Nhớ về quãng thời gian đầu tiên sống tại biệt thự số 24 phố Hội Vũ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), bà Nguyễn Thị Hoa (SN 1945) chỉ lắc đầu.
“Tôi quen ông nhà một thời gian rồi mới kết hôn và dọn về đây sống. Thời gian quen nhau, tôi biết căn biệt thự có nhiều người sinh sống chứ không riêng ông nhà tôi. Tuy nhiên tôi vẫn không tưởng tượng ra cuộc sống ở đây lại… khổ đến thế”, bà Hoa kể.
|
Biệt thự cổ số 24 Hội Vũ, Hoàn kiếm, Hà Nội. Ảnh: Minh Anh |
Theo lời kể, bà Hoa vốn là con gái phố cổ (Hà Nội). Năm 1970, sau khi kết hôn, bà Hoa dọn về sống chung với chồng. Lúc này, căn biệt thự tuy không còn mới nhưng trong ký ức của bà Hoa nó vẫn bề thế và hoành tráng nhất so với khu vực xung quanh.
Căn biệt thự số 24 là một trong số những căn biệt thự được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Sau những năm 50 của thế kỷ trước, căn biệt thự được chia nhỏ thành nhiều phòng và phân cho các hộ dân sinh sống.
“Tôi vẫn nhớ cả con phố chỉ có vài căn biệt thự to đẹp, còn lại phía bên kia đường tất cả đều là nhà cấp 4. Vì thế nghĩ đến chuyện sống trong căn nhà này tôi cũng thấy hãnh diện và tự hào”, bà Hoa nói. Tuy nhiên niềm tự hào ấy của bà đã vội tắt ngay trong đêm tân hôn của hai vợ chồng.
“Bước vào tầng 2 nơi chồng tôi được chia diện tích, tôi thấy cả tầng không hề có phòng ngăn cách mà ngỡ ngàng. Trong tầng (diện tích khoảng 60m2) là 7 chiếc giường của 7 người đàn ông đang sinh sống. Họ là những người chưa vợ, một vài người có vợ nhưng gia đình ở quê.
Riêng phần diện tích của ông nhà tôi là đặc biệt hơn. Chồng tôi đã sử dụng những manh chiếu rách, những tấm bìa các-tông quây giường và phần diện tích của mình thành phòng cưới riêng”, bà Hoa kể.
Bà Hoa cho biết thêm, là phòng cưới nhưng diện tích căn phòng chỉ vẻn vẹn 6m2. Trong phòng, ngoài chiếc giường đã cũ, hai vợ chồng bà chỉ có vài bộ quần áo.
"Đêm tân hôn, vợ chồng chỉ dám nói chuyện thì thầm chứ không dám nói to, cũng không dám cử động mạnh bởi chỉ một tiếng cựa nhẹ, tất cả mọi người trong tầng đều sẽ nghe thấy”, bà kể.
Cũng vì sống trong căn nhà toàn đàn ông, nên mọi sinh hoạt với bà Hoa đều rất khó khăn. Bà luôn phải giữ ý từ lời ăn, tiếng nói đến việc ăn mặc và sinh hoạt, đi lại trong nhà.
“Khổ nhất là ngày nắng nóng bị mất điện, tất cả đàn ông trong nhà cứ mang chiếu ra nằm giữa lối đi. Muốn đi lại phải nhón chân lách qua rất bất tiện”, bà Hoa nói.
Bên cạnh việc phải giữ ý trong cách ăn mặc, nói năng thì chuyện tắm rửa của những người phụ nữ trong nhà cũng rất nhạy cảm.
Theo bà, cả căn biệt thự có một nhà tắm chung, không chờ được nhau, cánh đàn ông thường mang xô nước ra giữa khoảng sân nhỏ trước cửa nhà tắm để dội. Vì thế nhiều hôm tắm trong nhà tắm xong, bà còn không dám mở cửa bước ra ngoài.
Cuối cùng, chồng bà đã phải tận dụng khoảng trống nhỏ trên tầng 2 của tòa nhà để làm cho vợ căn bếp. Trong căn bếp đó, sau khi nấu nướng xong, bà có thể xếp gọn xoong nồi rồi tắm.
|
Khoảng sân chật hẹp trước cửa nhà tắm và nhà vệ sinh của căn biệt thự là diện tích sử dụng chung của các hộ dân.
|
Sau khi có nhà tắm riêng, bà không còn phải xếp hàng hoặc chờ đợi đến lượt tắm gội như trước nữa. Tuy nhiên, cuộc sống của bà lại khổ theo một khía cạnh khác.
Bà Hoa nói, căn bếp thường xuyên ướt và ẩm mốc. Bên cạnh đó, các hộ khác thấy gia đình bà mở góc nhà tắm riêng nên cũng cơi nới, tận dụng khoảng trống để làm góc sinh hoạt cho gia đình mình. Vì thế căn biệt thự vốn đã chật chội lại càng trở nên bức bí hơn.
Đến nay, căn nhà chỉ còn 6 hộ dân sinh sống. Trên tầng hai, trừ gia đình bà còn 2 hộ khác. Tuy nhiên các hộ cũng chỉ ngăn cách nhau bởi những tấm tôn. Hàng xóm láng giềng vẫn phải giữ ý với nhau. Vợ chồng nói chuyện phải thì thầm vì chỉ cần nói to hơn bình thường, tất cả hàng xóm đều có thể nghe thấy.
“Không chỉ giữ ý với nhau trong chuyện nói năng, cả đời không dám nói to trong nhà, nhiều người giống như tôi đều đang cảm thấy rất bức bí và nơm nớp lo sợ vì căn nhà đã quá xập xệ và xuống cấp. Chúng tôi chỉ mong một ngày nào đó, nhà nước cho xây lại căn nhà để chúng tôi chấm dứt cảnh sống thiếu thốn, chật chội này”, người phụ nữ này chia sẻ.
(Tên nhân vật được thay đổi theo yêu cầu)