Tổng giám đốc nước sạch Viwasupco Nguyễn Văn Tốn xin lỗi vì điều gì?

Google News

(Kiến Thức) - Tổng giám đốc Viwasupco Nguyễn Văn Tốn cho biết, công ty có lỗi khi “khách hàng cần mà mình chưa đến kịp thời”. Còn việc có nhận trách nhiệm hay không, ông chỉ trả lời đơn giản rằng, công ty có họp rút kinh nghiệm!

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Ban Tuyên giao Thành ủy Hà Nội chiều 15/10, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) Nguyễn Văn Tốn đã giải trình những lý do vì sao sau sự việc nguồn nước bị nhiễm dầu đã không báo cáo các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội, và tiếp tục cung cấp nước cho người dân.
Ông Nguyễn Văn Tốn nói rằng, do nhà máy đặt trên địa bàn tỉnh Hòa Bình nên phải báo cáo các cơ quan chức năng tỉnh này trước.
Điều cả văn thư đi vớt dầu thải
Lý giải về việc sự việc đổ trộm dầu thải được phát hiện từ 9h ngày 9/10 nhưng báo cáo được lập ngày 10/10, ông Tốn nói rằng, ngay lúc đó, công ty tập trung mọi cán bộ, nhân viên xử lý sự cố.
“Ngay cả nhân viên văn thư, kế toán cũng phải ra vớt dầu, có sự chứng kiến của người dân”, ông Tốn cho biết.
Đồng thời, Tổng Giám đốc Viwasupco cho hay, công ty đã gọi điện cho cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình ngay trong ngày phát hiện váng dầu nhưng đến sáng hôm sau họ mới xuống để lập biên bản.
“Nếu báo cáo thành phố thì phải báo cáo cái gì khi chất lượng nước vẫn bảo đảm?” - ông Tốn nói.
Tong giam doc nuoc sach Viwasupco Nguyen Van Ton xin loi vi dieu gi?
 Tổng giám đốc Viwasupco Nguyễn Văn Tốn.
Vị Tổng giám đốc lý giải, sau khi xử lý hết váng dầu tại nguồn nước, súc xả toàn bộ bể tràn, bể chứa và đoạn ống dẫn nước khoảng 10km, kết quả xét nghiệm của Phòng Hóa nghiệm công ty cho thấy, chất lượng nước vẫn bảo đảm đủ các chỉ tiêu A theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Mùi vị nước tại nhà máy vẫn bình thường. Thậm chí, tại thời điểm đoàn kiểm tra của thành phố Hà Nội lấy mẫu phân tích trong ngày 11/10, nước trên nhà máy không có mùi lạ.
Không phải công ty lấy nước ô nhiễm để xử lý
Theo ông Tốn, không phải công ty lấy nước ô nhiễm để xử lý mà đã vớt hết dầu, đó là nước bình thường. Nếu là nước ô nhiễm thì không xử lý được.
Nói về việc, vì sao công ty không dừng cấp nước?, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà chia sẻ: “Thực ra lúc bấy giờ, với thâm tâm của tôi, 80% là tôi đề nghị cho dừng cấp nước, vì nghĩ có thể chất lượng nước có vấn đề. Đáy lòng tôi nghĩ không gì đánh đổi được tính mạng của người dân. Nhà tôi cũng dùng nguồn nước này”.
Đồng thời, ông Nguyễn Văn Tốn cho biết, công ty cũng tham khảo một số chuyên gia.
“Họ phản biện nếu cắt nước phải có nguyên do, nếu nói ô nhiễm thì chứng cứ đâu. Trong khi kết quả kiểm tra vẫn bảo đảm. Kết quả kiểm tra chỉ tiêu A bình thường; muốn kiểm tra chỉ tiêu B và C, công ty phải thuê, mất từ 10-20 ngày. Tôi xin hội ý lãnh đạo và cuối cùng quyết định vẫn cấp nước. Nếu dừng cấp nước tôi quá an toàn, quá hay. Tôi chỉ có một tâm duy nhất là phục vụ người dân, không vì mục đích gì khác”, ông Tốn nói.
Tổng giám đốc Viwasupco xin lỗi vì điều gì?
Tại cuộc họp, khi phóng viên liên tục chất vấn, đề nghị ông Tốn cho biết, bản thân có nói lời xin lỗi với hàng vạn hộ dân là khách hàng dùng nước của công ty ở Hà Nội hay không, Tổng giám đốc Viwasupco cho biết, qua đây, công ty cũng rút kinh nghiệm trước những phản ánh của khách hàng.
"Công ty cũng coi như là có một lỗi vì khách hàng như các cụ nói là thượng đế, khách hàng yêu cầu... Với công ty nước sạch Hà Đông... anh em thường xuyên liên lạc với nhau, có cái gì chia sẻ nhau hết. Đương nhiên với người dân cũng phải thông cảm là trực tiếp... đương nhiên, vâng! Xin lỗi. Công ty đã nhận lỗi về vấn đề nhiều khi khách hàng cần mà mình không đến kịp thời", ông Tốn nói.
Tổng giám đốc Viwasupco cũng nói rằng, nhiều khi công ty cũng không phản ánh kịp thời, giải thích cho người dân hiểu rõ khi có sự cố.
"Công ty cũng có lỗi nhưng người dân cũng phải thông cảm. Theo quy định, đương nhiên công ty sẽ họp rút kinh nghiệm, nếu mà sai đương nhiên sẽ chịu trách nhiệm. Thực ra, bản thân tôi cũng là Tổng giám đốc làm thuê thôi. Cho nên thực ra bảo mình suy nghĩ về vấn đề cấp nước hay không cấp nước, nếu giờ dừng cấp nước thì tôi quá an toàn và quá hay, nhưng tôi có một cái tâm duy nhất là phục vụ người dân, vì người dân, không vì cái gì hết", ông Tốn nói.
Trả lời câu hỏi về việc xử lý hóa chất styren trong nước, ông Tốn cho biết không dám đưa ra lời khẳng định có xử lý được hay không vì đây là lần đầu tiên công ty đối mặt với sự việc này.
"Công ty đã phục vụ người dân thủ đô trong vòng 10 năm qua, chúng tôi không hề đặt lợi nhuận lên trên sức khỏe người dân. Chúng tôi sẽ họp rút kinh nghiệm vì không xử lý được kịp thời phản ánh của khách hàng, để xảy ra sự việc như vậy", ông Tốn nói.

