Chiều 19/7, Bộ Tư pháp tổ chức họp báo thông tin về kết quả công tác 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ giải pháp chủ yếu công tác 6 tháng cuối năm 2022. Trả lời câu hỏi của phóng viên, ông Nguyễn Thắng Lợi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, cho biết, đề xuất “cho tội phạm tham nhũng nộp tiền thay cho trách nhiệm hình sự” mà Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí đưa ra tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng mới đây không phải quan điểm mới.
|
Ông Nguyễn Thắng Lợi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp.
|
Ông Lợi trích dẫn, Nghị quyết Trung ương 3 Khóa X cũng đã nêu rõ, chú trọng thu hồi tài sản tham nhũng; áp dụng chính sách khoan hồng đối với những người phạm tội nhưng có thái độ thành khẩn, đã bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả kinh tế, hợp tác tốt với cơ quan chức năng; nghiên cứu sửa đổi pháp luật hình sự theo hướng khoan hồng hơn đối với những người đưa hoặc người nhận hối lộ nhưng đã tự giác khai báo và nộp lại tài sản trước khi bị phát hiện; chú trọng tới các chế tài phạt tiền nhằm tăng khả năng thu hồi tài sản tham nhũng. Do đó, ông Lợi cho rằng, người phạm tội ăn năn, nộp lại tài sản thì khi xét xử được xem xét giảm hình phạt là cần thiết.
Theo lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự, nhiều quốc gia đã áp dụng việc này. Phía Tổng cục đã giao các đơn vị chuyên môn học tập kinh nghiệm quốc tế để vận dụng vào thực tiễn ở Việt Nam sao cho khoa học nhất…
|
Cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung được tòa phúc thẩm giảm từ 8 năm xuống 5 năm tù trong vụ án mua chế phẩm Redoxy-3C.
|
“Thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế luôn gặp rất nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất là các bản án tuyên số tiền phải thu hồi, thi hành rất lớn nhưng tài sản đảm bảo thực tế thi hành án thì rất ít. Có trường hợp có tài sản đảm bảo thi hành nhưng giá trị pháp lý, tính chất pháp lý của tài sản đó chưa được làm rõ nên gặp khó khăn. Có trường hợp án tuyên đưa ra một tài sản nhưng thông tin về tài sản đó không rõ”, ông Lợi chia sẻ.
Tại buổi họp báo, ông Lợi cung cấp thêm thông tin về kết quả thi hành án dân sự đối với hai phạm nhân Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương - những nhân vật chủ chốt trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ đồng qua game bài Rikvip/Tip.Club. Ông Lợi cho hay, theo bản án phúc thẩm, Nam phải nộp tổng cộng 1.445 tỷ đồng; phạm nhân này đã thi hành phần dân sự với số tiền 1.384 tỷ đồng.
Nguyễn Văn Dương (cựu Chủ tịch HĐTV Công ty CNC) lĩnh 10 năm tù về các tội “Tổ chức đánh bạc, Rửa tiền” và bị buộc phải thi hành án dân sự với số tiền 1.655 tỷ đồng. Tuy nhiên, lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự nói việc thi hành án “đang rất khó khăn”. Tài sản đảm bảo thi hành án của Dương không còn nhiều, nhưng nghĩa vụ thi hành án còn rất lớn.
Vừa qua, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung được tòa phúc thẩm giảm từ 8 năm xuống 5 năm tù (trong vụ án mua chế phẩm Redoxy-3C). Ông Chung nói đã nhận thức được trách nhiệm người đứng đầu thành phố khi xảy ra sai phạm; gia đình cũng thay ông Chung nộp tiền khắc phục hậu quả để hoàn thành trách nhiệm dân sự của cá nhân ông trong vụ án là 25 tỷ đồng.