Tin mới nhất bão số 3: Sơ tán hàng vạn người đến nơi an toàn

Google News

(Kiến Thức) - Tin mới nhất về phòng chống bão số 3, các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Ninh Bình đã sơ tán 37.643 người dân ở vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.

Sơ tán 37.643 người dân đến nơi an toàn
Để ứng phó bão số 3, công tác phòng chống lụt bão ở các tỉnh từ Quảng Ninh đến Ninh Bình đang được hoàn tất. Cụ thể, tính đến 17h ngày 18/8, các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Ninh Bình đã sơ tán 37.643 người dân ở đầm, chòi canh, nhà xung yếu đến nơi an toàn (Quảng Ninh: 3.024 người; Hải Phòng: 1.182 người; Nam Định: 7.069 người; Thái Bình: 24.795 người; Ninh Bình: 1.573 người).
Theo Báo cáo số 367/BC-BTM của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến 21h ngày 18/8, Bộ đội Biên phòng các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Trị phối hợp với ngành thủy sản, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 38.539 phương tiện, lồng bè, lều chòi/128.545 người biết diễn biến, hướng đi của bão để chủ động di chuyển phòng tránh. Tính đến 18h30 ngày 18/8/2016, các phương tiện và ngư dân đã vào bờ tránh bão an toàn, không còn phương tiện của ngư dân đang hoạt động trên biển từ vĩ tuyến 17 trở lên phía Bắc. Có 34.236 phương tiện đã neo đậu tại bến. Toàn bộ 5.142 lồng bè, lều chòi nuôi trồng thủy sản với 6.282 người ở khu vực các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Ninh Bình đã di dời vào bờ.
 Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ kiểm tra chỉ đạo ứng phó bão số 3.
Hiện Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN các tỉnh miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ và khu vực ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh đã chủ động theo dõi diễn biến của bão, mưa lũ để triển khai các biện pháp phòng tránh. Các tỉnh, thành phố: Lai Châu, Bắc Giang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị đã có Công điện chỉ đạo các Sở, ban ngành triển khai các biện pháp ứng phó với bão và mưa, lũ.
 Quảng Ninh sáng nay có mưa và gió bắt đầu mạnh.
Theo báo cáo của Vụ Quản lý đê điều, các tuyến đê đang thi công dở dang ở Hải Phòng: Tuyến đê biển Cát Hải đang thi công, đã hoàn thành phần đắp đê và gia cố mái phía biển, chưa gia cố cứng hóa mặt đê. Thanh Hóa: Có 5 vị trí đê biển, đê cửa sông đang triển khai thi công gia cố đê: Hải Châu, Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia (đã đắp hoàn thiện mặt cắt đê và đang lát cấu kiện mái phía biển); Đê cửa sông Mã (đã hoàn thiện mặt cắt đang đổ bê tông mặt đê); Đê tả sông Yên (đang thi công đắp áp trúc mái phía sông); Đê cửa sông Càn (đã hoàn thiện mặt cắt, đang lát mái); Đê biển Nga Sơn (tuyến ngoài đang thi công đắp đất). Có 59 vị trí đê biển trọng điểm xung yếu cần quan tâm (Quảng Ninh 07; Hải Phòng 08; Thái Bình 12; Nam Định 09; Ninh Bình 01; Thanh Hóa 07; Nghệ An 04; Hà Tĩnh 11).
Các địa phương sẵn sàng chống bão
Tại Quảng Ninh: Ghi nhận của PV Kiến Thức tại TP Hạ Long, Quảng Ninh, hiện nay tất cả các điểm có nguy cơ sạt lở trên địa bàn đều đã được kiểm tra và có phương án phòng chống. Các hộ dân nằm trong diện đặc biệt nguy hiểm phải di dời khẩn cấp khi có mưa bão xảy ra đã được di dời đến nơi an toàn. Tuy nhiên, hiện vẫn còn tình trạng một số hộ dân chưa chịu di dời, thành phố đang tiến hành các biện pháp di dời khẩn cấp, kiên quyết không để người dân còn ở những khu vực này khi mưa lớn xảy ra. Ngay từ chiều qua, 18/8, tất cả các tàu du lịch đã bị dừng cấp phép.
Clip mưa gió bắt đầu mạnh tại TP Hạ Long (Quảng Ninh):
Hiện toàn tỉnh Quảng Ninh có 8.063 tàu thuyền về nơi trú bão trong đó có 410 tàu đánh bắt xa bờ. Riêng toàn bộ 534 tàu du lịch đã vào bờ neo đậu tránh trú bão. Ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cũng cho biết các lồng bè nuôi trồng thủy sản đã được gia cố, chằng chống chắc chắn.
