Sáng 25/2, tại Trung tâm Báo chí quốc tế (IMC) Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên (Cung Văn hóa Hữu nghị tại số 91 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội), Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì buổi họp báo quốc tế về công tác chuẩn bị Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần 2 tại Hà Nội. Cuộc họp báo có nhiều phóng viên báo chí quốc tế tham dự. Đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 2.600 phóng viên quốc tế đăng ký tham dự đưa tin sự kiện Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có những cuộc gặp gỡ với lãnh đạo Việt Nam
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung đã cung cấp một số tình hình chung về công tác chuẩn bị. Theo đó, từ ngày 27 - 28/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un có hội nghị tại Hà Nội, đây là sự kiện quốc tế được quan tâm hàng đầu của các quốc gia, dư luận thế giới vì liên quan đến hoà bình của một khu vực quan trọng cũng như quá trình đàm phán đã bắt đầu và đã có những dấu hiệu hết sức tích cực kể từ thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ nhất.
Thứ trưởng Lê Hoài Trung cho biết, quyết định về nội dung là do 2 nhà lãnh đạo, 2 quốc gia Mỹ-Triều Tiên đưa ra. Việt Nam, cụ thể là TP Hà Nội, được đề nghị làm địa điểm tổ chức. Việt Nam rất vinh dự, sẵn sàng tổ chức, bảo đảm về mặt an ninh, lễ tân, hậu cần để bảo đảm thuận lợi nhất cho hội nghị. Lãnh đạo Việt Nam, nhân dân Việt Nam và TP Hà Nội mong muốn qua việc tổ chức sự kiện này thể hiện đường lối đối ngoại hoà bình, muốn làm một thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
|
Quang cảnh buổi họp báo. |
Theo Thứ trưởng Trung, Việt Nam rất mong muốn đóng góp trực tiếp vào quá trình đối thoại, hoà bình, giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hoà bình và đối thoại quốc tế. Cũng qua dịp này, Việt Nam muốn tăng cường vai trò không chỉ của Việt Nam mà của cộng đồng ASEAN trong đời sống quốc tế hiện nay. Việt Nam mong muốn giới thiệu về những thành tựu của quá trình đổi mới toàn diện trong nhiều thập kỷ qua, giới thiệu về đất nước, thủ đô Hà Nội có nhiều năm văn hiến, đặc biệt năm nay đúng 20 năm đươc nhận danh hiệu Thành phố vì hoà bình của UNESCO.
Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Lê Hoài Trung cho biết, lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam rất quan tâm về sự kiện, đặc biệt là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Đến thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị đã được hoàn tất về mọi mặt.
Các đoàn tiền trạm về an ninh của hai nước Mỹ-Triều Tiên đều đánh giá cao và cảm ơn công tác bảo đảm an ninh, an toàn của Việt Nam.
Thứ trưởng Lê Hoài Trung cho biết dư luận quốc tế đến nay mong muốn có những diễn biến tích cực tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai. Dư luận đều đánh giá cao, cho rằng việc lựa chọn Hà Nội-Việt Nam là một địa điểm thuận lợi và có ý nghĩa, vì khả năng của Việt Nam đã được thể hiện qua thực tế tổ chức những sự kiện quốc tế lớn và những chuyến thăm song phương của các nước.
Việc Nam cũng là mối quan tâm của quốc tế về thành tựu phát triển kinh tế-xã hội, về hội nhập quốc tế trong nhiều năm qua, có quan hệ tốt với cộng đồng quốc tế, có quan hệ tốt với cả 2 đối tác Triều Tiên và Mỹ. Năm 2020, Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đang ứng cử Uỷ viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc và nếu trúng cử sẽ là uỷ viên trong năm 2020.
Đặc biệt, Thứ trưởng Lê Hoài Trung cho biết, nhân dịp này, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng có những cuộc gặp với lãnh đạo cấp cao Việt Nam, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un cũng sẽ thăm chính thức Việt Nam. Đây là lần đầu tiên sau 55 năm có chuyến thăm chính thức của lãnh đạo cao nhất của CHDCND Triều Tiên đến Việt Nam.
Đảm bảo điều kiện hoạt động cho 4.000 phóng viên
Tại buổi họp báo, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong những ngày đến Hà Nội, Việt Nam tác nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông là người nhà của các bạn phóng viên.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, đến nay, có gần 3.000 phóng viên quốc tế từ trên 200 hãng thông tấn, báo chí quốc tế đến từ gần 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Về phía Việt Nam có gần 550 phóng viên.
“Số lượng phóng viên lớn hơn nhiều so với sự kiện Hội nghị thượng đỉnh APEC Việt Nam Đà Nẵng tháng 11/2017”, Bộ trưởng Hùng nói.
Bộ trưởng Hùng cho hay, điều khó nhất của trung tâm báo chí là trong diện tích hẹp mà phục vụ số lượng lớn phóng viên là thách thức lớn đối với mạng hệ thống.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cam kết Trung tâm báo chí quốc tế Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều bảo đảm điều kiện hoạt động cho ít nhất 4.000 phóng viên.
