Đến chiều tối 5/6 cả ba nạn nhân Phạm Tấn Cường (46 tuổi, quê Bình Định), hai chị em ruột Trịnh Kim Phượng (7tuổi) và Trịnh Huy Hoàng (4 tuổi, quê Thái Nguyên) vụ chìm tàu du lịch trên sông Hàn đã được tìm thấy.
Chuyến du ngoạn kinh hoàng
Anh Đặng Duy Hưng (trú tại xã Sơn Cẩm, Phú Lương, Thái Nguyên) kể: đại gia đình anh có 21 người trong đó có một phụ nữ mang bầu, một người già và 9 em nhỏ đến Đà Nẵng du lịch. Ngày 4/6, sau khi ăn tối xong, gia đình anh mua vé tham quan sông Hàn với mức giá 100.000 đồng/người.
|
Tàu Thảo Vân 2 hoạt động chui, chở số người quá quy định ngay trung tâm TP Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Thành. |
Tuy tàu đã đông khách nhưng chủ tàu vẫn tiếp tục nhận khách và thu tiền. Thấy đông người gia đình anh lên tiếng phản đối nhưng chủ phương tiện nói: “Không sao đâu”. Thấy tàu đông người, gia đình anh yêu cầu mặc áo phao thì chủ tàu và nhân viên nói “không cần mặc”. Tàu chất đầy người, không còn chỗ nên toàn bộ gia đình anh được hướng dẫn lên tầng trên của con tàu. Khi tàu quay đầu tiến về phía cầu Rồng được 200m thì nghiêng về phía trái rồi lật úp.
Tàu lật, toàn bộ gia đình ngã nhào xuống sông, 19 thành viên trong gia đình anh Hưng, một số bơi được vào bờ, số khác được tàu khác chạy tới vớt lên. Nhưng hai cháu Trịnh Kim Phượng và Trịnh Huy Hoàng mất tích.
“Khi xuống tàu chúng tôi yêu cầu mặc áo phao nhưng không có. Khi xảy ra tai nạn, chúng tôi mới hay tàu chở quá số người quy định. Khi chúng tôi mua vé xuống tàu nào có ai nhắc nhở gì đâu. Chúng tôi nghĩ Đà Nẵng là thành phố du lịch, văn minh lịch sự thì phương tiện cũng an toàn, lịch sự. Ai ngờ đâu xảy ra cơ sự này. Rõ ràng chủ tàu và nhân viên vì tham lam mà bất chấp tính mạng của gia đình chúng tôi và người khác” anh Hưng ấm ức.
“Khi xuống tàu chúng tôi yêu cầu mặc áo phao nhưng không có. Khi xảy ra tai nạn, chúng tôi mới hay tàu chở quá số người quy định.
Hành khách Đặng Duy Hưng
Khóc ngất suốt ngày đêm vì cả hai người con đang mất tích, chị Xuân và anh Dương không còn sức để đứng dậy. Nỗi đau quá lớn, khiến chị Xuân như người mất hồn. Anh Dương dù mạnh mẽ vẫn không giấu được hai hàng lệ tuôn. “Đau quá. Vợ chồng đưa con đi chơi, ai ngờ đưa con về cõi chết. Giờ hai con nằm dưới sông mất rồi, vợ chồng không còn thiết sống nữa...” chị Xuân khóc nghẹn.
Anh Nguyễn Thượng Hải (quê Đắk Lắk) – người may mắn sống sót, kể lại: “Khi tàu chòng chành, có dấu hiệu nghiêng, toàn bộ du khách ở trên tầng hai bị xô dồn về một phía. Các nhân viên phía dưới chạy dồn qua phía bên kia để kéo con tàu thăng bằng lại nhưng chỉ vài giây là tàu lật úp rồi chìm”. Theo anh Hải, các ghế ngồi trên tầng không được lắp cố định nên thuyền dao động là ghế bị xô lệch, dồn hết về một bên, tàu nghiêng rất nhanh và dễ chìm.
