Tại Hội nghị trực tuyến về tiến độ triển khai tiêm vắc xin COVID-19 chiều 9/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh chỉ đạo của Thủ tướng về việc tiêm vắc xin bằng các nguồn khác nhau.
“Hiện Việt Nam đang tổ chức tiêm chủng vắc xin miễn phí, do đó tuyệt đối không được thu bất kỳ chi phí nào liên quan đến tiêm vắc xin. Kể cả các tổ chức, cá nhân tự nguyện ủng hộ thì các đơn vị tổ chức tiêm vắc xin cũng không được tiếp nhận”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.
Trước đó, một bệnh viện tư nhân ở TP HCM đề xuất Bộ Y tế cho phép chủ động đàm phán mua vắc-xin COVID-19 bằng nguồn tài chính của đơn vị và tổ chức tiêm chủng dịch vụ. Ngoài ra, bệnh viện muốn tham gia chiến dịch tiêm chủng đang thực hiện nhưng sẽ được thu phí dịch vụ.
Một số chuyên gia cho rằng, Việt Nam tạm thời chưa tính đến phương án tiêm vắc-xin dịch vụ và thời điểm này chưa phù hợp.
|
Ảnh minh họa. |
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, PGS.TS. Lâm Bá Nam, Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nói rằng, bản thân ông chưa ủng hộ việc tiêm dịch vụ vắc xin COVID-19.
“Thời điểm này nếu chúng ta triển khai tiêm dịch vụ vắc xin COVID-19 là chưa phù hợp. Tiêm dịch vụ sẽ chỉ phục vụ cho một bộ phận người có tiền, trong khi chúng ta đang cần phải tiêm phủ rộng đến đông đảo người dân, tạo miễn dịch cộng đồng và hiện chúng ta đang phấn đấu 70% dân trong độ tuổi tiêm chủng”, PGS.TS. Lâm Bá Nam cho biết.
Theo ông Lâm Bá Nam, vừa qua chúng ta đã huy động và nhân dân ủng hộ bằng nhiều cách khác nhau cho quỹ vắc xin COVID-19.
“Thực tế, chúng ta đã có quỹ vắc xin thể hiện lòng dân ủng hộ nhiệt thành. Không có lý do gì mà để chúng ta ủng hộ tiêm vắc xin dịch vụ trong thời điểm này. Cán bộ công chức, viên chức, người dân đều đóng góp cho quỹ vắc xin từ cơ quan cho đến tổ dân phố, không có cớ gì chúng ta lại sử dụng hệ thống tiêm dịch vụ trong thời điểm này. Nhà nước cần sử dụng nguồn ngân quỹ quốc gia để giải quyết chiến lược tiêm vắc xin cho người dân cả nước”, Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam nêu ý kiến.
Trao đổi với báo chí về vấn đề này, PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng Bộ Y tế cho rằng, Việt Nam tạm thời chưa tính đến phương án tiêm vắc xin dịch vụ.
“Việt Nam cần nhiều vắc xin COVID-19 để tiêm phòng cho người dân nhưng hiện nay vắc xin vẫn còn khan hiếm, nguồn cung vaccine khó khăn, việc tiếp cận vaccine hầu hết phải phụ thuộc vào tiến độ cung ứng của nhà sản xuất nên Việt Nam đang tập trung tiêm cho các đối tượng ưu tiên, đặc biệt là người dân vùng có dịch. Vấn đề tiêm chủng vắc xin COVID-19 dịch vụ cũng chưa được đưa ra bàn thảo tại các cuộc họp bởi hiện nay Việt Nam vẫn tiêm vắc xin phòng COVID-19 miễn phí cho tất cả người dân”, PGS-TS Trần Đắc Phu nói.
PGS-TS Trần Đắc Phu cho biết, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 về tiêm chủng vắc xin giữa tháng 6 vừa qua, Thường trực Ban chỉ đạo nhấn mạnh sau khi tiêm vắc xin COVID -19 cho các đối tượng ưu tiên xong và đạt miễn dịch cộng đồng, Bộ Y tế sẽ chuẩn bị cho các giai đoạn sau, khởi động cơ chế tiêm chủng mở rộng miễn phí và tiêm dịch vụ.
Trước đó, Bộ Y tế đã có công điện gửi Sở Y tế các tỉnh thành và các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, các trường Đại học về việc tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Bộ Y tế cho biết thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tiêm chủng vắc xin COVID-19 theo nguyên tắc bình đẳng, công bằng, công khai, minh bạch, hiệu quả, đảm bảo đúng đối tượng, kịp thời, an toàn và miễn phí cho đối tượng tiêm chủng.
