Chiều ngày 22/4, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý với phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 mà Bộ GD&ĐT đề xuất. Thủ tướng yêu cầu Bộ tổ chức ra đề thi trên tinh thần “không đánh đố học sinh, học gì thi nấy nhưng phải đảm bảo chất lượng”.
Theo Bộ GD&ĐT, kỳ thi THPT quốc gia năm nay sẽ đổi thành thi tốt nghiệp THPT, với mục tiêu chính là xét tốt nghiệp. Kỳ thi dự kiến diễn ra vào tháng 8/2020 trong 1,5 ngày với 3 buổi thi. Các trường ĐH,CĐ có thể sử dụng kết quả của kỳ để tuyển sinh theo tinh thần tự chủ, cũng có thể tổ chức kỳ thi riêng để phù hợp với chất lượng đào tạo.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, mục đích của Kỳ thi tốt nghiệp THPT là tổ chức an toàn, nghiêm túc lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông. Kết quả của kỳ thi cũng có thể được các trường ĐH, CĐ sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.
|
Ảnh minh họa. |
Phương án thi THPT năm 2020 mà Bộ GD&ĐT công bố như trên được nhiều học sinh đồng tình dù sẽ phải chịu áp lực cao hơn.
Em Nguyễn Thành Nam, học sinh lớp 12 một trường THPT ở Hải Dương cho biết, năm nay số môn thi sẽ giảm từ 6 môn xuống còn 4 bài thi, dù đề thi giảm độ khó so với mọi năm nhưng việc bài thi tổ hợp lại tính một đầu điểm sẽ khiến học sinh áp lực hơn trong ôn luyện. Hơn nữa nhiều thí sinh sẽ phải thi tốt nghiệp THPT và thi kiểm tra năng lực cơ bản theo yêu cầu tuyển sinh của một số trường đại học.
“Do là kỳ thi tốt nghiệp cho nên không nhiều trường căn cứ để xét tuyển. Theo em được biết, nhiều trường sẽ có phương án tuyển sinh là tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển sinh riêng.
Như vậy, các thí sinh sẽ phải trải qua hai kỳ thi. Tuy nhiên, em đánh giá phương án của Bộ GD&ĐT là hợp lý và chỉ yêu cầu Bộ cân nhắc ra đề thi vừa phải bởi học sinh chúng em vừa phải nghỉ học dài ngày để chống dịch” -em Nam cho biết.
Em Nguyễn Thị Hương, học sinh một trường THPT ở Hải Phòng cho rằng, nếu thi tốt nghiệp THPT mà các trường đại học dùng kết quả kỳ thi tốt nghiệp, học bạ là một trong số phương án của trường thì sẽ không tạo áp lực cho học sinh. Tuy nhiên, theo phương án tuyển sinh của một số trường đại học mới đây công bố sẽ tổ chức kỳ thi riêng để đánh giá năng lực học sinh thì sẽ là áp lực lớn đối với các học sinh khi phải liên tiếp trải qua hai kỳ thi.
“Bản thân em ủng hộ phương án thi của Bộ GD&ĐT và mong muốn đề thi có trọng tâm, trọng điểm, học gì thi nấy và không đánh đố học sinh. Các trường đại học khi tổ chức thi tuyển nên theo phương án rút gọn để không tạo áp lực cho các thí sinh mà vẫn đảm bảo chất lượng tuyển sinh”, em Hương cho biết.
Trao đổi với PV Kiến Thức, PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, việc không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia mà đổi thành kỳ thi tốt nghiệp THPT không có gì mới lạ, bởi ở các nước vẫn làm như vậy.
“Vẫn là kỳ thi đánh giá chất lượng đạt trình độ phổ thông. Trên cơ sở đó, tùy các trường ĐH,CĐ căn cứ vào đó để tuyển sinh theo tinh thần tự chủ. Có trường căn cứ vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp để xét vào trường nhưng cũng có trường tập hợp lại một khối để tổ chức thi hay nói cách khác là để kiểm tra. Vấn đề là vẫn có kết quả để đánh giá tốt nghiệp THPT.
