Sáng 14/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ có cuộc tiếp xúc với cử tri doanh nghiệp và lực lượng công nhân lao động trên địa bàn trước kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ có cuộc tiếp xúc với cử tri. |
Tại Hội nghị tiếp xúc cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội Cần Thơ đã báo cáo nội dung về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV và việc triển khai thực hiện một số chính sách, pháp luật liên quan đến doanh nghiệp và lực lượng công nhân lao động trên địa bàn thành phố thời gian qua; tiếp thu, ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của cử tri để tổng hợp, báo cáo phản ánh đến cơ quan chức năng những ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết theo quy định.
Cử tri ghi nhận, đánh giá cao Đảng, Nhà nước đã có nhiều chỉ đạo, giải pháp kịp thời, hiệu quả, giúp kinh tế đất nước giữ được sự ổn định, tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều bất ổn. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành những quyết sách quan trọng nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân, người lao động, thể hiện sự năng động, dám nghĩ, dám làm.
Các cử tri là công nhân lao động đã nêu các đề xuất, kiến nghị liên quan tới lương công nhân, đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa cho công nhân; chính sách nhà ở, nhà trọ cho công nhân, xây dựng nhà giữ trẻ ở khu công nghiệp; các biện pháp ngăn chặn, xử lý "tín dụng đen", lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng viễn thông; bảo vệ quyền lợi người lao động khi sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH một lần, đóng bảo hiểm và tuổi hưu), xử lý tình trạng doanh nghiệp nợ BHXH.
Cử tri là lãnh đạo doanh nghiệp quan tâm vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc tiếp cận, mở rộng và tìm kiếm thị trường đầu ra; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực; đề nghị sớm đầu tư hoàn thiện luồng Định An - Sông Hậu, tuyến đường sắt cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ để giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong việc kết nối, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh và cung ứng hàng hóa ra thị trường.
Sau khi đại diện các cơ quan Trung ương (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) và lãnh đạo thành phố Cần Thơ trả lời, giải trình, tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát biểu, giải đáp và tiếp thu ý kiến cử tri.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời ý kiến cử tri. |
Thủ tướng nêu rõ kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV có khối lượng công việc nặng nề, nội dung quan trọng, được chuẩn bị kỹ lưỡng, trong đó có việc tiếp xúc, lắng nghe ý kiến cử tri. Tại cuộc tiếp xúc này, các cử tri rất quan tâm tới tình hình kinh tế - xã hội, các vấn đề an ninh, an toàn, an dân, việc làm và sinh kế, nâng cao đời sống vật chất tinh thần, bảo hiểm- tiền lương, các chế độ, chính sách với công nhân, lao động… Đây là những vấn đề trúng, đúng, sát với thực tiễn và nội dung trả lời của các cơ quan thẳng thắn, cơ bản đáp ứng yêu cầu của cử tri.
Thủ tướng cho biết ngay sau kỳ họp thứ 4 của Quốc hội, các cơ quan liên quan đã tập trung giải quyết các vấn đề được cử tri quan tâm, kiến nghị; đồng thời triển khai các chính sách, nhiệm vụ, giải pháp được quyết nghị, thông qua tại kỳ họp, như thúc đẩy công tác quy hoạch, thi hành Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi).
Thủ tướng đánh giá tình hình thời gian qua đã tiếp tục khẳng định nhận định "tình hình có khó khăn, thách thức và cơ hội, thuận lợi đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi", đặc biệt là do tác động, hậu quả kéo dài của COVID-19 và tình hình thế giới tiếp tục biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Tới đầu tháng 5 vừa qua, Tổ chức Y tế thế giới mới chính thức tuyên bố đại dịch COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu.
Tuy nhiên, với tinh thần "Non cao cũng có đường trèo/Đường dù hiểm nghèo vẫn có lối đi", "càng áp lực lại càng nỗ lực", dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự đồng hành, giám sát của Quốc hội, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ của người dân và doanh nghiệp, sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế, chúng ta đã vượt qua được đại dịch COVID-19, thực hiện thành công chiến lược vaccine, trở thành một trong những nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ bao phủ vaccine, chuyển hướng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, sớm mở cửa trở lại, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Năm 2022, Việt Nam tăng trưởng 8,02% - là một điểm sáng trong khu vực và thế giới. Những tháng đầu năm 2023, chúng ta tiếp tục đạt được mục tiêu tổng quát về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định và cải thiện đời sống nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Nhìn rộng hơn, trải qua nhiều năm chiến tranh và cấm vận, sau hơn 35 năm đổi mới, chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Đến nay, quy mô kinh tế Việt Nam đạt 409 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt 4.110 USD.
Bên cạnh đó, chúng ta còn nhiều khó khăn, thách thức do tác động từ bên ngoài và các vấn đề nội tại của nền kinh tế tích tụ trong thời gian dài được bộc lộ trong lúc khó khăn, trong khi Việt Nam vẫn là một nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô kinh tế còn nhỏ nhưng độ mở lớn, một tác động nhỏ bên ngoài cũng có thể ảnh hưởng lớn tới bên trong.