Bộ Y tế đề nghị các đơn vị được phân công tiêm chủng vắc xin tiếp tục tổ chức tiêm chủng theo đúng Nghị quyết 21 của Chính phủ và kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin COVID-19 năm 2021 - 2022 ngày 8/7 hoàn toàn miễn phí, không thu tiền, không nhận "bồi dưỡng" từ các tổ chức, đơn vị, cá nhân đến tiêm chủng.
Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến về tiến độ triển khai tiêm vắc xin COVID-19 chiều 9/8, tính đến ngày 8/8 (sau 5 tháng triển khai tiêm chủng), cả nước đã tiêm được 10.393.025 liều (tỷ lệ sử dụng đạt 67% so với số vaccine 18 đợt, riêng vắc xin Moderna và Sinopharm chỉ tính ½), trong đó có 8.458.225 người đã được tiêm 1 liều vắc xin và 967.400 người tiêm đủ 2 liều vắc xin.
TP. Hồ Chí Minh hiện được phân bổ 4.972.540 liều (bao gồm cả đợt 19, 20); đã tiếp nhận 4.667.170 liều, trong đó phân bổ cho Trung tâm KSBT TP. Hồ Chí Minh 4.258.440 liều và các đơn vị trực thuộc là 408.730 liều.
Một số địa phương có tốc độ tiêm chủng vắc xin chậm: Đồng Nai, Tây Ninh, Trà Vinh, Bình Dương, Hậu Giang, Bà Rịa Vũng Tàu, Tiền Giang, Thanh Hoá.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ Y tế đã rất tích cực để tiếp cận các nguồn vắc xin COVID-19 nhằm đưa vắc xin về Việt Nam nhanh nhất, sớm nhất và nhiều nhất có thể để tiêm cho người dân. Trong thời gian vừa qua, Bộ Y tế đã tiến hành phân bổ cho các Viện và địa phương khoảng trên 18 triệu liều để triển khai tiêm chủng. Tuy nhiên, báo cáo tổng hợp, đánh giá của cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo tiêm chủng quốc gia cho thấy có tình trạng tại một số địa phương tiến độ tiêm chủng vắc xin chậm so với số lượng vắc xin được phân bổ.
Thông báo tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ về việc tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, yêu cầu tất cả các địa phương, đơn vị phải đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin để chúng ta từng bước đảm bảo miễn dịch cộng đồng.
Tất cả các đơn vị tiêm vắc xin với tỷ lệ thấp so với số vắc xin được phân bổ, Bộ Y tế sẽ thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết, theo dõi và giám sát.
Thủ tướng chỉ đạo việc tiêm vắc xin bằng các nguồn khác nhau. Hiện Việt Nam đang tổ chức tiêm chủng vắc xin miễn phí, do đó tuyệt đối không được thu bất kỳ chi phí nào liên quan đến tiêm vắc xin. Kể cả các tổ chức, cá nhân tự nguyện ủng hộ thì các đơn vị tổ chức tiêm vắc xin cũng không được tiếp nhận.
Thủ tướng giao Bộ Y tế rà soát, đánh giá những địa phương, đơn vị nào tổ chức tiêm vắc xin với tỷ lệ thấp thì Bộ Y tế chủ động điều chuyển số vắc xin đó về các đơn vị, địa phương khác có tỷ lệ tiêm cao, tốc độ tiêm nhanh. Thủ tướng chỉ đạo không trông chờ, lựa chọn vắc xin mà vắc xin về đợt nào thì triển khai tiêm đợt đó.
“Gần đây nhất tại các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng cho rằng, việc tổ chức tiêm chủng vắc xin không để phát sinh cơ chế xin - cho, nghiêm cấm tiêu cực trong tổ chức tiêm vắc xin. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, chính quyền các cấp phải chịu trách nhiệm chính về công tác phòng, chống dịch trong đó có tiêm vắc xin COVID-19”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói và nhấn mạnh, chúng ta đẩy nhanh, đẩy mạnh tiến độ tiêm chủng vắc xin nhưng phải tuân thủ đảm bảo an toàn trong tiêm chủng.
>>> Mời độc giả xem thêm video Y bác sĩ Đà Nẵng kiệt sức giữa tâm dịch Covid-19:
Nguồn: Truyền hình Đồng Tháp.