Sáng 14/5, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phối hợp với Ban ATGT TP Hà Nội tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Tuần lễ An toàn giao thông đường bộ toàn cầu lần thứ 7 tại nhà ga Cát Linh.
|
Lễ phát động hưởng ứng Tuần lễ An toàn giao thông đường bộ toàn cầu lần thứ 7 tại nhà ga Cát Linh. |
Phát biểu tại buổi lễ, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia cho biết, trước năm 2012, mỗi ngày có khoảng 30 người chết vì TNGT nhưng đến năm 2022, báo cáo từ Bộ Công an cho thấy mỗi ngày chỉ còn 17 người chết vì TNGT, giảm gần 50% so với 10 năm trước.
Kết quả này đạt được nhờ sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia, sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương.
Tuy nhiên, thiệt hại do TNGT vẫn còn rất lớn, không chỉ về mặt con người mà còn gây thiệt hại lớn đối với sự phát triển đất nước.
“Ở Việt Nam và một số quốc gia châu Á, đông đảo người dân hình thành thói quen đi lại bằng xe máy và dần chuyển sang ô tô khi thu nhập gia tăng. Bên cạnh những lợi ích như linh hoạt, tiện lợi thì việc tham gia giao thông bằng phương tiện cơ giới cá nhân tiềm ẩn rủi ro gặp TNGT cao và là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, nhất là trong các đô thị”, ông Khuất Việt Hùng nói và cho biết: Uỷ ban ATGT Quốc gia đồng thuận và tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ An toàn giao thông đường bộ toàn cầu lần thứ 7 do Liên hợp quốc phát động, kêu gọi các cấp, các ngành và đông đảo nhân dân thay đổi tư duy về giao thông, từng bước chuyển từ đi lại bằng phương tiện cơ giới cá nhân sang đi lại bằng xe đạp, xe điện, phương tiện vận tải công cộng, gắn với đi bộ để giúp cho giao thông xanh hơn, sạch hơn và đặc biệt là ngày càng an toàn hơn.
Theo đó, vận động Ban ATGT các địa phương trọng tâm tuyên tuyền từ ngày 10 – 28/5, khuyến khích người dân thay đổi thói quen tham gia giao thông bằng phương tiện cá nhân đường bộ sang phương tiện công cộng với các thông điệp, khẩu hiệu tuyên truyền như: “Tham gia giao thông Xanh-Sạch-An toàn”, Đường phố dành cho cuộc sống; Đạp xe – Mạnh khoẻ- Vui vẻ - An toàn; Đi xe điện – Thân thiện môi trường; Đi xe buýt – Ít nguy cơ; Đã uống rượu bia – Không lái xe; Giảm tốc độ - Nhường người đi bộ.
Song song với đó, đề nghị các Bộ, ngành, các địa phương, cơ quan, trường học tổ chức các sự kiện riêng để hưởng ứng Tuần lễ ATGT đường bộ toàn cầu.
Lực lượng công an từ Trung ương đến địa phương tiếp tục tuyên truyền vận động và giáo dục pháp luật về chủ đề tuân thủ quy định về tốc độ và các quy tắc giao thông, đồng thời, tăng cường tuần tra kiểm soát xử lý nghiêm các hành vi vi phạm giao thông như: chạy quá tốc độ, nồng độ cồn, lấn chiếm phần đường của người đi bộ, xe thô sơ, đi xe trên vỉa hè,… góp phần lan tỏa và củng cố hiệu quả của chiến dịch.
Đối với ngành GTVT, bên cạnh công tác tuyên truyền, Uỷ ban ATGT Quốc gia cũng đề nghị tăng cường rà soát, chỉnh trang điều kiện an toàn về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đặc biệt là hệ thống dải phân cách, làn đường, báo hiệu dành cho xe thô sơ, xe đạp, người đi bộ; Sắp xếp lại vỉa hè, lề đường ưu tiên cho giao thông của người đi bộ, bố trí trạm dừng đón/trả khách cho xe buýt.