4.000 phóng viên trong và ngoài nước sẽ được bảo đảm wifi với tốc độ ít nhất 5MGB/s, quốc tế tối thiểu 3MGB/s. Ngoài ra, gần 1.500 điểm truy cập Internet cố định để kết nối với laptop, tốc độ tối thiểu 20 MGB/s… Tại trung tâm lắp đặt thêm 30 trạm phát sóng 2G, 3G, 4G. Đồng thời, bảo đảm truyền hình trực tiếp từ đây ra quốc tế, đã thuê 14 kênh truyền hình vệ tinh và vẫn còn đủ dung lượng để tiếp tục cho thuê…
|
Bộ trưởng Bộ thông tin - Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng - Ảnh: Zing |
Bộ TT&TT đồng thời chuẩn bị một số thông tin về đất nước, con người Việt Nam và 1 bộ tem bưu chính riêng rất đẹp về Việt Nam để gửi tặng phóng viên quốc tế, cùng với món quà của TP Hà Nội.
Tất cả người dân Hà Nội sẽ tham gia vào việc bảo vệ an toàn cho sự kiện
Tại cuộc họp báo, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung bày tỏ sự tự hào khi Hà Nội được chọn là nơi tổ chức cho hội nghị về hoà bình của thế giới.
“Cho tới giờ phút này, những nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao cho Hà Nội về phục vụ sự kiện quan trọng này đã cơ bản hoàn thành. Mặc dù trong thời gian ngắn nhưng Hà Nội đã thực hiện đầy đủ, đáp ứng được tất cả các yêu cầu mà đoàn tiền trạm của hai nước đưa ra và yêu cầu của truyền thông trong nước, quốc tế về Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều. Hà Nội sẽ làm hết mình, cam kết đảm bảo tuyệt đối an toàn cho hoạt động của nguyên thủ hai nước, hoạt động bên lề và thăm chính thức của lãnh đạo Triều Tiên tới Việt Nam” – ông Nguyễn Đức Chung nói.
Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết Hà Nội đã tổ chức nhiều sự kiện lớn song đây là lần đầu tiên được chọn tổ chức một cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo hai quốc gia.
Hà Nội phối hợp với Bộ TT&TT, Trung tâm báo chí quốc tế…phục vụ công tác tuyên truyền hình ảnh TP Hà Nội ra thế giới.
TP Hà Nội cũng mời những nghệ nhân ẩm thực đến chuẩn bị các món ăn cho trung tâm báo chí ẩm thực đậm đà truyền thống như: Phở gà, phở bò, bún… và cả cà phê trứng.
Chủ tịch Hà Nội cũng cho biết tối các ngày 26- 27 và 28/2 tại quảng trường tượng đài Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) có tổ chức biểu diễn nghệ thuật với những nghệ sĩ nổi tiếng. Thông tin về Hà Nội và Việt Nam được cung cấp tại Trung tâm báo chí quốc tế (IMC).
Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, Hà Nội vinh dự và tự hào được Mỹ và Triều Tiên chọn làm địa điểm tổ chức Hội nghị thượng đỉnh lần 2. Năm nay Hà Nội cũng kỷ niệm 20 năm "Thành phố vì hoà bình" - thành phố duy nhất ở châu Á được UNESCO vinh danh. Chính quyền và nhân dân Hà Nội đang làm tất cả những gì có thể để xứng đáng với sự vinh danh của UNESCO.
Việt Nam kỳ vọng gì về kết quả đàm phán của hai nhà lãnh đạo Mỹ – Triều?
Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của Báo Tuổi Trẻ, Việt Nam kỳ vọng gì về kết quả đàm phán của hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều? Việt Nam có tham vấn Singapore về kinh nghiệm tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 1 hay không?
Thứ trưởng Lê Hoài Trung cho biết, Việt Nam mong muốn hội nghị đạt được kết quả tích cực nhất. Nội dung các vấn đề cụ thể, có nhiều vấn đề liên quan ở đây. Việt Nam mong muốn có các kết quả tích cực để thúc đẩy hòa bình, đáp ứng lợi ích của hai quốc gia cũng như của khu vực và thế giới nói chung.
“Chúng tôi có tham khảo kinh nghiệm của Singapore để tổ chức hội nghị được tốt hơn, ví dụ như hạ tầng viễn thông, hoạt động phiên dịch, hoạt động tổ chức đi lại vì thời gian gặp thượng đỉnh có thể là ngắn hoặc dài…Tuy nhiên, nói về quy mô cơ sở thông tin truyền thông chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh lần 2 tại Việt Nam thì lớn gấp 1,5 lần so với thượng đỉnh lần 1 tại Singapore”, ông Trung nói.
Trả lời TTXVN về việc, Tại sao Việt Nam được lựa chọn là nơi diễn ra thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2? Việt Nam được hưởng lợi ích gì sau khi tổ chức sự kiện này?
Thứ trưởng Lê Hoài Trung cho biết, Việt Nam thể hiện là nơi an ninh, an toàn cho Hội nghị. Việt Nam có quan hệ hữu nghị tốt với Hoa Kỳ và Triều Tiên. Việt Nam cũng thành công trong việc chuyển đổi, tái thiết sau chiến tranh. Từ sau chiến tranh giữa Việt Nam với Mỹ, hai nước đã phát triển quan hệ tốt đẹp. Việt Nam cũng có quan hệ truyền thống hữu nghị với Triều Tiên. Việt Nam được gì? Việt Nam có dịp để hòa mình với quốc tế. Qua sự kiện, Việt Nam có dịp để đóng góp vào hoà bình và hữu nghị thế giới, qua đó đưa hình ảnh của Việt Nam tới thế giới.