Phát biểu tại Quốc yến, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhiệt liệt chào mừng chuyến thăm cấp nhà nước Việt Nam lần đầu tiên của Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu và cho rằng đây sẽ là dấu mốc quan trọng trong hợp tác hữu nghị giữa hai nước.
|
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Nhà vua Nhật Bản Akihito nâng ly chúc mừng tại Quốc yến. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN. |
Đáp lại lời chào thịnh tình của Chủ tịch nước, Nhật hoàng Akihito đã có bài phát biểu bày tỏ sự xúc động trước sự đón tiếp nồng hậu của Việt Nam dành cho ngài và Hoàng hậu.
Sau đây là toàn văn bài phát biểu của Nhật hoàng tại tiệc Quốc yến:
"Tôi hết sức vui mừng được thăm Việt Nam lần đầu tiên cùng với Hoàng hậu theo lời mời của Ngài Trần Đại Quang, Chủ tich nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Tôi xin chân thành cảm ơn Ngài Chủ tịch nước đã tổ chức Quốc yến tối nay đồng thời dành cho chúng tôi những lời chào mừng nồng nhiệt nhất.
Nhân dịp này, tôi trân trọng cảm ơn sự đón tiếp chu đáo mà đất nước và nhân dân Việt Nam đã dành cho các con của chúng tôi là Hoàng thái tử, Hoàng tử Akishino và Công nương khi tới thăm Việt Nam.
Những năm gần đây, các lãnh đạo của Việt Nam, đứng đầu là các Chủ tịch nước tiền nhiệm đã sang thăm Nhật Bản và mời chúng tôi thăm chính thức Việt Nam. Trong bối cảnh đó, tôi vô cùng cảm kích vì được sang thăm Việt Nam lần này.
Giữa Việt Nam và Nhật Bản đã có rất nhiều hoạt động giao lưu từ thời xa xưa. Ngược dòng lịch sử về thế kỷ thứ 8, nhà sư Phật Triết của Lâm Ấp, nay là Miền Trung Việt Nam đã tới hiến vũ nhân lễ cúng đường Khai nhãn Đại Phật được tổ chức tại Nara, kinh đô Nhật Bản thời kỳ đó. Âm nhạc của Lâm Ấp thời đó vẫn được biểu diễn trong những nhạc khúc của nhã nhạc Nhật Bản hiện nay. Lần này, tôi được tới thăm Huế, cố đô của Việt Nam thời Nhà Nguyễn, cũng là nơi Lâm Ấp một thời phồn thịnh. Chính tại nơi này, tôi rất mong sớm được thưởng thức nhã nhạc Việt Nam, một loại hình âm nhạc cùng chia sẻ nguồn gốc với nhã nhạc của Nhật Bản.
Từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 17, rất nhiều thương thuyền của Nhật Bản đã cập cảng Hội An, một thương cảng quốc tế phồn vinh ở Miền Trung Việt Nam thời kỳ đó, khu phố Nhật Bản cũng dần được dựng lên tại đây.
Sau đó, do chính sách “bế quan tỏa cảng” của Nhật Bản, giao lưu giữa Việt Nam và Nhật Bản đã tạm thời bị gián đoạn. Tuy nhiên vào đầu thế kỷ 20, có thời gian 'Phong trào Đông du' đã đưa khoảng 200 thanh niên Việt Nam sang học tập tại Nhật Bản.
Trải qua hơn 40 năm kể từ khi hai nước Nhật Bản và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973, trong những năm qua, hoạt động giao lưu giữa hai nước ngày càng được mở rộng, đến nay có khoảng 180 nghìn người Việt Nam, bao gồm cả du học sinh và tu nghiệp sinh, đang sinh sống, học tập và làm việc ở Nhật Bản.
Trong số đó có khoảng 500 người Việt Nam đang thực tập tại các bệnh viện và cơ sở phúc lợi để trở thành điều dưỡng viên, hộ lý làm việc tại Nhật Bản trong tương lai. Tôi rất mong được tới cuộc gặp với cựu lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản và những người đang đóng góp cho hoạt động giao lưu giữa hai nước diễn ra tại Văn Miếu vào ngày mai.
Trong những năm gần đây, tôi được biết việc học tiếng Nhật ở Việt Nam đang ngày càng được quan tâm nhiều hơn, ví dụ như có trường tiểu học đã bắt đầu giảng dạy tiếng Nhật v.v... Đồng thời cũng có rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm đến hoạt động sản xuất v.v... ở Việt Nam, đến nay số người Nhật Bản sinh sống ở Việt Nam đã lên đến khoảng 15 nghìn người. Tôi rất vui mừng nhận thấy các sự kiện giao lưu giới thiệu văn hóa Nhật Bản và Việt Nam được tổ chức ở khắp nơi hai nước đã có rất nhiều người dân đến thưởng thức âm nhạc, ẩm thực, v.v... của mỗi nước.
Trong bối cảnh giao lưu giữa nhân dân hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, đồng thời sự gần gũi về văn hóa được nâng cao như ngày nay, tôi rất mong chuyến thăm lần này của chúng tôi sẽ góp phần tăng cường hơn nữa sự hiểu biết lẫn nhau cũng như sự gắn bó của tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Cuối cùng, tôi xin nâng cốc chúc Ngài Chủ tịch nước và Phu nhân sức khỏe, thành công, chúc nhân dân Việt Nam hạnh phúc.