Chất Styren ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào

Trả lời câu hỏi của báo chí về chất styren có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe con người, sau khi các mẫu xét nghiệm nước sạch sông Đà đều có hàm lượng Styren thuộc nhóm các chỉ tiêu giám sát mức độ C, cao hơn giới hạn cho phép từ 1,3-3,65 lần, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, ngành Y tế có trách nhiệm kiểm tra, giám sát chất lượng nước.

Theo quy chuẩn Việt Nam 01:2009 của Bộ Y tế, tất cả có 109 chỉ tiêu, trong đó 14 chỉ tiêu A, 17 chỉ tiêu B, 78 chỉ tiêu C.

Theo quy định, chỉ tiêu A là nhà máy thực hiện nội kiểm mỗi tuần một lần, cơ quan giám sát ngoại kiểm kiểm tra một tháng một lần; với chỉ tiêu B, kiểm tra 6 tháng một lần kể cả nội và ngoại kiểm; về chỉ tiêu C, hai năm mới kiểm tra một lần. Khi nhà máy nước bắt đầu đưa vào khai thác sẽ kiểm tra cả chỉ tiêu A, B, C.

Kiểm tra nội kiểm do nhà máy nước thực hiện và chịu trách nhiệm về kết quả, ngoại kiểm là do cơ quan quản lý nhà nước thực hiện. Hằng tháng và hằng năm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (Sở Y tế Hà Nội) vẫn tiến hành ngoại kiểm và báo cáo Sở Xây dựng. Trên cơ sở đó, Sở Xây dựng có khuyến cáo kịp thời.

Sau khi nắm được thông tin về nước sinh hoạt của cư dân có mùi lạ, Sở Y tế Hà Nội đã chủ động giám sát mẫu nước của Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà, lấy 8 mẫu nước từ nhà máy, hộ dân. Kết quả cho thấy, nước có hàm lượng chất styren vượt ngưỡng, hàm lượng cao dần ở phía nhà máy, thấp dần ở hộ dân.

Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội khẳng định, nước sinh hoạt như vậy hoàn toàn không đảm bảo chất lượng.

Về ảnh hưởng của chất Styren đến sức khỏe, theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, hiện chưa có tài liệu chính thống nói rõ chất Styren ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào. Tuy nhiên, có tài liệu cho thấy, hàm lượng nước đóng chai cho phép không quá 100mcg/lít hàm lượng Styren, nếu phơi nhiễm Styren với hàm lượng 100mcg trong thời gian dài không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)