Tối 13/4, các mũi thi công xử lý sạt lở hầm Bãi Gió (khu vực qua Đèo Cả, tỉnh Khánh Hòa) vẫn đang được các đơn vị chức năng tập trung tối đa, không ngưng nghỉ.
|
Nhiều công nhân đang tích cực khắc phục sự cố bên trong hầm. |
Ông Lê Quang Vinh, Giám đốc Chi nhánh Khai thác đường sắt Phú Khánh cho biết, hơn 200 công nhân, 2 đoàn tàu, 4 máy loại nhỏ đưa vào hầm nhằm khắc phục sự cố ngay từ khi xảy ra sạt lở, che lấp đường hầm.
Tuy nhiên, theo ông Vinh, khó khăn lớn nhất là tầng đất đá lâu năm đã bị phong hóa nên rơi tự do làm hỏng mái hầm. Đơn vị thi công đã làm mái vòm bằng sắt đỡ mái hầm để chống sạt lở hai lần, nhưng chưa thành công vì đất đá tiếp tục rơi.
"Đây là lý do khách quan bất khả kháng, không phải do sơ suất trong quá trình sửa chữa. Các đơn vị đang triển khai loạt giải pháp thi công khắc phục, ứng phó với các diễn biến mới", ông Vinh nói.
Được biết, hầm Bãi Gió được xây dựng năm 1930, khánh thành năm 1936, vỏ hầm làm bằng bê tông, dài hơn 300m, độ tĩnh không từ mặt đường ray lên mái hầm 5m, chỗ rộng nhất 5m.
Trước đó, khoảng 12h45 ngày 12/4, tại hầm Bãi Gió (Km 1231+100, Khu gian Đại Lãnh - Hảo Sơn), tuyến đường sắt Bắc - Nam, trong điều kiện thời tiết bình thường đã xảy ra sạt lở đất, đá trong khi đơn vị thi công đang sửa chữa tuyến hầm này.
Sạt lở không gây thiệt hại về người. Có khoảng 180m3 đất đá đổ xuống bịt đường hầm. Tuyến đường sắt Bắc - Nam bị ách tắc.