Ngày 30/12, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã dự và phát biểu tại Hội nghị trực tuyến cuối năm của Chính phủ với lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương diễn ra tại Hà Nội.
Chưa từng có trong lịch sử
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho biết, năm 2019 mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn, nhưng nhờ sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, có thể nói là toàn diện, đáng mừng trên hầu hết các lĩnh vực, tốt hơn năm 2018.
Cụ thể, trong bối cảnh kinh tế và thương mại toàn cầu suy giảm, kinh tế nước ta tiếp tục tăng trưởng nhanh, đạt trên 7%, cao hơn mức kế hoạch (6,6-6,8%), thuộc nhóm các nước có mức tăng trưởng cao nhất khu vực và trên thế giới, nâng quy mô kinh tế lên 266 tỷ USD, bình quân đạt gần 2.800 USD/người…
“Đây là điều chưa có trong lịch sử nước ta”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, chất lượng tăng trưởng kinh tế được cải thiện, lạm phát thấp, đầu tư xã hội và các cân đối lớn được bảo đảm, kỷ cương, kỷ luật của Nhà nước được tăng cường. Thị trường tiền tệ ổn định, cán cân thanh toán được cải thiện, dự trữ ngoại hối đạt 80 tỷ USD, xuất khẩu tăng trưởng 8% so với năm 2018 trong khi xuất khẩu của nhiều nước giảm mạnh, thậm chí có nước tăng trưởng âm.
|
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. |
“Không biết có phải vì thế mà Ngân hàng thế giới đưa ra nhận định ‘mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời đang toả sáng ở Việt Nam’”, Tổng bí thư dẫn chứng và ghi nhận kết quả trên các lĩnh vực đã đưa Việt Nam về đích sớm hơn kế hoạch 2 năm.
Các lĩnh vực văn hoá, xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng, rõ nét. Tiềm lực quốc phòng, an ninh tiếp tục được tăng cường. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh…
Lần đầu tiên xử được tội nhận hối lộ
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, nhất là phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, tăng cường, kế thừa, phát huy tốt những kết quả, thành tích đã đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay, kết hợp bài bản, nhuần nhuyễn hơn giữa "xây" và "chống".
Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí tiếp tục được triển khai quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, bài bản, đi vào chiều sâu, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đã tạo ra sức răn đe, cảnh tỉnh rất lớn. Tham nhũng, tiêu cực từng bước được kiềm chế, có chiều hướng thuyên giảm.
Nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng, nhất là các vụ án lớn, nghiêm trọng tiếp tục được phát hiện, điều tra, tiến hành khởi tố, truy tố, xét xử nghiêm minh, được cán bộ, đảng viên và nhân dân hoan nghênh, đánh giá cao, đồng tình ủng hộ.
Việc thanh tra, kiểm tra Dự án gang thép Thái Nguyên, Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm; bổ sung nhiều vụ việc vào diện trực tiếp chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, trong đó có vụ Công ty Nhật Cường; đưa ra xét xử vụ án MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty AVG... là những ví dụ minh chứng rõ ràng nhất.
Dẫn chứng vụ án AVG, Tổng bí thư cho rằng đây là điển hình nói lên rất nhiều điều khi xử lý số lượng nhiều, cán bộ cao cấp gồm 2 nguyên ủy viên Trung ương, 2 nguyên bộ trưởng với bao nhiêu tiếng tăm. Khi ra trước toà, họ đã ăn năn, hối lỗi, thái độ rất tốt.
Theo Tổng bí thư, chưa bao giờ ta xử được tội hối lộ mà trước kia toàn là thiếu trách nhiệm, vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng. Trong vụ AVG cũng lần đầu tiên có người nhận hối lộ 3 triệu USD, VKS phải đề nghị tử hình. Nhưng khi người này nộp lại tiền đã được giảm xuống hình phạt tù chung thân.
“Vụ việc có tác dụng giáo dục, răn đe, cảnh tỉnh, cảnh báo, không phải lúc nào cũng nói ra hết được”, Tổng bí thư nhấn mạnh.
Ông khẳng định nhiều vụ còn làm tiếp. “Tất cả các bị cáo, kể cả các vụ khác, lúc đầu thì cãi, cũng cho rằng thế nọ thế kia, rồi có ý kiến xuyên tạc cho rằng đây là đấu đá nội bộ nhưng sau đều tâm phục khẩu phục, thậm chí cảm ơn, cho đi tù còn cảm ơn”, Tổng bí thư , Chủ tịch nước nói.
Không thỏa mãn với kết quả đã đạt được
Tuy nhiên, theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước, "tuyệt nhiên không chủ quan, thoả mãn với kết quả thành tích đã đạt được” vì đất nước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
Cụ thể, tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng, chất lượng còn thấp; sức ép lạm phát còn lớn; tính tự chủ của nền kinh tế chưa đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ mới. Kinh tế nhà nước, nhất là doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả còn thấp, đang gặp nhiều khó khăn, ách tắc về giải ngân vốn, xử lý các dự án thua lỗ, chậm tiến độ.
Kinh tế tư nhân trong nước, kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài phát triển nhanh nhưng chưa thật sự lành mạnh và bền vững. Công tác quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tài nguyên môi trường còn nhiều bất cập, gây bức xúc xã hội. Đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ còn nhiều khó khăn, thách thức.
Đặc biệt, kỷ luật, kỷ cương nhiều nơi chưa nghiêm, thậm chí còn biểu hiện đùn đẩy, né tránh, việc gì có lợi kéo về cho cơ quan đơn vị mình, cái gì khó khăn, phức tạp thì tìm cách đùn đẩy, né tránh, giao cho người khác.
Để phát huy những kết quả, thành tích đã đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, Tổng bí thư cho rằng, có thể tiếp tục kế thừa, phát huy 3 bài học đã rút ra được tại hai Hội nghị trước gồm kế thừa, phát huy những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; Tăng cường sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu, chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.
Đồng thời cần sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa Trung ương và địa phương cũng như giữa các cơ quan. Tranh thủ sự đồng thuận, đồng tình, ủng hộ, cổ vũ, động viên, góp ý kịp thời của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, các cơ quan thông tin, báo chí,... tạo nên sức mạnh tổng hợp, đồng tâm nhất trí của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Đẩy mạnh khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, cùng với kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể trở thành lực lượng nòng cốt để nâng cao năng lực nội sinh, tính tự chủ của nền kinh tế và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.
Chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, lo ngại rằng việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, thời gian tới, toàn hệ thống chính trị cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI và khoá XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Làm tốt hơn nữa công tác cán bộ để lựa chọn, bố trí những cán bộ thật sự có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết, thật sự vì nước, vì dân vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy Nhà nước.
Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những người tham nhũng, hư hỏng; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, cục bộ, ưu ái tuyển dụng người nhà, người thân không đủ tiêu chuẩn.
Phát huy dân chủ, nâng cao ý thức trách nhiệm, nêu gương, tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực thi công vụ. Kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực gắn với đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách để "không thể, không dám, không muốn tham nhũng".
Đồng thời, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu cần chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, lo ngại rằng việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng sẽ cản trở sự phát triển, làm nhụt chí, làm "cầm chừng", "phòng thủ", "che chắn", giữ "an toàn" trong một bộ phận công chức nào đó, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; nêu rõ: “Tôi đã nhiều lần nói rồi, nay xin nhắc lại, những ai có tư tưởng ấy thì hãy đứng sang một bên để người khác làm!”.
>>> Mời độc giả xem video Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: “Các bị cáo cho đi tù còn cảm ơn”: