất là chất phóng xạ, hợp chất tổng hợp, hoặc được sản xuất từ các chất độc hại. Đặc biệt, trong thành phần sữa được phát hiện có sử dụng hợp chất biến đổi gen - một thành phần bị cấm trong thực phẩm hữu cơ.
Tuy nhiên, khi giải trình tại buổi kiện, hãng Abbott khẳng định 26 thành phần nói trên đều được kiểm định nghiêm ngặt và được chứng nhận là các chất hữu cơ có trong sữa được Chương trình hữu cơ quốc gia của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ công nhận.
Vụ bê bối thứ 2 hãng Abbott phải đối mặt là cuộc điều tra từ Thượng Viện Mỹ. Cụ thể, Thượng nghị sĩ bang Iowa Tom Harkin, Chủ tịch Ủy ban Y tế, Lao động Giáo dục và Trợ cấp Thượng viện đã viết thư trực tiếp cho hãng này về phản hồi của nhiều bậc cha mẹ khi phát hiện lượng lớn sản phẩm từ sữa Similac bị nhiễm côn trùng trong đó.
Tại công ty sản xuất Sturgis, Michigan - nơi trực tiếp sản xuất sữa Similac cho Abbott đã bị ô nhiễm côn trùng bọ cánh cứng, điều này có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản phẩm sữa trong quá trình sản xuất. Khi thu hồi 5 triệu hộp sữa similac và làm một cuộc kiểm tra, Abbott đã công bố rằng không có hộp sữa nào bị ảnh hưởng từ ô nhiễm côn trùng. Điều đó cũng không làm dịu đi sự lo lắng của bậc phụ huynh khi họ cho rằng, có thể sản phẩm bị nhiễm khuẩn đã và đang được con họ sử dụng, mà không phải là sản phẩm hãng đã thu hồi.
Đồng thời, người sử dụng cũng cho rằng Abbott đã không công bố trung thực về số liệu sản phẩm thu hồi bị nhiễm khuẩn, buộc họ phải tạo áp lực lên hãng này bằng cách đăng tin rộng rãi trên các trang mạng truyền thông cũng như tin tức trên internet. Cuối cùng Abbott buộc phải công bố số liệu về các sản phẩm một cách rõ ràng lên trang web của mình, đồng thời phải có giải trình rõ ràng cho người tiêu dung.
Số lượng sữa bị nhiễm khuẩn có ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ nhỏ hay không? Hãng sữa phải thừa nhận rằng dù không gây hại đến sức khỏe trẻ nhỏ nhưng với trẻ sơ sinh, những hộp sữa bị nhiễm khuẩn sẽ làm hệ tiêu hóa bị ảnh hưởng, khó chịu từ các bộ phận bọ cánh cứng và ấu trùng.
Báo Tri thức và Cuộc sống sẽ tiếp tục thông tin.
>>> Mời quý độc giả xem thêm video: Lộ nguyên nhân 500 học sinh ngộ độc sữa
Thiên Tuấn

>> xem thêm

Bình luận(0)