Một lần nữa trách nhiệm công dân lại được tranh luận khi sau hai tiếng máy bay cất cánh, người nhà nữ du học sinh trên chuyến bay VN50 từ sân bay Heathrow (London, Anh) về sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM) mới thông báo đến Trung tâm kiểm dịch y tế Tân Sơn Nhất về việc hành khách này có triệu chứng nhiễm Covid-19 với biểu hiện sốt, ho.
Nếu cho rằng, nữ du học sinh cùng người nhà đã tắc trách khi máy bay cất cánh mới thông báo tình hình bệnh tật cho lực lượng chức năng cũng là có cơ sở. Bởi trước đó, tại Anh, nữ lưu học sinh này đã đến bệnh viện khám nhưng bác sĩ ở Anh kết luận là cúm thông thường và không xét nghiệm Covid-19.
Lẽ ra nếu có trách nhiệm hơn, bản thân nữ sinh phải khai báo tình hình bệnh tật để cơ trưởng chuyến bay có biện pháp thực hiện phòng dịch ngay từ đầu để đảm bảo dịch bệnh (nếu nhiễm) không lây lan sang các hành khách khác.
Có thể hiểu rằng, việc thông báo chậm khi máy bay cất cánh 2 tiếng là một sự toan tính, cố tình lách các quy định để nữ du học sinh có thể về nước (khi lo ngại bản thân nghi nhiễm Covid-19), đẩy sự việc vào tình thế “chuyện đã rồi”. Hành vi này của nữ sinh và gia đình đã khiến những người trên chuyến bay bị ảnh hưởng và buộc phải cách ly khi máy bay hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất.
|
Ảnh minh họa. |
Thế nhưng ở góc độ khác, có thể thông cảm cho hành động của bản thân nữ du học sinh và người thân. Bởi trong tình cảnh bản thân nghi nhiễm bệnh, trong khi ở Anh lại không xét nghiệm Covid-19 cho trường hợp nên lo lắng về nước đến khám bệnh và điều trị. Vì lo sợ sẽ không được cho đi trên chuyến bay nên đã phải dùng “hạ sách” này để được về nước.
Bản thân nữ sinh dù không trung thực ngay từ đầu nhưng cũng ít nhiều còn thành thật, còn nghĩ đến cộng đồng hoặc chí ít cũng nghĩ về trách nhiệm pháp lý của bản thân nếu không trung thực để lây lan dịch bệnh khi nhiễm.
Việc thông báo về tình hình sức khỏe của nữ du học sinh dù muộn nhưng vẫn là sự cần thiết để Trung tâm kiểm dịch y tế Tân Sơn Nhất liên hệ ngay với hãng để báo cho cơ trưởng chuyến bay kịp thời chuyển nữ hành khách xuống hàng ghế dưới cùng để cách ly với các hành khách khác.
Đồng thời, các cơ quan kiểm soát dịch bệnh tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất kịp thời thực hiện các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh như đưa hành khách nghi nhiễm đi Bệnh viện Nhiệt đới TPHCM. Toàn bộ thành viên tổ bay và khách trên chuyến bay phải đi cách ly tại Củ Chi. Rất may kết quả xét nghiệm với nữ hành khách nghi mắc Covid-19 trên chuyến bay từ London (Anh) về TP HCM đã âm tính với virus SARS-CoV-2.
Nếu nữ sinh này nghi nhiễm bệnh nhưng lại hành xử giống ca nhiễm 17 gian dối, không trung thực khi khai báo, dẫn đến không kịp thời cách ly thì hậu quả sẽ vô cùng khó lường trong trường hợp nữ sinh dương tính mà không kịp thời phát hiện, ngăn chặn, cách ly.
Trước đó, ở một chuyến bay khác (chuyến bay VN54 từ Anh về sân bay Nội Bài) sáng 2/3 chở 217 người, xuất hiện trường hợp dương tính Covid-19 – nữ “bệnh nhân 17” Nguyễn Hồng Nhung, tiếp theo là "bệnh nhân 21 N.Q.T". Sau đó, 10 du khách người Anh và một người Ireland cũng được phát hiện nhiễm bệnh. 3 người lây nhiễm nội địa liên quan VN54 là số 19 và 20 (lây từ "bệnh nhân 17"), 35 (từ du khách Anh).