Các đơn vị tăng cường kết nối các loại hình vận tải công cộng; Bố trí khu vực trông giữ xe cá nhân, điểm đón khách cho xe taxi, xe máy chở khách (xe ôm) gần các nhà ga, trạm dừng xe buýt; Tăng tần suất, nâng cao chất lượng xe buýt nội tỉnh, nội vùng và xe khách tuyến cố định, liên tỉnh.
|
Ông Khuất Việt Hùng. |
Tại Lễ phát động, bà Dr Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho biết: Thật đáng buồn, hàng năm trên khắp thế giới, kể cả ở Việt Nam, vẫn còn nhiều người thiệt mạng vì TNGT. Nhưng mọi việc không nhất thiết theo cách này. Với sự hợp tác giữa nhiều lĩnh vực, bao gồm giao thông, công an, y tế và giáo dục, chúng ta có thể làm nhiều hơn nữa để làm cho các con đường trở nên an toàn hơn.
Chúc mừng những kết quả Việt Nam đã đạt được trong công tác bảo đảm TTATGT thời gian qua, bà Dr Angela Pratt khuyến khích Việt Nam nỗ lực hơn nữa trong 5 lĩnh vực ưu tiên: Thiết bị an toàn trên xe ô tô cho trẻ em và dây an toàn; Giới hạn tốc độ thấp hơn xung quanh các trường học; Quy định đội mũ bảo hiểm và tiêu chuẩn mũ bảo hiểm, đặc biệt là cho trẻ em; Thực thi các chính sách cấm uống rượu bia khi lái xe; Tiếp tục đầu tư nâng cao mức độ an toàn của cơ sở hạ tầng đường bộ mới và hiện có.
“WHO tự hào được làm việc với Uỷ ban ATGT Quốc gia, Bộ Y tế, các bộ ngành, các đối tác khác và tin rằng với cơ sở hạ tầng, luật pháp và văn hóa an toàn đường bộ phù hợp, chúng ta có thể cùng nhau bảo vệ và cứu sống nhiều người hơn”, bà Dr Angela Pratt nhấn mạnh.
Ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Hà Nội Metro cũng chia sẻ tại sự kiện, bên cạnh sự phát triển đô thị hoá đó là sức ép mà nó mang lại đối với hạ tầng giao thông. Hiện nay, ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng luôn được coi là giải pháp căn cơ để giải quyết ùn tắc do phát triển đô thị mang lại.
Nhấn mạnh tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông đã trải qua 544 ngày vận hành an toàn, được người dân ghi nhận là phương tiện xanh, sạch, đẹp với 3 vạn người sử dụng mỗi ngày, trong đó, có 70% lượng người sử dụng vé tháng trong ngày thường và trong ngày cao điểm con số này là 85%, đã chứng minh được việc người dân ngày càng ưu tiên sử dụng đường sắt đô thị tham gia giao thông.
Từ đó góp phần giảm ùn tắc giao thông đường bộ, giảm phát khí thải và giảm thiểu TNGT, nhất là trong bối cảnh người dân sử dụng xe máy tham gia giao thông chủ yếu hiện nay.
Từ đó, ông Trường kêu gọi toàn thể cán bộ, công nhân viên của Hà Nội Metro và hành khách đã, đang và sẽ sử dụng đường sắt đô thị nói riêng cũng như phương tiện vận tải công cộng nói chung hãy tích cực hưởng ứng các hoạt động của “Tuần lễ an toàn giao thông đường bộ toàn cầu” tại Việt Nam năm 2023.
“Hãy thay đổi từ nhận thức và có những hành động cụ thể trong tham gia giao thông và lựa chọn phương tiện đi lại hàng ngày, cùng chung tay để giao thông thủ đô ngày càng xanh, sạch và an toàn”, ông Trường nói.
Tại Lễ phát động, Ủy ban ATGT Quốc gia cũng khởi động chiến dịch tuyên truyền tuân thủ tốc độ quy định thông qua việc giới thiệu tài liệu tuyên truyền “Hãy tuân thủ tốc độ quy định” với sự đồng hành của Ban ATGT Thành phố Hồ Chí Minh, Tổ chức Y tế cộng đồng toàn cầu Vital Strategies. Chiến dịch nhằm thúc đẩy nhận thức và hành vi của lái xe trên toàn quốc về làm chủ tốc độ phương tiện theo quy định khi tham gia giao thông, cảnh báo về nguy cơ gặp phải va chạm giao thông cũng như hậu quả nghiêm trọng do không tuân thủ tốc độ quy định: “Lái xe quá quy định tốc độ càng cao thì nguy cơ xảy ra va chạm càng tăng và hậu quả va chạm giao thông càng nghiêm trọng”.