Tỉnh Quảng Ninh đã kêu gọi khách du lịch dời tất cả các đảo để về đất liền tránh trú bão an toàn; riêng chỉ còn đảo Cô Tô còn 9 khách du lịch ở lại, trong đó có 1 khách du lịch người Đức. Tại huyện đảo Cô Tô, chính quyền địa phương đã tổ chức lưu trú an toàn, miễn phí ăn ở cho khách du lịch trong nước và nước ngoài tại đảo du lịch này; hướng dẫn 26 tàu về bến Vân Đồn an toàn.
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cho biết đã có phương án an toàn đối với khu vực khai thác hầm lò, bãi thải, các vùng có nguy cơ sạt lở, khu vực ao đầm, lồng bè, nuôi trồng thủy sản, bến tàu, cầu cảng, vùng trũng ngập lụt, nhà ở đã xuống cấp nghiêm trọng.
Tại Hải Phòng, mưa to chiều ngày 18/8 đến sáng ngày 19/8 đã khiến nhiều con phố ở TP Hải Phòng trong tình trạng ngập lụt cục bộ. Theo ghi nhận của PV, tối ngày 18/8, một số tuyến phố của Hải Phòng ngập lụt như Đổng Quốc Bình (Q. Ngô Quyền); đường Tô Hiệu (Q. Lê Chân), một số tuyến đường của Q. Kiến An, tuyến đường phía huyện Thủy Nguyên ngập lụt nặng nhất. Sáng ngày 19/8, mưa to ở Hải Phòng diễn ra trong vòng 30p, hiện tượng ngập lụt không còn như tối ngày 18/8.
Trao đổi với PV Kiến Thức sáng ngày 19/8, ông Nguyễn Minh Tuấn, TGĐ công ty TNHH MTV thoát nước Hải Phòng cho biết: “Chiều tối ngày 18/8, Hải Phòng mưa to và một số tuyến phố có tình trạng ngập lụt, nhưng sau đó thoát nhanh. Sáng 19/8, tình trạng này không còn”.
Clip mưa lớn lụt đường Hải Phòng:
Trước đó, chiều 18/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc với UBND TP Hải phòng và UBND tỉnh Quảng Ninh về việc phòng chống lụt bão của hai địa phương này. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh không được chủ quan với cơn bão số 3 này vì cơn bão rất mạnh và càng vào đất liền thì cường độ mạnh lên. Gió cấp 10 có thể giật cấp 12.
Phó Thủ tướng đề nghị Thành phố Hải Phòng quán triệt các Công điện, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương về phòng, chống cơn bão số 3. Đây là cơn bão kéo theo lượng mưa lớn (200- 300mm, thậm chí có nơi tới 400mm). PTTg đề nghị Hải Phòng đặc biệt quan tâm tới công tác thoát nước đô thị. Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, TGĐ công ty TNHH MTV thoát nước Hải Phòng thì hệ thống thoát nước của Hải Phòng sẽ chịu được lượng mưa khoảng 100mm. Tuy nhiên, việc thoát nước còn phụ thuộc nhiều yếu tố như triều cường, ống thoát nước, tình trạng các sông hồ... Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu Hải Phòng cấm cửa biển từ 17 giờ 18/8.
Tại Thái Bình: Theo thống kê của Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình, toàn tỉnh hiện có 1.600 người hoạt động tại trên 1.500 chòi ngao và trên 14.450 người hiện sinh sống khu vực ngoài đê chính cần di dời.
Kiểm tra tình hình phòng chống cơn bão số 3 tại các địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Hồng Diên cũng yêu cầu Ban phòng chống lụt bão tỉnh, các huyện, lực lượng bộ đội biên phòng tỉnh và các xã vùng ven biển khẩn trương rà soát, tổng hợp số lượng lao động canh coi trên các chòi ngao, lao động lưu động trên biển, tìm mọi giải pháp để tiếp cận bằng nhiều hình thức tuyên truyền, vận động người dân vào nơi trú ẩn, trường hợp cố tình chống đối phải tiến hành cưỡng chế di dời ngay, tuyệt đối không để người dân nào còn ở lại biển. Bố trí, sắp xếp phương tiện tàu thuyền vào nơi neo đậu an toàn, không được để người dân ở lại trên tàu thuyền khi bão độ bộ vào. Chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát số lượng nhà yếu, số hộ dân còn ở ngoài đê để có phương án di dời dân đến nơi an toàn. Đồng thời thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo kịp thời, xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra vi phạm.
