Sẵn sàng "lao" vào điểm nóng
Thường xuyên theo dõi và cập nhật tình hình dịch bệnh COVID-19, anh Nguyễn Trọng Nghĩa (SN 1986, trú tại Trần Khát Chân, phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) càng thêm "xót ruột". Là một công dân Thủ đô, anh Nghĩa tự ý thức ở nhà tuân thủ nghiêm Chỉ thị 16 và các chỉ đạo của thành phố và mong cho dịch bệnh qua đi để mình được tiếp tục những công việc đã lên kế hoạch sẵn.
"Nhìn vào danh sách ca nhiễm mới được cập nhật hàng ngày tôi không khỏi buồn lòng. Buồn vì càng ngày càng có thêm nhiều người mắc, buồn vì mỗi ngày trôi qua lại có thêm những bệnh nhân trở nặng, có thêm một khu phố mới bị phong tỏa. Buồn vì chưa giúp được gì cho xã hội trong công tác phòng chống dịch" - anh Nghĩa nói.
Rồi cơ hội cũng đến, khi TP Hà Nội ngày càng có nhiều ca nhiễm mới. Đội ngũ y bác sĩ và các chiến sĩ công an phải căng mình chống dịch trên nhiều địa bàn. Giữa lúc đó anh Nghĩa quyết định đăng ký tình nguyện tham gia vào công tác chống dịch trên địa bàn thành phố.
|
Thanh niên tình nguyện tham gia công tác chống dịch tại TP.HCM.
|
"Lúc nhận được thông tin thành phố cần người tình nguyện tham gia công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn, tôi lập tức đến đăng ký tham gia" - anh Nghĩa nói và cho biết thời điểm này anh chỉ ở trong nhà, luẩn quẩn với những công việc nhàn rỗi, trong khi ở ngoài, đội ngũ bác sĩ, công an vẫn tất bật ngày đêm chống dịch nên bản thân rất muốn đóng góp một phần sức lực.
Anh Nghĩa cũng cho biết: "Khi biết tôi đăng ký tham gia công tác chống dịch, gia đình không khỏi lo lắng. Vì tôi sẽ phải lao vào các điểm nóng trên địa bàn thành phố để chống dịch, nguy cơ lây nhiễm sẽ rất cao. Mặc dù vậy, gia đình luôn ủng hộ cho việc làm của tôi".
|
Anh Nghĩa đang đọc qua các kiến thức cơ bản về phòng dịch. |
Ngày đầu tham gia công tác chống dịch, anh được phân công hỗ trợ đoàn y, bác sĩ phụ trách tiêm phòng vắc xin ngừa COVID-19 trên địa bàn quận Hai Bà Trưng (Hà Nội).
"Nhiệm vụ chủ yếu của đội tình nguyện tại các điểm tiêm chủng là hướng dẫn người dân các thủ tục cần thiết trước khi tiêm vắc xin, đảm bảo người dân tuân thủ thông điệp 5K" - anh Nghĩa nói và cho biết, bản thân không chỉ tiếp xúc với nhiều người, nguy cơ nhiễm bệnh rất cao mà còn đối diện với những khó khăn khác, ví dụ: một số người dân khi xếp hàng đợi lâu đã có biểu hiện mất bình tĩnh, không hợp tác gây khó khăn cho quá trình tiêm chủng, một số khác tại các chốt kiểm dịch, khi được yêu cầu xuất trình giấy đi đường đã có biểu hiện chống đối, không hợp tác và cho rằng các tổ công tác tình nguyện không đủ thẩm quyền kiểm tra.
Dù vậy, bản thân anh vẫn sẵn sàng tham gia tình nguyện với sự nhiệt tình, tâm huyết của mình và hy vọng, mỗi người dân đều nâng cao ý thức phòng dịch theo Chỉ thị 16 của Chính phủ để nước ta sớm vượt qua đại dịch.
