Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Người quyết liệt phòng chống tham nhũng

Google News

(Kiến Thức) - Không chỉ truyền đi thông điệp mạnh mẽ chống “giặc nội xâm” tham nhũng mà bằng những hành động cụ thể từ thực tiễn, người dân kỳ vọng khi Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước, công cuộc chống tham nhũng sẽ quyết liệt, mạnh mẽ hơn.

Tại hội nghị Trung ương lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất cao (100% Uỷ viên Trung ương biểu quyết tán thành) giới thiệu đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước.
Việc này được dư luận trong nước và quốc tế cũng đồng tình, ủng hộ. Ông Lê Quang Vĩnh – Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng nói: “Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước là việc tự nhiên, hợp ý Đảng lòng dân”.
Trên cương vị là người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người quyết liệt nhất trong những người quyết liệt trong cuộc chiến chống tham nhũng. Nhân dân kỳ vọng, khi Tổng Bí thư giữ chức vụ Chủ tịch nước công cuộc chỉnh đốn Đảng, làm trong sạch bộ máy và công cuộc phòng chống tham nhũng sẽ quyết liệt hơn nữa.
Kiên quyết chấn chỉnh Đảng viên
Mới đây tại Hội nghị Trung ương 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, một trong ba nội dung quan trọng nhất trong bài phát biểu của Tổng Bí thư chính là vấn đề xây dựng Đảng, trong đó nổi bật là việc xem xét, quyết định ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, nếu gần 200 Uỷ viên Trung ương khoá XII, từng đồng chí thật sự soi vào bản thân mình, đề cao trách nhiệm nêu gương và gương mẫu đi đầu thực hiện thì sẽ có sức lan toả rất lớn, sẽ tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư.
Tong Bi thu Nguyen Phu Trong: Nguoi quyet liet phong chong tham nhung
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. 
Tại buổi tiếp xúc cử tri quận Tây Hồ, Hà Nội, chiều 8/10,Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Bây giờ phải cụ thể hóa ra và phải nêu gương. Lãnh đạo càng cao thì càng phải nêu gương.
Bác Hồ đã nói: Một tấm gương sống bằng cả trăm bài diễn văn tuyên truyền. Chính vì ý nghĩa đó mà lần này ban hành quy định nêu gương, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ làm, dễ kiểm tra, giám sát”.
Trước đó, trong sáng cùng ngày, khi tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tổng Bí thư nói rằng, Đảng đã có nhiều quy định quy chế, như 19 điều đảng viên không được làm, rồi 27 biểu hiện suy thoái... Đó là trách nhiệm chung mọi cán bộ đảng viên phải làm. "Đảng viên đi trước, làng nước theo sau" - “Không gương mẫu thì làm cán bộ làm gì”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Tổng Bí thư cũng nói rằng, đây là lần đầu tiên trong lịch sử nói thẳng ra là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Trung ương Đảng, chứ không nói chung chung, để từng anh phải soi vào.
Quyết liệt trong phòng chống tham nhũng
Về công tác phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người luôn thể hiện sự quyết liệt không chỉ nhiều lần gửi đi thông điệp mạnh mẽ trước giặc nội xâm tham nhũng như “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy", mà còn bằng những hành động trên thực tế khi trong năm 2017 và 8 tháng đầu năm 2018, hàng loạt quan chức cấp cao đã bị xử lý vì tội tham nhũng.
Tại buổi tiếp xúc cử tri Hà Nội ngày 8/10 vừa qua, nói về đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói rằng, Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), Quốc hội đang quyết tâm cố gắng thông qua trong kỳ họp tới, song cũng vướng vào 2 vấn đề khó là kê khai tài sản và kiểm soát tài sản.
Về tiến độ xử lý các vụ án tham nhũng, kinh tế, Tổng Bí thư khẳng định chưa có giai đoạn nào trong lịch sử Đảng ta mà công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng quyết liệt như những năm gần đây, với tinh thần làm chặt chẽ từng bước, có lý có tình, tâm phục khẩu phục, trong đó răn đe ngăn chặn là chính.
Tong Bi thu Nguyen Phu Trong: Nguoi quyet liet phong chong tham nhung-Hinh-2
 Tổng Bí thư truyền đi thông điệp quyết liệt trong công tác phòng chống tham nhũng. Ảnh: Zing.vn
“Không phải cứ kỷ luật nhiều mới là tốt. Tuy nhiên phải làm rất nghiêm. Nghiêm không có nghĩa nặng mới là nghiêm mà phải hợp tình hợp lý, tâm phục khẩu phục, đúng luật pháp”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Vừa qua tình trạng án chậm, muộn đã được khắc phục nhiều. Cụ thể, trước kia có vụ án bao nhiêu năm còn để "chìm xuồng" nhưng gần đây, vụ nào được đưa ra là đều làm đến nơi đến chốn.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói rằng, kiểm tra đến mức khởi tố thì công an vào điều tra, điều tra theo Luật hình sự. Đối chiếu điều nào thì mức án đến đâu, điều tra đến truy tố mới đưa ra xét xử được, có trường hợp bắt tạm giam trước, cấm trốn đi nước ngoài, cấm được huỷ hoại, phân tán tài sản…Việc xử cũng không phải một lần là xong, có khi xử vài năm, vì có tội này liên quan ông này, tội khác liên quan ông khác.
Trước đó, tại Hội nghị toàn quốc về phòng, chống tham nhũng sáng 25/6/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng nhấn mạnh: “Hội nghị đề ra giải pháp, nhằm không chỉ duy trì mà phải đẩy mạnh hơn nữa công cuộc chống giặc nội xâm đang ở giai đoạn hết sức quan trọng, quyết liệt”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng là người truyền đi thông điệp cứng rắn trong phòng chống tham nhũng khi phát biểu tại phiên họp thứ 12 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư nói: “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu”.
“Lò đã được nhóm lên từ lâu và đang rừng rực cháy” nhiều cán bộ cao cấp như ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Xuân Anh, Hồ Thị Kim Thoa, hàng loạt cựu lãnh đạo các tỉnh thành đến ngay các tướng lĩnh công an đều phải chịu kỷ luật, thậm chí tù giam vi phạm pháp luật và mới đây là ông Nguyễn Bắc Son và ông Trần Văn Minh cho thấy không chỉ là thông điệp mà đó là những hành động mạnh mẽ trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đang ở giai đoạn quyết liệt.
Bởi vậy tới đây, khi Quốc hội nhất trí thông qua việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước, công tác chỉnh đốn Đảng và phòng chống tham nhũng sẽ quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa.
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)