Theo ghi nhận của phóng viên Tiền Phong tại hiện trường, khi con tàu được trục vớt lên, cơ quan chức năng phát hiện bên trong có một túi chứa hàng chục chiếc áo phao, chứng tỏ số khách mang áo phao khi đi tàu rất ít.
|
Người nhà nạn nhân đau khổ vì mất người thân. Ảnh: Nguyễn Thành. |
Thảm họa với du lịch Đà Nẵng
Trưa 5/6, chính quyền thành phố Đà Nẵng chính thức thông tin về vụ lật tàu du lịch Thảo Vân 2. Theo đó, khoảng 20h20 ngày 4/6, tàu Thảo Vân 2 mang số hiệu ĐNa 0016 đang chở khách trên sông Hàn thì bị chìm. Tổng số người có mặt trên tàu trong thời điểm bị nạn là 56 người, trong đó có 53 du khách và 3 nhân viên.
Tàu do tài công Lê Công Chí (trú tại phường An Hải Bắc, Sơn Trà, Đà Nẵng) điều khiển. Chủ phương tiện là ông Võ Quốc Hùng. Thảo Vân 2 chưa được cấp phép vận tải hành khách, khi xuất bến không trình báo với cảng vụ Đường thủy nội địa và cơ quan chức năng. Sau khi xảy ra tai nạn, Chí bỏ đi khỏi hiện trường, hiện đang bị biên phòng tạm giữ.
Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho rằng: Tai nạn chìm tàu sông Hàn này là một “thảm họa” đối với ngành du lịch Đà Nẵng. Ngay ở trung tâm thành phố lại xảy ra tình trạng tàu chui, chở khách quá tải là điều không thể chấp nhận được. Khi phóng viên đặt câu hỏi về trách nhiệm của UBND TP cũng như các sở ban ngành trong việc quản lý vận tải du lịch trên sông, ông Thơ từ chối trả lời vì cho rằng cần thời gian để thu thập bằng chứng, chứng cứ.
“Về trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan ban ngành, UBND TP sẽ công bố sau khi đã có đầy đủ chứng cứ” ông Thơ nói trước khi kết thúc cuộc họp báo chóng vánh.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ nhiệm Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia, cho biết chở gấp đôi số người quy định là “vi phạm nghiêm trọng, không thể chấp nhận được”. Ông Hùng cho hay sau vụ việc này sẽ cho rà soát lại tất cả các phương tiện giao thông đường thủy trên cả nước, đồng thời lập đoàn kiểm tra liên ngành, trong đó Bộ GTVT làm trưởng đoàn sẽ kiểm tra lại tình hình giao thông đường thủy, nhất là các địa phương có hoạt động du lịch đường thủy mạnh.
Ông Hùng cũng khuyến cáo người dân trước khi lên bất kỳ một phương tiện du lịch đường thủy nào cũng phải yêu cầu chủ tàu cung cấp áo phao, chủ động tìm hiểu tàu được phép chở bao nhiêu người rồi mới quyết định tham gia hay không.
Năm 2014, tàu Thảo Vân 2 đã bị chìm một lần giữa sông Hàn, rất may 10 người trên tàu thoát nạn.
|
Tàu Thảo Vân 2 hoạt động chui, chở số người quá quy định ngay trung tâm TP Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Thành. |
Thủ tướng yêu cầu điều tra làm rõ sự việc
Chiều 5/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến hiện trường vụ lật tàu để kiểm tra công tác tìm kiếm cứu nạn, động viên gia đình các nạn nhân xấu số và thăm hỏi các nạn nhân đang điều trị tại bệnh viện.