Tinh thần đoàn kết và lòng yêu nước nồng nàn
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, sau khi TP Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ và Chỉ thị 17 của UBND TP Hà Nội, địa phương đã thành lập lực lượng "tổ COVID cộng đồng".
Lực lượng tham gia "tổ COVID cộng đồng" đứng đầu là cảnh sát khu vực (tổ trưởng) và các chi hội đoàn thể, các lực lượng của tổ dân phố, ủy ban mặt trận tổ quốc, ngoài ra còn có đoàn thanh niên tham gia tại các chốt kiểm dịch.
Việc phổ biến kiến thức phòng, chống dịch trong các "tổ COVID cộng đồng" do tổ trưởng phụ trách. Tổ trưởng sẽ phân công các nhóm trưởng truyền đạt những văn bản, chỉ thị của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 đến tất cả các thành viên hàng ngày.
Theo ông Dũng, các thành viên trong "tổ COVID cộng đồng" đều rất tích cực tham gia công tác phòng chống dịch trên địa bàn, đồng thời cũng chấp hành nghiêm các chỉ thị của Ban chỉ đạo. Trong quá trình triển khai mặc dù còn gặp một số vướng mắc ban đầu, nhưng dần dần khi quen với công việc, các "Tổ COVID cộng đồng" đều hoàn thành tốt công việc của mình.
Theo Chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy - Trung tâm Tư vấn tuổi trẻ Hạnh phúc, việc huy động nguồn nhân lực từ các cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên và có thể là cả các y bác sĩ đã nghỉ hưu tham gia vào công tác chống dịch đã thể hiện cho tinh thần đoàn kết và lòng yêu nước nồng nàn của nhân dân ta.
Chúng ta đã xác định "chống dịch như chống giặc", có nghĩa rằng công tác chống dịch cũng giống như một mặt trận, đòi hỏi tinh thần đoàn kết của toàn dân. Cha ông ta đã có kinh nghiệm chống giặc ngoại xâm từ bao đời nay, nhưng chống dịch lại là một mặt trận mới. Kẻ thù ở đây không phải là đối phương mà là con virus SAR-CoV-2, một kẻ thù vô hình, nguy hiểm mà chúng ta chỉ mới đối mặt.
Huy động nguồn lực sẵn có sẽ giúp chúng ta giảm tải được khối lượng công việc đặt lên vai các bác sĩ, y tá, chiến sĩ... nơi tuyến đầu chống dịch. Mặc dù những đoàn viên, thanh niên, cựu chiến binh, sinh viên... xung phong tham gia công tác phòng chống dịch này chưa từng có kinh nghiệm, hay trình độ chuyên môn về phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm. Nhưng từ những kinh nghiệm thực tế tại các tâm dịch Bắc Ninh, Bắc Giang cách đây không lâu. Chúng ta có thể thấy tinh thần "khó khăn đến đâu, giải quyết đến đó" và vừa phải chống dịch vừa học cách chống dịch của cán bộ chiến sĩ, tình nguyện viên tham gia công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại các vùng dịch trước đó.
Cũng theo chuyên gia Tâm lý Lê Thị Túy, việc xung phong đăng ký tham gia công tác chống dịch là một hành động đáng biểu dương, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro nên mỗi tình nguyện viên cần phải thực hiện một cách nghiêm túc các yêu cầu, hướng dẫn của đội ngũ y, bác sĩ.
"Các tình nguyện viên đa phần đều là những đoàn viên thanh niên, sinh viên, cựu chiến binh... hầu như đều không có chuyên môn về y tế. Đáng ra phải có những lớp huấn luyện bài bản trước khi trực tiếp tham gia chống dịch. Nhưng bối cảnh hiện tại không cho phép chúng ta chậm trễ nên các tình nguyện viên phải vừa học vừa làm, vừa phải đảm bảo an toàn phòng dịch. Nếu không bản thân họ có thể là những người nhiễm bệnh đầu tiên" - chuyên gia Lê Thị Túy nói và cho biết.
>>> Mời quý độc giả xem video: Bệnh viện dã chiến tại Hà Nội