Trong phiên tòa xét xử sơ thẩm ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cùng các đồng phạm trong đại án xảy ra tại PVN và PVC diễn ra chiều 8/1, Hội đồng xét xử đã tập trung làm rõ hành vi vi phạm của các bị cáo trong việc ký hợp đồng EPC 33 để xây dựng dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 và sử dụng sai mục đích số tiền hơn 1.115 tỷ đồng.
Trước đó, cáo trạng nêu rõ, đối với bị can Đinh La Thăng, trong quá trình thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, bị can Thăng, nguyên Chủ tịch HĐTV PVN có vai trò chính trong việc đề ra chủ trương và chỉ định PVN thực hiện gói thầu EPC, chỉ đạo PV Power ký Hợp đồng EPC số 33 với PVC trái quy định, sau đó chỉ đạo cấp dưới tại PVN và BQL dự án căn cứ Hợp đồng này tạm ứng 6.6 triệu USD và 1.312 tỷ đồng cho PVC.
|
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh. |
Trong quá trình thực hiện dự án NMNĐ Thái Bình 2 giữ vai trò là Chủ tịch HĐQT PVC, Trịnh Xuân Thanh đã có hành vi chỉ đạo bị can Vũ Đức Thuận ký HĐ EPC số 33 để PVC được nhận tạm ứng 6.6 triệu USD và 1.312 tỷ đồng. Quyết định sử dụng 1.115 tỷ đồng trong số tiền tạm ứng vào mục đích khác, không đưa vào dự án NMNĐ Thái Bình 2 gây thiệt hại cho nhà nước số tiền hơn 119.8 tỷ đồng.
Tại phiên xét xử sơ thẩm vụ án trên ngày 8/1/2018, một số bị cáo trong vụ án đã tiết lộ lý do Trịnh Xuân Thanh đẩy nhanh việc ký HĐ EPC số 33 với PV Power?
Tại tòa bị cáo Phạm Tiến Đạt - nguyên kế toán trưởng PVC khai rằng, sau khi nhận chức kế toán trưởng, bị cáo đã có một báo cáo tài chính, trong đó có nội dung, các khoản công nợ phải thu của PVC là rất lớn, bị các đơn vị chiếm dụng vốn, trong khi Tổng công ty phải đi vay ngân hàng, phải trả lãi. Bị cáo có kiến nghị lãnh đạo PVC phải thu hồi công nợ và có cảnh báo về tình trạng thua lỗ.
Theo bị cáo Nguyễn Mạnh Tiến - nguyên phó Tổng giám đốc PVC khẳng định, thời điểm đó, PVC nợ nần lớn, phải đi vay tiền ngân hàng. PVC nợ và phải trả lãi ngân hàng nhưng lại phải để cho các đơn vị trực thuộc vay với giá ưu đãi.
"Tình hình tài chính lúc đó tương đối trầm trọng, nợ nần rất nhiều. Do đó, khi tiền tạm ứng vừa về tài khoản, ngân hàng đã xiết nợ trên tài khoản rồi" – bị cáo Nguyễn Mạnh Tiến nói.
Bị cáo Tiến thừa nhận PVC đã sử dụng khoản tiền tạm ứng sai mục đích, số tiền ban đầu là hơn 1.000 tỷ đồng còn sau đó bao nhiêu, bị cáo không nắm được. Số tiến sử dụng vào dự án nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 khoảng 200 tỷ đồng.
Tại phiên tòa, bị cáo Vũ Đức Thuận - nguyên Tổng Giám đốc PVC thừa nhận việc hợp đồng EPC số 33 chưa đầy đủ vì chưa có hồ sơ đề xuất, chưa được duyệt phương án. Tuy nhiên, theo bị cáo, việc ký hợp đồng trên để tạo công ăn việc làm cho người lao động và Chủ tịch HĐQT cũng đã đồng ý. Ngoài ra còn ký để có tiền trả nợ ngân hàng và các mục đích khác.
Bị cáo Thuận cũng cho rằng, PVC không đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện dự án lớn như Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 song lúc đó tình hình tài chính của PVC khó khăn nên vẫn cứ nhận. Ngày 2/3/2011, Chủ tịch HĐQT Trịnh Xuân Thanh và bị cáo Thuận có giao cho Phó Tổng giám đốc ký công văn đề nghị chủ đầu tư tạm ứng. Thời điểm đó, chủ đầu tư là PVPower.
Tuy nhiên, do PVPower chưa xin được tạm ứng vốn điều lệ nên chuyển đổi hợp đồng, chuyển chủ đầu tư về cho PVN. Hợp đồng 4194 được ký lại dựa trên hợp đồng 33 nhưng cũng vẫn chưa đủ điều kiện.
Lý giải việc chi số tiền tạm ứng sai mục đích, bị cáo Vũ Đức Thuận cho rằng, do PVC rất khó khăn về tài chính nên lấy luôn tiền tạm ứng để trả gốc, lãi nợ ngân hàng. Do áp lực trả nợ tiền vay ngân hàng, khó khăn về tài chính ở thời điểm đó và mọi việc đều chịu sự chỉ đạo trực tiếp từ Trịnh Xuân Thanh.
Bị cáo Vũ ĐứcThuận cũng nhận thức hành vi của mình là sai.