Khoảng 9h50 sáng 20/12, trên đường từ TP Vinh (Nghệ An) về nhà, khi đi đến cầu Bến Thủy (qua sông Lam), Thiếu tá Võ Văn Tuấn (SN 1979, công tác tại trạm đo lường, xưởng 467, Cục Kỹ thuật Quân khu 4) bỗng nghe tiếng hét lớn: “Cứu, có người nhảy cầu”.
Anh vội phanh xe máy, cởi áo mưa rồi nhìn xuống sông nhưng không thấy người ở đâu. Nghĩ nạn nhân có thể bị trôi về phía hạ lưu nên anh Tuấn leo qua lan can, chạy sang bên kia cầu.
Khi vừa trèo sang, anh nghe thấy tiếng gọi: “Đây rồi, đây rồi”.
|
Thiếu tá Võ Văn Tuấn cứu người được người dân ghi lại hình ảnh |
|
Cô gái được cứu lên xe máy đi kiểm tra sức khoẻ |
“Nhìn cô gái đang chới với giữa dòng nước, tôi liền cởi áo khoác rồi lột một lúc 3 chiếc áo trong người ra. Lúc đó, trời mưa lạnh nên thành cầu rất trơn, buộc tôi phải trèo ra ngoài để có điểm tựa vững vàng rồi mới lao người xuống", anh Tuấn kể lại.
Sau khi nhảy xuống, anh Tuấn bơi đến, đưa tay trái ra để cô gái nắm vào đồng thời trấn an: “Cứ từ từ thôi em”. Nắm được tay nạn nhân, anh Tuấn dìu cô gái cùng bơi về phía bờ.
“Lúc nhảy xuống tôi không hề nghĩ đến mình. Khi ở dưới nước, thấy cô ấy vẫn tỉnh táo, có thể nắm tay mình là cảm thấy vui rồi. Bơi qua 2 mố cầu, khoảng 70m tôi bắt đầu thấy cơ thể mệt lả, lạnh cóng", anh Tuấn rùng mình nhớ lại.
Xác định không thể bơi ngay vào bờ, anh Tuấn dìu cô gái đến mố cầu gần đó, tựa tay nghỉ lấy sức. Đúng lúc này, từ trên cầu lại có tiếng hét lớn: “Từ từ…”.
|
Anh Tuấn cùng con gái út |
|
Cầu Bến Thuỷ nơi xảy ra sự việc |
Thiếu tá Tuấn ngoảnh mặt về phía sau thì nhìn thấy một cặp vợ chồng chèo thuyền lại gần. Biết cả 2 đã được cứu, lúc này anh mới thở phào nhẹ nhõm.
“Khi nhảy xuống tôi không hề biết có thuyền ở gần đó. Nước sông rất lạnh, tôi phải cố gắng gồng mình bơi, dìu cô gái vào mố cầu. Khi nhìn thấy thuyền tôi rất mừng. Hai vợ chồng trên thuyền kéo cô gái lên trước, tôi lên sau”, anh Tuấn kể.
Lên đến bờ, thấy nạn nhân nằm bất tỉnh, anh Tuấn liền thực hiện động tác nhấn tim ngoài lồng ngực. Chỉ sau vài động tác, cô gái trẻ đã tỉnh lại.
|
Ngôi nhà nhỏ ở thôn Cát Thủy, xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh - nơi anh Tuấn đang sinh sống. |
Theo anh, từ lúc mình nhảy xuống nước cho tới lúc đưa được cô gái lên thuyền khoảng 15 phút. Trời TP Vinh lúc đó lạnh, nhưng đến khi lên bờ anh Tuấn mới cảm nhận được, người run lập cập.
“Tôi có động viên cô ấy 'Có chuyện gì cũng bình tĩnh, đừng nghĩ quẩn em à' vì sợ cô này lại có hành động dại dột nên tôi nắm tay dắt lên, chờ đến khi người dân đèo đi tôi mới yên tâm ra về”, anh Tuấn cười.
Theo anh Tuấn, sau khi sự việc xảy ra, ông Thanh (trú tại phường Bến Thủy, TP Vinh, bố của cô gái) đã gọi điện thoại cảm ơn anh. Người bố chia sẻ con gái ông rất hối hận vì hành động thiếu suy nghĩ, đồng thời cảm ơn người quân nhân đã xả thân cứu người.
Giỏi việc nước, đảm việc nhà
Tại trạm đo lường, xưởng 467, Cục Kỹ thuật Quân khu 4, Thiếu tá Võ Văn Tuấn đang là nhân viên kỹ thuật kiểm tra, đo lường các chỉ số xe máy, rà soát bảo trì súng ống trong toàn quân khu.
|
Anh Võ Văn Tuấn |
Chia sẻ về cuộc sống, anh Tuấn kể, sau khi tốt nghiệp trường quân sự, cuối năm 2006 anh lập gia đình. Đến nay, vợ chồng anh có 2 con gái, cả 2 đều chăm ngoan, học giỏi. Cháu lớn học lớp 8 năm nào cũng là học sinh giỏi toàn diện, nằm trong đội tuyển học sinh giỏi môn Ngữ Văn của huyện.
Anh Tuấn chia sẻ, để con gái có kết quả học tập tốt, đêm nào anh và vợ cũng dành thời gian hướng dẫn, kèm cặp con học bài.
Vợ anh hiện đang kinh doanh cửa hàng thuốc tây ở gần nhà. Anh Tuấn vẫn thường xuyên giúp đỡ vợ cơm nước, đón con.
|
Hình ảnh anh Tuấn chụp cùng đồng đội lúc ở Học viện Quân sự (thứ 2 bên trái sang) |
Ông Bình, hàng xóm của Thiếu tá Tuấn đánh giá anh là người hiền lành, vui tính, cực kỳ nhiệt tình trong công việc của họ hàng, làng xóm.
Thượng tá Trần Nhật Linh - Giám đốc xưởng 467, Cục Kỹ thuật Quân khu 4 cho biết, hành động dũng cảm của Thiếu tá Võ Văn Tuấn rất xứng đáng được tuyên dương. Đơn vị sẽ phổ biến, nhân rộng gương sáng của anh Tuấn để cán bộ, quân nhân học tập, noi theo.
"Cứu người gặp nạn là trách nhiệm chung của tất cả mọi người, đặc biệt là những người khoác trên mình bộ áo lính. Đêm về tôi cứ thao thức mãi không ngủ được, cảm thấy rất tự hào khi bản thân mình làm được một việc tốt. Mấy hôm nay, bạn bè và lãnh đạo đơn vị gọi điện thoại chúc mừng và động viên động viên tôi rất nhiều", anh Tuấn tâm sự.