Thủ tướng: Bỏ 1 đồng phòng dịch còn hơn khi chống dịch mất 10.000 đồng

Google News

Thủ tướng nhấn mạnh: “Bỏ ra 1 đồng để phòng dịch, còn hơn khi chống dịch mất 1.000 đồng, thậm chí 10.000 đồng, đây là bài học xương máu chúng ta đang tổng kết”.

Ngày 7/9, tại cuộc họp trực tuyến về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kết hợp kiểm tra nhanh lãnh đạo nhiều huyện, xã, phường, thị trấn về công tác phòng chống COVID-19 theo phương châm xã, phường, thị trấn là "pháo đài", người dân là "chiến sĩ".
Nhắc lại các nhiệm vụ cơ bản mà địa phương phải thực hiện theo các Công điện của Thủ tướng, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đang nỗ lực hết sức mình để có vaccine nhiều nhất, nhanh nhất tiêm cho nhân dân.
Trong lúc còn khan hiếm vaccine, chưa bao phủ được vaccine thì các biện pháp phòng ngừa vẫn là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, trong đó có biện pháp giãn cách xã hội, phải tăng cường tuyên truyền, vận động, kêu gọi để nhân dân chia sẻ, thông cảm, hưởng ứng, tích cực tham gia. Còn chống dịch là quan trọng, cần thiết, đột phá, phải tích cực, mạnh mẽ, quyết liệt.
"Bỏ ra 1 đồng để phòng dịch, còn hơn khi chống dịch mất 1.000 đồng, thậm chí 10.000 đồng, đây là bài học xương máu chúng ta đang tổng kết”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng yêu cầu huyện Kiên Lương (tỉnh Kiên Giang) rút kinh nghiệm ngay việc có sơ hở trong quản lý người đi lại khiến mầm bệnh xâm nhập, sau đó lại không triệt để, chặt chẽ, hiệu quả trong giãn cách xã hội, sau gần 2 tháng áp dụng Chỉ thị 16 mà chưa kiểm soát được dịch.
Thu tuong: Bo 1 dong phong dich con hon khi chong dich mat 10.000 dong
 Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). (Ảnh: Nhật Bắc)
Tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ ngành thủy sản đã trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn với sản lượng khoảng 9 triệu tấn, xuất khẩu đạt từ 8,5 đến 9 tỷ USD mỗi năm. Theo chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam, đến năm 2030, sản lượng thủy sản đạt 10 triệu tấn với kim ngạch xuất khẩu khoảng 14 đến 16 tỷ USD.
Sự hiện diện và hoạt động của ngư dân trên các vùng biển đã giải quyết việc làm, sinh kế cho khoảng 1 triệu ngư dân và 4 triệu người liên quan; góp phần phát triển ngành thủy sản, nâng cao đời sống nhân dân, phát triển kinh tế xã hội đất nước, góp phần quan trọng vào bảo vệ an ninh, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Bên cạnh những kết quả đạt được rất cơ bản, ngành khai thác, đánh bắt hải sản còn nhiều hạn chế, yếu kém, dẫn tới việc EC cảnh cáo thẻ vàng. Để gỡ “thẻ vàng” và không để bị “thẻ đỏ”, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt; Ban Chỉ đạo, các Ban, Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố ven biển trong thời gian qua đã rất tích cực trong công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành, triển khai các giải pháp chống khai thác IUU. Đại diện EC đã đi kiểm tra thực tế tại Việt Nam 2 lần vào các năm 2017, 2019; ghi nhận những nỗ lực tích cực của Việt Nam.
Tuy nhiên, sau gần 4 năm thực hiện các khuyến nghị của EC, chúng ta còn rất nhiều vấn đề chưa đạt yêu cầu; không những chưa gỡ được “thẻ vàng” mà còn có nguy cơ bị nâng lên “thẻ đỏ”. Tàu cá tiếp tục vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài – đây là vấn đề lớn, nghiêm trọng. Các tỉnh có tàu cá vi phạm đã được nêu rõ trong báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thủ tướng nêu rõ 10 tỉnh phải nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, xác định trách nhiệm.
Ngư dân chưa thực hiện nghiêm việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo Luật Thủy sản, đến nay mới đạt 27.628/30.609 tàu cá (90,26%); hơn nữa, còn tình trạng lắp đặt rồi thì lại ngắt kết nối khi đánh bắt. Công tác thực thi pháp luật, xử phạt vi phạm khai thác IUU chưa nghiêm; có địa phương thì xử phạt, có địa phương lại chỉ tuyên truyền, nhắc nhở. Công tác chứng nhận truy xuất nguồn gốc thủy sản chưa bảo đảm độ tin cậy cao.
Thủ tướng nêu rõ mục tiêu chậm nhất trong năm nay, tức là còn 4 tháng nữa, phải chấm dứt tình trạng vi phạm nói trên. Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia phải hoạt động mạnh mẽ, quyết liệt hơn, thường xuyên đôn đốc, kiểm điểm công việc, giám sát, kiểm tra. Các địa phương phải tổ chức quản lý, hướng dẫn ngư dân thực hiện nghiêm túc, hiệu quả đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về khai thác, đánh bắt thủy sản.
Theo Xuân Trường/VTC News

>> xem thêm

Bình luận(0)