Ngay tại sở chỉ huy tiền phương (cảng Đà Nẵng), sau khi nghe UBND TP Đà Nẵng và ủy ban an toàn giao thông quốc gia báo cáo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Đây là một vụ tai nạn hết sức thương tâm và nghiêm trọng. Chủ phương tiện bất chấp nguy hiểm chở 56 người trong khi quy định chỉ cho phép 28 người. Việc này chứng tỏ chủ phương tiện này quá xem thường tính mạng của du khách. Cơ quan chức năng Đà Nẵng cần kiểm tra, làm rõ trách nhiệm trong việc kiểm tra kiểm soát để phương tiện không đảm bảo, chở quá số người quy định.
Thủ tướng yêu cầu Đà Nẵng khẩn trương khởi tố, điều tra vụ lật tàu, Thủ tướng cũng nhấn mạnh, giao thông đường thủy là lợi thế mạnh của nước ta. Từ vụ lật tàu này, các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương trong phạm vi cả nước cần tiến hành kiểm tra kiểm soát các phương tiện lưu thông đường thủy. Kiên quyết không cho những phương tiện không đảm bảo an toàn lưu thông trên sông nước, để tránh xảy ra tai nạn đáng tiếc tương tự như vụ lật tàu trên sông Hàn.
Dấu hiệu buông lỏng quản lý
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia đánh giá, ngoài chủ tàu, lái tàu phải chịu trách nhiệm trực tiếp; trong vụ tai nạn này có nhiều dấu hiệu rõ ràng liên quan đến trách nhiệm của cơ quan quản lý như tàu chở khách quá số người được cấp phép nhưng đã không được kiểm soát từ lúc xuất bến và trên đường đi. “Tàu xuất phát tại bến được cấp phép, có các cơ quan quản lý làm việc nhưng đã có dấu hiệu buông lỏng quản lý; trên tuyến có CSGT đường thủy, thanh tra đường thủy hoạt động nhưng không phát hiện được. Nguyên nhân cuối cùng sẽ được cơ quan cảnh sát điều tra công bố. Tuy nhiên, bước đầu có thể khẳng định đây là hậu quả của những yếu kém, hạn chế trong quản lý”, ông Hùng nói.
Ngay sau vụ tai nạn, ông Hùng đã ký công điện khẩn yêu cầu các bộ ngành, địa phương liên quan tiến hành các biện pháp khắc phục, phòng ngừa. Trong đó, đề nghị Bộ GT-VT khẩn trương rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định về vận tải hành khách trên đường thủy nội địa.
Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa: Chủ tịch UBND tỉnh có trách nhiệm cao nhất
Trao đổi với Tiền Phong, ông Hoàng Hồng Giang - Cục trưởng Cục Đường thuỷ Nội địa (Bộ GTVT) cho hay: Khu vực tàu bị nạn nằm trong tuyến đường thuỷ nội địa quốc gia, mới được chuyển từ tuyến hàng hải từ tháng 8/2015. Ngay sau khi thành lập tuyến đường thuỷ nội địa, Bộ GTVT ủy quyền cho Sở GTVT Đà Nẵng trực tiếp quản lý về mọi mặt.
Ông Giang khẳng định, việc để tàu khách không phép rời bến với lượng khách quá tải 200% là lỗ hổng quản lý. Các cơ quan cần xem xét trách nhiệm gồm chủ bến, Cảng vụ Đường thủy nội địa của Sở GTVT Đà Nẵng và các đơn vị liên quan.
“Theo tôi, tất cả các văn bản quy phạm pháp luật đã đủ. Trong đó, chúng tôi đã tập trung phân cấp phân quyền vì trung ương không thể với tới hết từng con tàu, từng đoạn sông. Tại cuộc họp ở hiện trường, Thủ tướng cũng khẳng định, Chủ tịch UBND các tỉnh có trách nhiệm cao nhất. Trước nay, chúng tôi cũng tăng cường giám sát địa phương; tuy nhiên, tới đây cần tăng cường hơn nữa, siết chặt trách nhiệm của địa phương” – ông Giang nói.
Mời quý độc giả xem video Lật chìm tàu du lịch trên Sông Hàn Đà Nẵng nhiều người mất tích (nguồn Youtube):