Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình vừa có văn bản khẩn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về phối hợp tổ chức đưa người dân từ TP.HCM về các tỉnh, thành trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16.
Theo đó, để tránh tình trạng người dân tự ý di chuyển bằng xe cá nhân, không đảm bảo yêu cầu về kiểm soát, phòng, chống dịch, UBND TP.HCM đề nghị các tỉnh gửi kế hoạch tổ chức đưa người dân đang cư trú tại TP.HCM về địa phương.
Các cơ quan, tổ chức trực thuộc UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc Hội đồng hương tại TP.HCM là đầu mối tiếp nhận đăng ký theo yêu cầu, đối tượng phù hợp với kế hoạch của từng tỉnh, thành; tổ chức xét nghiệm; thông báo số lượng người dân được vận chuyển, địa điểm, thời gian.
|
TP.HCM đề nghị các địa phương phối hợp đưa người dân có nguyện vọng về quê. Ảnh: Chí Hùng.
|
Người về quê phải được vận chuyển tập trung bằng phương tiện giao thông công cộng (hàng không, đường sắt, đường bộ), không di chuyển bằng phương tiện cá nhân.
Sở Giao thông Vận tải TP.HCM là cơ quan đầu mối của TP.HCM, phối hợp với đại diện các địa phương để tổ chức, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân di chuyển về vị trí tập kết tại thành phố (sân bay Tân Sơn Nhất, ga đường sắt Hòa Hưng, bến xe...).
Sở cũng sẽ thông tin đến UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện về phương thức vận chuyển, số người, địa điểm, thời gian.
Sở Y tế được giao tạo điều kiện ưu tiên xét nghiệm và trả kết quả cho các đối tượng thuộc nhóm này trong thời gian sớm nhất; khuyến cáo các trường hợp không được di chuyển.
TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7 đến hết 1/8. Từ 24/7, thành phố siết chặt hơn nhiều quy định trong giai đoạn giãn cách. Trong đó, TP.HCM thu hẹp nhóm đối tượng được phép hoạt động trong thời gian giãn cách.
Từ 26/7, sau 18h mỗi ngày, người dân TP.HCM được yêu cầu hạn chế ra đường. Hoạt động trên địa bàn thành phố tạm dừng tới 6h sáng hôm sau để đảm bảo giãn cách xã hội, hạn chế việc đi lại của người dân.
Tính từ 27/4 đến trưa 31/7, TP.HCM ghi nhận 88.566 ca nhiễm, hiện là tâm dịch lớn nhất cả nước.