Lam lũ kiếm sống
Từ sáng tinh mơ, những trẻ em vùng cao đen nhẻm với đôi chân trần sớm chai sạn vì đất đá, đầu không mũ nón đã theo chân bố mẹ lên nương rẫy hoặc rủ nhau đi chăn trâu, lên rừng đào măng, lấy củi. Đến trưa, các em tụ tập dưới gốc cây, tảng đá chia nhau miếng cơm nắm, ngụm nước cháo. Tối mịt lại lục tục kéo nhau về bản... Đó là những hình ảnh chúng tôi ghi được tại xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu).
Sáng 31/7, dưới cái nắng chói chang, chúng tôi trò chuyện với em Giàng A Trình (12 tuổi) ở bản Nậm Vản khi em vừa đi nương về. Đặt bó củi to hơn người xuống ven đường, Trình hồn nhiên kể: “Hè nào em cũng phải phụ giúp bố mẹ, hôm thì bẻ ngô, gặt lúa, hôm thì đào măng, lấy củi trong rừng đến tối mịt mới về”. Theo Trình, các bạn cùng trang lứa với em nghỉ hè đều phải lao động như vậy, em cũng chưa bao giờ có dịp tham gia các hoạt vui chơi do các tổ chức, đoàn thể địa phương tổ chức.
|
Trẻ em thôn Khe Vằn, xã Húc Động, huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) tắm suối tại thác Khe Vằn. Ảnh: La Lành |
Với nhiều trẻ em nông thôn, mùa hè là mấy anh chị em ở nhà tự trông nom nhau hoặc đi làm nương, có em phải theo bố mẹ vượt biên sang Trung Quốc làm thuê... Theo thống kê của Công an xã Quảng Nham (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa), tính từ đầu năm 2016 đến nay, đã có hơn 400 lao động trên địa bàn xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc, họ đi còn kéo theo cả trẻ em vào vòng xoáy mưu sinh nơi xứ người.
Chỉ riêng năm 2015, Trường THCS Quảng Nham đã có hàng chục học sinh bỏ học sang Trung Quốc kiếm sống. Trong danh sách năm nay, cũng có hàng chục cái tên ở độ tuổi trăng tròn như Trần Văn Luận (SN 2002), Nguyễn Thị Thơm (SN 2001), Đinh Văn Ngọc (SN 2001), Trần Văn Quý (SN 2000), Lê Thị Trang (SN 2001)...
“Ở quê em, 14 - 15 tuổi đã đi biển nhưng thu nhập bấp bênh, vừa cực nhọc vừa phải lênh đênh trên biển nên bọn em theo người ta đi sang Trung Quốc làm ăn. Sang đó cũng chẳng khá hơn, làm được vài ngày lại bị công an đuổi, chủ quỵt lương...”- em Trần Văn Quý (thôn Trung, xã Quảng Nham) cho hay.
Tai nạn chực chờ
Sớm phải lăn lộn với nương rẫy, việc nhà nên hầu hết trẻ em vùng cao không hề biết đến đồ chơi hay những hoạt động bổ ích trong dịp hè như bạn bè đồng lứa ở thành phố như học đàn, học vẽ, múa hát, học võ... Thay vào đó, các em tự tìm niềm vui trong những trò chơi dân dã như đánh trận giả, leo cây hái quả, lội suối mò cua bắt cá, tắm sông. Cũng vì thế, những hiểm nguy luôn chực chờ…
Với em Lò Văn Bằng - học sinh lớp 8, Trường THCS bán trú xã Cổ Linh, huyện Pắc Nặm (Bắc Kạn), kỳ nghỉ hè là chuỗi ngày dài chăn trâu, lấy củi, phụ giúp bố mẹ làm nương rẫy.
Nhiều cây xoan cao chót vót đã trở thành điểm vui chơi của em và các bạn trong những lần thả trâu trên đồi. Còn em Tẩn Ngải Sơn (11 tuổi) ở bản Nậm Núc, xã Phăng Sô Lin, huyện Sìn Hồ (Lai Châu), từ sáng sớm Sơn đã phải đi làm nương hoặc lên rừng kiếm củi, đào sắn, tìm hoa chuối rừng… Hè năm 2014, Sơn đã bị ngã gãy chân khi đang gùi củi nặng.
Anh Tẩn Ngải Phù - bố của Sơn, cho biết: “Vẫn biết mùa hè là lúc các con được nghỉ ngơi, vui chơi, nhưng thiếu người làm nên vẫn phải bảo con phụ giúp bố mẹ. Hơn nữa có muốn cho con vui chơi cũng không biết chỗ nào. Nếu để ở nhà sợ con cùng chúng bạn rủ nhau tắm suối, tắm sông còn nguy hiểm hơn...”.
Không chỉ trèo leo ngã đau, gãy chân tay, ngộ độc, tai nạn giao thông mà tai nạn đuối nước đang trở thành nỗi ám ảnh đối với trẻ em và phụ huynh ở vùng cao, vùng sâu vùng xa trong những ngày hè.
Theo số liệu tổng hợp của Phòng LĐTBXH huyện Buôn Đôn (Đăk Lăk), từ năm 2011 đến 2015, toàn huyện có 236 trẻ em bị tai nạn thương tích, làm chết 18 em; từ đầu năm 2016 đến nay đã có 3 trẻ tử vong do tai nạn này.
Nhiều vụ tai nạn đã gây nên những hậu quả đau lòng cho các gia đình. Như gia đình chị H’Baer Êban (buôn Knia 4, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) có 3 người con thì 2 đứa tử vong do đuối nước.
|
Trèo cây - thú chơi tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm đối với trẻ em. Ảnh: Ngọc Doanh. |
Trong đó, con đầu là Y Thoang Êban chết đuối năm 2006 khi mới 6 tuổi, con thứ hai là Y Ruyên Êban (SN 2007) mới bị đuối nước vào ngày 11.6 vừa qua, khi cùng bạn đi tắm hồ ở buôn Knia 1.
Theo lời của nhiều phụ huynh có con bị nạn, vì hoàn cảnh khó khăn nên hằng ngày bố mẹ phải lo việc mưu sinh và để các con ở nhà tự chơi với nhau mà không có ai trông coi, quản lý.
Thực tế, trong 2 tháng hè vừa qua trên cả nước đã có rất nhiều vụ trẻ em đuối nước thương tâm, trong đó phần lớn xảy ra tại các địa bàn miền núi, vùng sâu vùng xa...