Cụ thể, các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam thu hẹp; thị trường trái phiếu, bất động sản tiếp tục khó khăn và còn các vấn đề cần tiếp tục xử lý; tình hình sản xuất, kinh doanh, lao động, việc làm của người dân, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, vướng mắc mắc cần tiếp tục tháo gỡ, trong đó có việc tiếp cận vốn; xuất hiện tình trạng sợ trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức; thủ tục hành chính còn nhiều rườm rà; việc phân cấp, phân quyền cần đẩy mạnh hơn nữa; việc ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số cần tích cực hơn…
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu "vướng mắc phải tháo gỡ, thách thức phải vượt qua" và kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định và cải thiện đời sống nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Thủ tướng nêu rõ 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đang được triển khai và tiếp tục đẩy mạnh thời gian tới.
Theo đó, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách; đồng thời tiếp tục khắc phục hậu quả đại dịch COVID-19, phục hồi nhanh và phát triển bền vững; đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, nhất là thị trường ngách, thị trường Trung Đông, các nước sử dụng thực phẩm Halal, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân.
|
Thủ tướng thăm và tặng quà động viên các công nhân. |
Cùng với, đó, tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng), tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua các biện pháp gia hạn, miễn giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất và gia hạn nợ, khoanh nợ, giảm lãi suất; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Thủ tướng một lần nữa lưu ý, cần tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả, chính sách tài khoá mở rộng, có trọng tâm, trọng điểm, linh hoạt, hiệu quả.
Về đầu tư, Thủ tướng khẳng định sẽ giải ngân đầu tư công mạnh mẽ hơn, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực của xã hội; có cơ chế, chính sách tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Về nhiệm vụ đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược (hoàn thiện thể chế, đào tạo nhân lực, xây dựng hạ tầng chiến lược), Thủ tướng cho biết, trong nhiệm kỳ này đã bố trí khoảng 400.000 tỷ đồng cho hạ tầng giao thông và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSC) được ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư các tuyến cao tốc. Các cơ quan cũng đã báo cáo cấp có thẩm quyền và đang triển khai chuẩn bị việc xây dựng đường sắt tốc độ cao và ĐBSCL cũng sẽ được ưu tiên.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh cần chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, đẩy mạnh triển khai chương trình xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, xây dựng đồng bộ các thiết chế về văn hóa, hạ tầng y tế, giáo dục…
Cùng với đó, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh; triển khai có hiệu quả Chỉ thị 15 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030. Đẩy mạnh hơn nữa công tác quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh.
Đồng thời, tăng cường công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, ai vi phạm pháp luật, tham ô, tham nhũng, gây thiệt hại cho nền kinh tế thì phải xử lý, đồng thời không hình sự các quan hệ kinh tế, khuyến khích và bảo vệ những người làm đúng; lấy phòng ngừa là cơ bản, quy định, chiến lược, lâu dài, chống là thường xuyên, đột phá, có trọng tâm, trọng điểm.
Xây dựng bộ máy tinh gọn hiệu lực, hiệu quả, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phẩm chất, uy tín, đáp ứng yêu cầu; nâng cao trách nhiệm và có các biện pháp tạo môi trường, hành lang pháp lý an toàn cho cán bộ làm việc; động viên, khuyến khích dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì công việc chung.
Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục tổng hợp, giải trình, tiếp thu và giải quyết những đề xuất, kiến nghị của cử tri, nội dung thuộc thẩm quyền của cấp, ngành nào thì cấp, ngành ấy phải giải quyết và phải giải quyết thấu đáo.
Đối với những kiến nghị, đề xuất vượt thẩm quyền, UBND thành phố Cần Thơ tổng hợp, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành giải quyết theo quy định. Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ tổng hợp, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng cảm ơn sự đồng hành của các cấp chính quyền để Chính phủ, các bộ ngành thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Chính phủ sẽ tiếp tục đề xuất với Quốc hội tháo gỡ các vấn đề, khó khăn, vướng mắc, tất cả vì mục tiêu thực hiện nhiệm vụ được giao; tin tưởng kỳ họp tới sẽ thành công, đem lại hiệu quả thiết thực cho người dân, doanh nghiệp.
Cũng tại cuộc tiếp xúc cử tri, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu Quốc hội Cần Thơ đã trao quà, động viên 300 công đoàn viên và công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn.
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV dự kiến diễn ra từ 22/5-23/6, tiếp tục thực hiện 3 chức năng quan trọng về lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao. Theo chương trình, Quốc hội dự kiến xem xét cho ý kiến, thông qua đối với gần 20 dự án luật; quyết định những vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội, cơ chế chính sách; quyết định vấn đề nhân sự và nhiều nội dung quan trọng khác.