Thủ tướng: Phải đảm bảo cân đối về điện, năng lượng, không để khủng hoảng

Google News

Thủ tướng nhấn mạnh, mục tiêu phải bảo đảm cân đối lớn về điện và năng lượng một cách bền vững, không để khủng hoảng về năng lượng…

Sáng 3/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp về tình hình cung ứng điện, cấp than, khí cho sản xuất điện, bảo đảm cân đối lớn về năng lượng trong năm 2022 và các năm tiếp theo.
Mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, điện năng là 1 trong 5 cân đối lớn mà chúng ta phải bảo đảm để phục hồi nhanh và phát triển kinh tế-xã hội bền vững. Ngày 24/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1813 về việc dự báo nhu cầu điện, sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả; bảo đảm cung ứng điện năm 2022 và các năm tiếp theo.
Tuy nhiên, sau 3 tháng thực hiện Công điện, những vấn đề mà Thủ tướng yêu cầu vẫn chưa được các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện quyết liệt để có hiệu quả cao. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan kiểm điểm trách nhiệm trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao, trách nhiệm đối với đất nước, đối với nhân dân, vì mục tiêu chung.
Thu tuong: Phai dam bao can doi ve dien, nang luong, khong de khung hoang
Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận cuộc họp. Ảnh: VGP 
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo liên quan đến vấn đề năng lượng nói chung và điện năng nói riêng, nhằm đảm bảo mục tiêu cân đối được nguồn điện, năng lượng, không để xảy ra mất cân đối lớn này, với giá cả hợp lý không làm tăng chi phí sản xuất, sinh hoạt của người dân, doanh nghiệp.
Trong năm 2021 và quý 1/2022 cân đối về điện được đảm bảo, đáp ứng được nhu cầu sản xuất, sinh hoạt; không xảy ra thiếu điện trên tổng thể, song xảy ra cục bộ, tại một số thời điểm nhất định. Mối quan hệ giữa giá nguyên liệu đầu vào và giá điện đầu ra còn thiếu hợp lý.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, nguyên nhân của hạn chế trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó khách quan là do dịch COVID-19, giá đầu vào sản xuất điện tăng; xung đột tại Ukraine ảnh hưởng đến cung ứng nguyên, nhiên liệu; việc đẩy mạnh phục hồi kinh tế dẫn đến nhu cầu điện tăng cao. Về mặt chủ quan, công tác điều hành, phối hợp giữa các bộ, ngành, đơn vị, doanh nghiệp chưa chặt chẽ, vẫn có tư duy cục bộ, cát cứ trong phạm vi ngành, lĩnh vực của mình; công tác nắm bắt, dự báo tình hình, dự báo nhu cầu chưa sát thực tế và chưa điều chỉnh kịp thời khi tình hình có thay đổi, nhất là sản lượng, giá điện, than, khí…
Thủ tướng nêu rõ để thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 từ 6 đến 6,5% theo Nghị quyết của Quốc hội, trong bối cảnh Việt Nam chịu tác động từ tình hình phức tạp bên ngoài, việc bảo đảm cân đối lớn về năng lượng là hết sức quan trọng. Các cơ quan, chủ thể liên quan phải bám sát, dự báo tốt tình hình, đưa ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, khả thi, hiệu quả theo chức năng, nhiêm vụ, quyền hạn, sứ mệnh được giao.
Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu là phải bảo đảm cân đối lớn về điện và năng lượng một cách bền vững, không để khủng hoảng về năng lượng, đáp ứng yêu cầu sản xuất và tiêu dùng, đồng thời bảo đảm giá hợp lý, kiểm soát giá phù hợp, không gây tác động tiêu cực tới lạm phát và các cân đối lớn về xuất nhập khẩu, thu chi ngân sách...
Nhận định, thời gian tới, do tác động phức tạp từ bên ngoài và nhu cầu nội tại của nền kinh tế nên việc đảm bảo cân đối lớn về điện hết sức quan trọng, Thủ tướng đề nghị các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan cần nâng cao tinh thần, trách nhiệm, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, bám sát tình hình, chủ động đưa ra các giải pháp đảm bảo cân đối về điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân, với giá thành phù hợp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tiếp tục phát huy tính tự chủ, tự lực, tự cường về điện, giảm phụ thuộc bên ngoài. Trước mắt, tập trung khai thác hết hiệu suất các nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất điện; tính toán nhập khẩu nguyên liệu hợp lý, không để mất cân đối; điều chuyển, bù đắp điện từ vùng thừa, sang vùng còn thiếu.
Về lâu dài phải hướng tới phát triển bền vững, tăng cường phát triển năng lượng tái tạo, phù hợp với xu thế của thế giới và điều kiện của Việt Nam; khai thác năng lượng bền vững, sản xuất điện bền vững; đẩy mạnh các giải pháp tiết kiệm điện hơn nữa; khuyến khích sản xuất điện trong nước; khuyến khích đổi mới sáng tạo, nâng cao năng xuất lao động để tạo ra sản phẩm điện với chi phí thấp, an toàn, hiệu quả; giải quyết tốt mối quan hệ giữa giá nguyên liệu đầu vào và giá điện đầu ra, đảm bảo nguyên tắc thị trường, song có sự điều tiết của nhà nước.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, đơn vị, doanh nghiệp tiếp tục bám sát tình hình thị trường để có điều tiết phù hợp; đồng thời tăng cường, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong sản xuất, cung ứng điện; phối hợp chặt chẽ với nhau để việc sản xuất, cung ứng điện được vận hành hiệu quả.
Tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách liên quan sản xuất điện, than, khí để đảm bảo an ninh năng lượng, với yêu cầu chính sách phải ổn định, kế hoạch phải dài hạn.
Thu tuong: Phai dam bao can doi ve dien, nang luong, khong de khung hoang-Hinh-2
 