 Lãnh đạo tỉnh Thái Bình kiểm tra phòng chống bão.
 Ông Bùi Văn Thông (Thôn Việt Thắng, xã Nam Thanh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình).
 Các tàu vào neo đậu tránh bão ở Thái Bình.
Tại huyện Tiền Hải, toàn huyện còn 214 hộ dân với 635 khẩu sinh sống ngoài đê biển quốc gia, gần 1000 chòi ngao, 372 hộ làm đầm vùng, hàng trăm phương tiện đánh bắt thủy hải sản với gần 1500 lao động. Sau khi tỉnh phát lệnh cấm tàu thuyền ra khơi, đến cuối ngày 17/8 đã có 753 phương tiện vào tránh trú trên địa bàn huyện, trong đó có 6 tàu thuyền từ tỉnh ngoài vào neo đậu. 26 tàu đánh bắt xa bờ với 63 lao động của ngư dân Tiền Hải cũng đã neo đậu an toàn tại các tỉnh Quảng Ninh, Hải phòng, Ninh Binh. 10 tàu thuyền đánh bắt khu vực biển Thái Bình cũng đang vào bờ ngay trong đêm.
Ông Bùi Văn Thông (thôn Việt Thắng, xã Nam Thanh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) cho biết: " Chính quyền địa phương đặc biệt là từ hôm qua tuyên truyền rất là nhiều khuyến cáo cho bà con nông dân nói chung và đặc biệt là những người nuôi trồng thủy sản, trong đó có tôi là ở địa phương xã Nam Thanh và tôi nuôi trồng thủy sản nuôi ngao ở ngoài Nam Thịnh thì chính quyền tuyên truyền là trước giờ bão đổ bộ về thì phải vào đất liền và không ai ở ngoài biển".
“Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, bắt đầu từ chiều 18/8, chúng tôi đã thực hiện lệnh cấm biển đối với bà con đi biển. Hiện nay mọi công tác chuẩn bị đối phó với bão đổ bộ đã hoàn tất”- Thượng úy Đỗ Đình Học, Trạm trưởng Trạm kiểm soát biên phòng Cửa Lân cho biết.
Tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát số lượng nhà yếu, số hộ dân còn ở ngoài đê để có phương án di dời dân đến nơi an toàn. Đồng thời thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo kịp thời, xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra vi phạm.Tỉnh cũng yêu cầu các huyện cần tập trung khơi thông dòng chảy, tiêu nước triệt để trên tất cả hệ thống mương máng, sông trục nội đồng. Xây dựng phương án, kế hoạch chống úng đề phòng khi có mưa lớn. Chủ động rà soát các hạng mục đê, kè cống xung yếu để có phương án đối phó khi có tình huống xảy ra.
Trước đó, sáng 18/8 Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp giao ban trực tuyến giữa Ban chỉ đạo TWPCTT với 28 tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh trở ra để triển khai công tác ứng phó với Bão số 3 và mưa lũ. Thủ tướng Chính phủ đã có công điện số 1478/CĐ-TTg ngày 18/8/2016 điện UBND các tỉnh, thành phố Bắc Bộ, Trung Bộ (từ Hà Tỉnh trở ra) và các Bộ, ngành chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 3 và mưa lũ. Chính phủ đã cử 03 đoàn công tác do Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đi kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 3 mưa lũ tại các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Thanh Hóa.
Ban chỉ đạo TWPCTT đã có lệnh điều động vật tư dự trữ Phòng, chống thiên tai từ Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Hưng Yên đến Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Nam Định phục vụ công tác ứng phó với bão số 3 và mưa lũ. Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT đã có các Công điện: số 18/CĐ-TW hồi 6h30’ và số 19/CĐ-TW hồi 18h30’ gửi các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh, các tỉnh miền núi, trung du Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo chủ động ứng phó với diễn biến của bão và mưa, lũ.
- Tổng cục Thủy lợi – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có công văn số 1359/TCTL-ĐĐ gửi Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh có đê từ Hà Tĩnh trở ra kiểm tra đê điều, chủ động đối phó với điễm biến của bão số 3 và mưa lũ. Các Bộ Quốc phòng, Công an, Giao thông Vận tải, Bộ Y tế, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên, Tập đoàn Điện lực Việt Nam phòng đã có công điện chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với bão và mưa, lũ. Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ; chuyển các tin dự báo, cảnh báo và nhắn tin tới Ban chỉ huy PCTT&TKCN các địa phương.
Hải Ninh

Bình luận(0)