Nhiều cán bộ Bộ GD&ĐT bị kiến nghị xử lý vụ bằng giả ĐH Đông Đô

Google News

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã có công văn kiến nghị Bộ trưởng Bộ GD&ĐT xem xét, xử lý nghiêm đối với các cá nhân có trách nhiệm theo quy định của pháp luật và chỉ đạo khắc phục sai phạm.

Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao vừa ban hành cáo trạng vụ án "Giả mạo trong công tác" xảy ra tại Trường Đại học Đông Đô truy tố ông Dương Văn Hòa, nguyên Hiệu trưởng Đại học Đông Đô cùng 2 phó hiệu trưởng Trần Kim Oanh, Lê Ngọc Hà và 7 bị cáo khác về tội danh trên.
Đối với Trần Khắc Hùng là người có vai trò chủ mưu, khởi xướng, tổ chức và chỉ đạo các bị can khác thực hiện hành vi phạm tội, do Hùng đã bỏ trốn, đến nay truy nã chưa có kết quả nên Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can, khi nào bắt được sẽ xử lý sau.
Nhieu can bo Bo GD&DT bi kien nghi xu ly vu bang gia DH Dong Do
Các bị can Dương Văn Hòa, Trần Kim Oanh, Lê Ngọc Hà. 
Cáo trạng nêu rõ, Trường Đại học Dân lập Đông Đô được thành lập theo Quyết định số 534 ngày 3/10/1994 của Thủ tướng Chính phủ, tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 235/QĐ-TTg chuyển đổi Trường Đại học Dân lập Đông Đô sang loại hình trường đại học tư thục.
Đến năm 2017, Trường Đại học Đông Đô được đào tạo 19 mã ngành trình độ đại học chính quy, trong đó, mã ngành Ngôn ngữ Anh hệ chính quy được phép đào tạo từ năm 1995.
Trần Khắc Hùng (hiện đang bỏ trốn) là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Dương Văn Hòa là Hiệu trưởng. Trần Kim Oanh và Lê Ngọc Hà là Phó Hiệu trưởng.
Trong quá trình hoạt động, Trường Đại học Đông Đô chưa làm thủ tục đề nghị và chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo văn bằng 2, trong đó có văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Tiếng Anh.
Tuy nhiên, từ tháng 4/2018 – 3/2019, Trần Khắc Hùng cùng các bị can đã cấp trái quy định 429 bằng tiếng Anh hệ văn bằng 2 và 2 giấy chứng nhận giả, thu lợi bất chính hơn 7,1 tỷ đồng.
Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã điều tra làm rõ 210 trường hợp được cấp văn bằng, giấy chứng nhận giả và việc sử dụng bằng giả để kiến nghị xử lý theo quy định. Còn lại 221 trường hợp được cấp văn bằng giả đã xác định được họ tên, tuổi người được cấp bằng nhưng không xác định được nơi cư trú, đơn vị công tác.
Về nguồn gốc phôi in bằng, cơ quan tố tụng xác định cuối năm 2018, bị can Trần Kim Oanh (Phó Hiệu trưởng Đại học Đông Đô) chỉ đạo Phó phòng Đào tạo Trần Ngọc Quang tự làm quyết định về việc công nhận 468 thí sinh trúng tuyển đại học hệ văn bằng 2 ngành tiếng Anh, công văn đề nghị Bộ GD&ĐT mua phôi để in bằng. Sau đó, Dương Văn Hòa ký xác nhận lên các văn bản do Quang chuẩn bị rồi gửi đến Bộ GD&ĐT.
Tháng 4/2019, khi Bộ GD&ĐT yêu cầu giải trình về hoạt động đào tạo văn bằng 2 tiếng Anh, Trần Khắc Hùng cùng Dương Văn Hòa và các bị can khác đã che giấu sai phạm bằng việc ký hợp thức hàng loạt quyết định công nhận tốt nghiệp đại học hệ văn bằng 2 kèm danh sách của hơn 410 học viên rồi gửi email cho bà Phạm Thị Hoa, cán bộ Vụ Giáo dục - Đại học của Bộ GD&ĐT.
Trong vụ án, cơ quan tố tụng xác định, trường Đại học Đông Đô chưa làm thủ tục đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép tuyển sinh, đào tạo bằng đại học thứ hai nhưng từ năm 2015 đến năm 2017, Vụ Kế hoạch-Tài chính đã thông báo chỉ tiêu tuyển sinh văn bằng 2 hệ chính quy cho Trường Đại học Đông Đô; Vụ Giáo dục Đại học xét duyệt đăng tải trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo đề án tuyển sinh năm 2017, 2018, 2019 có chỉ tiêu văn bằng 2 hệ chính quy.
Năm 2018, Đoàn kiểm tra số 1 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã kiểm tra nhưng không phát hiện việc Trường Đại học Đông Đô chưa được phép đào tạo văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh.
“Việc làm của các đơn vị, cá nhân nêu trên đã vi phạm Quyết định số 22/2001/QĐ-BGDĐT ngày 26/6/2001 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về đào tạo cấp bằng đại học thứ hai và thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra”, cáo trạng nêu.
Tuy nhiên, quyết định số 22/2001 được ban hành từ năm 2001. Sau đó, nhiều quy định của pháp luật được ban hành như Luật Giáo dục đại học năm 2012, Luật Đầu tư năm 2014 nhưng Bộ GD&ĐT chưa kịp thời thể chế để quản lý hoạt động tuyển sinh, đào tạo bằng đại học thứ hai.
Bộ cũng chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong quản lý việc thực hiện quy chế tuyển sinh, quy chế đào tạo, chưa chỉ đạo kịp thời công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động đối với Đại học Đông Đô.
Do đó, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã có công văn kiến nghị Bộ trưởng Bộ GD&ĐT xem xét, xử lý nghiêm đối với các cá nhân có trách nhiệm theo quy định của pháp luật và chỉ đạo khắc phục sai phạm.
Ngoài các bị can, Bộ Công an còn làm rõ bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn đào tạo phát triển giáo dục Việt Nam đã giới thiệu 14 học viên để Đại học Đông Đô cấp bằng trái quy định. Nhóm cán bộ Đại học Đông Đô gồm Nguyễn Hải Yến, Vũ Bá Sinh và Trần Thị Yến cũng giới thiệu 25 học viên.
Cáo trạng nêu rõ, hành vi của bà Hiền và các cá nhân trên có dấu hiệu đồng phạm về tội Giả mạo trong công tác với vai trò giúp sức việc làm bằng giả. Tuy nhiên, những người này không tham gia hợp thức hồ sơ, tài liệu cấp bằng giả, không được hưởng lợi và có nhân thân tốt nên cơ quan điều tra không xử lý hình sự.
>>> Mời độc giả xem thêm video 55 người làm bằng giả do Đại học Đông Đô cấp để làm Tiến sĩ:

Nguồn: Truyền hình Đồng Tháp

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)