Ví dụ như là hàng hóa sản xuất ra, anh sản xuất ra là đạt yêu cầu nhưng anh muốn xuất khẩu thì phải có bộ phận OTK để xem lại cái nào bị lỗi thì bỏ ra, còn cái nào không lỗi thì cho đi” - ông Trần Xuân Nhĩ cho biết.
PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ cho rằng, học hết phổ thông là phải thi. Có nhiều hình thức như ra đề thi như hiện nay, kiểm tra thi một số môn để đánh giá. Hiện nay Bộ GD&ĐT vẫn tổ chức thi 4 môn để đánh giá tốt nghiệp.
|
PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ. |
“Các trường ĐH,CĐ với tinh thần tự chủ có thể căn cứ vào đó để lấy kết quả hoặc có thể tổ chức thi để tuyển sinh. Ví dụ trường chuyên về ngoại ngữ thì kiểm tra trình độ ngoại ngữ của thí sinh đã đạt chưa, nếu chưa đạt thì cho nghỉ, nặng về toán thì kiểm tra về toán... Cái đó là sự tự chủ của các trường” - PGS Trần Xuân Nhĩ nói.
Theo ông Nhĩ, nên mở ra một cách nữa là các trường căn cứ vào kết quả thi tốt nghiệp THPT kiểm tra nếu chưa đạt yêu cầu thì bồi dưỡng những người đó đừng đẩy thí sinh ra ngoài xã hội. Ví dụ, trường đại học lấy 1.000, chỉ tiêu giao 800, mà thí sinh khoảng 1.200 thì lấy 800 theo chỉ tiêu còn lại tổ chức bồi dưỡng để đạt yêu cầu sau đó cho các thí sinh vào học.
PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ đánh giá kỳ thi năm nay, Bộ cải tiến tăng cường thanh tra, kiểm tra, đảm bảo minh bạch công bằng thì là tốt. Đồng thời ông cho rằng, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, học sinh phải nghỉ học dài ngày nên Bộ có thể sẽ ra đề thi nhẹ hơn so với các năm trước.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT dự kiến sẽ gồm 3 bài thi độc lập (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 2 bài thi tổng hợp khoa học tự nhiên (KHTN) và bài thi tổng hợp khoa học xã hội (KHXH). Trong đó: Bài thi KHTN gồm tổ hợp của 3 môn Vật lí, Hóa học và Sinh học; Bài thi KHXH đối với thí sinh THPT gồm tổ hợp của 3 môn Lịch sử, Địa lí và Giáo dục công dân; đối với thí sinh GDTX gồm tổ hợp của 2 môn Lịch sử, Địa lí.
Thí sinh THPT phải thi 3 bài thi bắt buộc Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi tự chọn KHTN hoặc KHXH; Thí sinh GDTX phải thi 2 bài thi bắt buộc Toán, Ngữ văn và 1 bài thi tự chọn KHTN hoặc KHXH.
Các bài thi Toán, Ngoại ngữ, KHTN và KHXH thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan; mỗi thí sinh trong cùng phòng thi có một mã đề thi riêng; thí sinh làm bài thi trên Phiếu trả lời trắc nghiệm (Phiếu TLTN); kết quả làm bài của thí sinh trên Phiếu TLTN được chấm bằng phần mềm máy tính do Bộ GD&ĐT cung cấp; Bài thi Ngữ văn thi theo hình thức tự luận.
Mỗi bài thi tổng hợp được chấm chỉ với 1 đầu điểm (không có điểm các môn thành phần như đối với bài thi tổ hợp trong kỳ thi THPT quốc gia những năm trước đây).
Nội dung thi nằm trong Chương trình giáo dục THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12, phù hợp với nội dung tinh giản chương trình học kỳ 2 đã được Bộ GD&ĐT công bố.
>>> Mời độc giả xem thêm video Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 vẫn được tổ chức