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, các bộ, ngành, đơn vị, doanh nghiệp phải phát huy tinh thần trách nhiệm, tất cả vì công việc chung, vì nhân dân phục vụ, vì sự phát triển đất nước; đây mạnh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong các ngành sản xuất than, điện, dầu khí; chống cơ chế xin-cho, ban hành các giấy phép con; bảo đảm cân đối lớn về năng lượng điện, phục vụ phục hồi nhanh và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cơ bản nhất trí với một số đề xuất của các tập đoàn kinh tế trong sản xuất, cung ứng điện; đồng thời giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và các bộ, ngành liên quan xử lý theo thẩm quyền; những vấn đề vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng và cấp có thẩm quyền để xem xét.
Thiếu điện chủ yếu ở phía Bắc và vào thời điểm nắng nóng:
Báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong Quí I/2022, EVN đã đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế xã hội đất nước với nhu cầu điện tăng trưởng cao hơn kế hoạch.
Về vận hành hệ thống điện và huy động các nguồn điện, do các nguồn nhiệt điện than huy động thấp hơn kế hoạch 1,36 tỷ kWh, đồng thời do nhu cầu điện tăng cao hơn kế hoạch, nên các nguồn thủy điện và điện khí được huy động cao hơn kế hoạch lần lượt là 2,17 / 1,01 tỷ kWh.
EVN tính toán cung cầu điện đến năm 2025, khu vực miền Nam và miền Trung cơ bản đảm bảo cung ứng điện. Đối với miền Bắc, nhu cầu điện chiếm gần 50% toàn quốc và dự báo tốc độ tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước.
Tuy nhiên các nguồn điện mới dự kiến hoàn thành hàng năm trong giai đoạn 2022-2025 luôn thấp hơn so với tăng trưởng phụ tải nên việc đảm bảo cung cấp điện ngày càng khó khăn và có thể xảy ra tình trạng thiếu hụt công suất đỉnh từ vào các tháng 5-7 là thời điểm nắng nóng, đồng thời là cuối mùa khô nên công suất khả dụng các nhà máy thủy điện bị suy giảm. 
>>> Mời độc giả xem thêm video Điện lực Thừa Thiên - Huế lên tiếng việc 200 cột điện gãy, ngã:

Nguồn: THĐT

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)