Liên quan đến vụ án cháu bé Lê Hoàng Long học sinh trường Gateway tử vong do bị bỏ quên trên xe đưa đón học sinh, sáng 15/10, lãnh đạo Công an quận Cầu Giấy (TP Hà Nội) cho biết, Cơ quan CSĐT Công an Quận Cầu Giấy đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Thủy (29 tuổi, trú quận Nam Từ Liêm) về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Thủy là nữ giáo viên chủ nhiệm của nam sinh lớp 1 tử vong do bị bỏ quên trên xe đưa đón trường Gateway.
Trước đó, Cơ quan CSĐT Công an Quận Cầu Giấy đã khởi tố ông Doãn Quý Phiến (SN 1966, nhân viên hợp đồng Công ty TNHH vận tải Ngân Hà) - tài xế đưa đón học sinh trong vụ học sinh bị bỏ quên trên xe trường Gateway về hành vi “Vô ý làm chết người” theo Điều 128 Bộ luật Hình sự và khởi tố, thi hành lệnh bắt tạm giam bà Nguyễn Bích Quy (nữ monitor đưa đón học sinh vụ Gateway) về tội Vô ý làm chết người.
Dư luận đặt câu hỏi, cơ quan CSĐT đã khởi tố người lái xe, người phụ trách đưa đón mà giáo viên chủ nhiệm, vậy tiếp theo đó là ai và trách nhiệm của nhà trường thì sao?
|
Trường Gateway. |
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, vụ việc học sinh trường Gateway tử vong trên xe ô tô là vụ án chấn động dư luận. Vụ án này làm bộc lộ nhiều góc khuất trong hoạt động quản lý đưa đón học sinh cũng như là trong hoạt động đào tạo của các trường tư thục, dân lập gắn mác “quốc tế”. Bởi vậy, các cơ quan chức năng sẽ xem xét, làm rõ trách nhiệm pháp lý của tất cả các tổ chức, cá nhân có liên quan để xử lý theo quy định pháp luật.
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, để xảy ra vụ việc cháu bé tử vong trên xe ô tô chắc chắn không chỉ có trách nhiệm của người lái xe, người phụ trách đưa đón mà còn có trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm, của nhà trường. Trách nhiệm ở đây có thể là trách nhiệm hành chính hoặc trách nhiệm hình sự.
“Trong trường hợp cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy có cán bộ, giáo viên của trường này có lỗi, đã không thực hiện hết trách nhiệm, nhiệm vụ dẫn đến hậu quả học sinh tử vong thì người thiếu trách nhiệm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 360 Bộ Luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017”, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Luật sư Cường cho biết, hiện nay nhiệm vụ của giáo viên được quy định bởi Thông tư 41/2010/TT- BGDĐT ban hành kèm theo điều lệ trường tiểu học, cụ thể điều 34 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 41 quy định nhiệm vụ của giáo viên.
Theo đó, giáo viên cho nhiệm vụ, giảng dạy, giáo dục đảm bảo chất lượng theo chương trình giáo dục, kế hoạch dạy học; soạn bài, lên lớp, kiểm tra, đánh giá, xếp loại học sinh; quản lý học sinh trong các hoạt động giáo dục do nhà trường tổ chức; tham gia các hoạt động chuyên môn; chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả giảng dạy và giáo dục.
Trau dồi đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo; gương mẫu trước học sinh, thương yêu, đối xử công bằng và tôn trọng nhân cách của học sinh; bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của học sinh; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp; Học tập, rèn luyện để nâng cao sức khỏe, trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, đổi mới phương pháp giảng dạy; Tham gia công tác phổ cập giáo dục tiểu học ở địa phương; Thực hiện nghĩa vụ công dân, các quy định của pháp luật và của ngành, các quyết định của Hiệu trưởng; nhận nhiệm vụ do Hiệu trưởng phân công, chịu sự kiểm tra, đánh giá của Hiệu trưởng và các cấp quản lý giáo dục...
Ngoài quy định trong điều lệ nêu trên thì trách nhiệm, nhiệm vụ của giáo viên chủ nhiệm còn được quy định trong điều lệ của nhà trường, quyết định phân công nhiệm vụ của lãnh đạo, Ban giám hiệu nhà trường đối với giáo viên, trong đó có nhiệm vụ quản lý học sinh.
Bởi vậy, trong trường hợp cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy giáo viên chủ nhiệm đã vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao dẫn đến hậu quả học sinh tử vong thì mới có căn cứ để xử lý hình sự đối với giáo viên này về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự thì nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc trách nhiệm của cơ quan điều tra trên cơ sở các tài liệu, chứng cứ mà cơ quan điều tra thu thập theo trình tự, thủ tục luật định. Trong trường hợp bị Toà án kết tội về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại điều 360 Bộ luật hình sự thì giáo viên chủ nhiệm này có thể đối mặt với mức hình phạt từ 6 tháng đến 5 năm tù.
Để buộc tội được cô giáo này thì cơ quan điều tra phải thu thập được các tài liệu chứng cứ chứng minh cô giáo có nhiệm vụ trông nom, quản lý học sinh nhưng giáo viên này đã không thực hiện hoặc không thực hiện hết nhiệm vụ, là nguyên nhân dẫn đến hậu quả cháu bé tử vong.
“Trong trường hợp, người đưa đón học sinh chưa giao học sinh cho giáo viên chủ nhiệm thì nghĩa vụ quản lý học sinh được thực hiện như thế nào? Trên cơ sở văn bản pháp lý nào, quy định nào của nhà trường? Giáo viên chủ nhiệm có trách nhiệm phải thông báo với nhà trường về việc buổi học đó thiếu học sinh hay không? Có trách nhiệm thông báo cho phụ huynh về việc con không đến lớp hay không, trách nhiệm đó quy định ở văn bản nào? Việc giáo viên chủ nhiệm không thông báo với nhà trường về việc học sinh không đến lớp và không thông báo với phụ huynh có phải là nguyên nhân tất yếu dẫn đến hậu quả cháu bé tử vong hay không? Đó là những nội dung mà cơ quan điều tra cần chứng minh để làm rõ về hành vi và yêu tố lỗi của giáo viên chủ nhiệm trong vụ án này”, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Trong trường hợp chứng minh được lỗi cố ý không thực hiện nhiệm vụ và vô ý với hậu quả chết người xảy ra thì mới có căn cứ để buộc tội nữ giáo viên chủ nhiệm này.
“Ngoài giáo viên chủ nhiệm thì cơ quan điều tra cũng sẽ xem xét trách nhiệm của các cán bộ, giáo viên khác và nhà trường có liên quan trong quy trình quản lý, giảng dạy, chăm sóc học sinh, tùy thuộc vào mức độ sai phạm và yếu tố lỗi mà sẽ có đề cập, kiến nghị biện pháp xử lý phù hợp. Quyết định cuối cùng trong vụ việc này để xác định ai là người sai phạm, ai là người có tội, tội đến đâu?... sẽ thuộc về tòa án theo thủ tục tố tụng hình sự”, Luật sư Đặng Văn Cường nêu ý kiến.