Bác sĩ Bình Thuận không khai báo y tế, làm lây nhiễm COVID-19: “Cần truy cứu TNHS“

Google News

Luật sư cho rằng, nếu hành vi vi phạm quy định về khai báo y tế của bác sĩ B. dẫn đến lây lan dịch bệnh ra cộng đồng, sẽ hủy bỏ quyết định xử lý hành chính để khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can theo quy định tại điều 240 BLHS năm 2015.

Mới đây, UBND huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Q.T.B., bác sĩ khoa Sản của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận (trú tại huyện Tuy Phong) với mức phạt 15 triệu đồng do bác sĩ này không thực hiện khai báo y tế theo quy định.
Báo cáo của Công an huyện Tuy Phong cho thấy, ngày 13/6, bác sĩ Q.T.B. từ huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai về xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận nhưng không khai báo y tế. Sau đó đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận nhận nhiệm vụ công tác và đi lại rất nhiều lần giữa TP.Phan Thiết và Tuy Phong. Ngày 23/6, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận xét nghiệm ngẫu nhiên các khoa, phòng và phát hiện bác sĩ B. dương tính với SARS-CoV-2. Hành vi trên của bác sĩ B. khiến tỉnh Bình Thuận phát sinh dịch COVID-19 với nhiều ca lây nhiễm.
Bac si Binh Thuan khong khai bao y te, lam lay nhiem COVID-19: “Can truy cuu TNHS“
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận. Ảnh: CAND 
Dư luận đặt câu hỏi: Với hành vi không khai báo y tế, làm lây lan dịch COVID-19, bác sĩ B. ngoài bị xử phạt hành chính, liệu có truy trách nhiệm hình sự?
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, về nguyên tắc áp dụng pháp luật, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt nghề nghiệp, dân tộc, thành phần tôn giáo, địa vị xã hội. Do đó, mọi hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong sự việc trên, bác sĩ B. không tuân thủ quy định về phòng chống dịch bệnh tại thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 240 bộ luật hình sự năm 2015.
Tuy nhiên, theo nguyên tắc, mỗi hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý một lần. Nếu hành vi vi phạm pháp luật chưa đến mức nghiêm trọng, chưa được xác định là nguy hiểm cho xã hội, hành vi chưa được quy định là tội phạm hoặc chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị xử phạt hành chính.
Trường hợp có hành vi vi phạm mà tùy vào tính chất mức độ khác nhau, có trường hợp có thể xử phạt hành chính, có trường hợp sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự, cơ quan chức năng chỉ được lựa chọn một trong hai tài là hành chính hoặc hình sự theo nguyên tắc một hành vi vi phạm pháp luật chỉ bị xử lý một lần.
Luật sư Cường phân tích, trong vụ việc nêu trên, hành vi vi phạm của bác sĩ B. là không khai báo y tế theo quy định. Đây là hành vi đã bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính nên nếu hành vi này đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ phải hủy bỏ quyết định xử phạt hành chính để tiến hành xử lý hình sự.
Vị luật sư cho rằng, cơ quan chức năng sẽ làm rõ quy định của pháp luật cũng như các quy định nội bộ của chính quyền địa phương về các trường hợp phải điều kiện khai báo y tế như thế nào.
Ví dụ theo quy định của Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, những người đến từ vùng dịch, những người đi qua vùng dịch, những người tiếp xúc với nguồn lây bệnh phải có trách nhiệm khai báo y tế, thực hiện các biện pháp cách ly y tế theo quy định của pháp luật.
Căn cứ vào Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch bệnh COVID-19, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản quy định cụ thể về các trường hợp nào bắt buộc phải khai báo y tế, trường hợp nào tự nguyện khai báo y tế. Căn cứ vào các quy định pháp luật trên, cơ quan chức năng sẽ xác định hành vi của bác sĩ này là có vi phạm hay không, nếu vi phạm thì vi phạm vào quy định trong văn bản pháp luật nào.
Trên cơ sở hành vi vi phạm như vậy, cơ quan chức năng sẽ xác định hậu quả xảy ra của hành vi đối với xã hội để áp dụng chế tài hành chính hoặc hình sự.
Hành vi vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh mà chưa làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng, chưa làm phát sinh chi phí chống dịch từ 100.000.000 đồng trở lên sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại điều 12, Nghị định 117/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế và hướng dẫn tại công văn số 45 của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao.
Bởi vậy, theo luật sư Cường, trong vụ việc này cơ quan chức năng sẽ làm rõ hành vi vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh của vị bác sĩ này là hành vi nào, nếu là hành vi vi phạm quy định về khai báo y tế dẫn đến làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng sẽ hủy bỏ quyết định xử lý hành chính để khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can theo quy định tại điều 240 BLHS năm 2015 và hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán tòa án nhân dân tối cao.
Cụ thể: “Người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh COVID-19 đã được thông báo cách ly thực hiện một trong các hành vi sau đây gây lây truyền dịch bệnh COVID-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 và bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người:
a) Trốn khỏi nơi cách ly;
b) Không tuân thủ quy định về cách ly;
c) Từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly;
d) Không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối.”
“Căn cứ vào quy định pháp luật nêu trên, cơ quan chức năng sẽ làm rõ hành vi của bác sĩ B. có thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm hay không. Nếu thỏa mãn hướng dẫn theo văn bản của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao nêu trên sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 240 BLHS năm 2015”, luật sư Cường nêu ý kiến.
 >>> Mời độc giả xem thêm video Y bác sĩ Đà Nẵng kiệt sức giữa tâm dịch Covid-19:

Nguồn: THĐT

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)