Việc xuất hiện ca nhiễm thứ 17 là một cú “sốc” khiến dư luận vô cùng bức xúc khi bản thân cô gái biết nghi mình nhiễm bệnh nhưng lại không khai báo trung thực khi nhập cảnh dẫn đến hậu quả nhiều người bị lây nhiễm, các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương phải căng mình chống dịch, cuộc sống của người dân bị đảo lộn sau 22 ngày “vàng” không có dịch bệnh, bao công sức ngăn chặn dịch bệnh của các cơ quan chức năng đổ sông đổ biển, học sinh không được đến trường, nhiều doanh nghiệp phải lao đao trong vòng xoáy của dịch bệnh.
Đáng trách hơn, chính việc gian dối trong khai báo khi nhập cảnh của Nguyễn Hồng Nhung và có thể của một số người khác khiến việc cách ly không được kịp thời dẫn đến tình hình dịch bệnh lây lan, diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương khi những hành khách trên chuyến bay này tỏa đi nhiều tỉnh thành.
Dẫn trường hợp thứ 17 để thấy rằng, dù cả hệ thống chính trị có tích cực, nỗ lực vào cuộc với nhiều biện pháp hữu hiệu được triển khai nhưng chỉ một công dân thiếu trách nhiệm khi đi từ vùng dịch về nhưng khai báo gian dối để tránh cách ly, sau đó giao tiếp với nhiều người cũng đủ để lại những hậu quá vô cùng khó lường với cộng đồng xã hội.
Ranh giới giữa trách nhiệm công dân và sự thiếu ý thức, vô trách nhiệm trong cuộc chiến “chống dịch như chống giặc” vô cùng mong manh và trường hợp nữ du học sinh bay từ London (Anh) về là một ví dụ. Trách cô gái này cũng đúng mà có thể cảm thông cũng không sai. Trong thời điểm dịch bệnh phức tạp trên thế giới, cả nước căng mình chống dịch, trách nhiệm của công dân là vô cùng quan trọng. Có những trường hợp có thể thông cảm nhưng có những trường hợp mãi mãi là tội đồ với đất nước với nhân dân khi họ đã góp gió tạo nên cơn cuồng phong của dịch bệnh do thiếu ý thức, ích kỷ chỉ nghĩ đến bản thân mình.
Chuyến bay VN50 từ London (Anh) về TPHCM hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất lúc 5 giờ sáng ngày 12/3 có nữ hành khách là lưu học sinh Việt Nam tại Anh nghi nhiễm Covid-19. Đó là một nữ hành khách quốc tịch Việt Nam ở ghế 11K có biểu hiện sốt, khó thở.
Theo đại diện Vietnam Airlines, sau khi máy bay cất cánh được 2 tiếng tại sân bay Heathrow (London - Anh), Trung tâm kiểm dịch y tế Tân Sơn Nhất nhận được thông tin từ người nhà thông báo nữ hành khách này có triệu chứng nhiễm Covid-19 với biểu hiện sốt, ho. Trước đó, tại Anh, lưu học sinh này đã đến bệnh viện khám nhưng bác sĩ ở Anh kết luận là cúm thông thường và không xét nghiệm Covid-19.
Sau khi nhận được thông tin, Trung tâm kiểm dịch y tế Tân Sơn Nhất đã liên hệ ngay với hãng Vietnam Airlines để báo cho cơ trưởng chuyến bay. Cơ trưởng đã quyết định chuyển nữ hành khách xuống hàng ghế dưới cùng để cách ly với các hành khách khác.
Khi chuyến bay hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất lúc 5 giờ 35 phút sáng 12/3, các lực lượng tại sân bay Tân Sơn Nhất đã xử lý theo quy trình: Kiểm dịch y tế đã đưa khách đi Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM. Các hành khách khác, trừ khách transit, và phi hành đoàn được đưa đi cách ly tập trung tại Củ Chi. Khách transit đã được cách ly theo quy trình y tế chờ đi Campuchia và Úc. Máy bay đã được khử trùng ngay sau đó.
Kết quả xét nghiệm mới nhất, nữ hành khách nghi mắc Covid-19 trên chuyến bay từ London (Anh) về TP HCM sáng nay 12/3 đã âm tính với Covid-19. Với kết quả này, các cơ quan chức năng đang xem xét việc toàn bộ hành khách, phi hành đoàn sẽ không cần phải cách ly tập trung tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi mà chỉ cần tự quản lý, theo dõi sức khoẻ của mình.
>>> Mời độc giả xem thêm video WHO tuyên bố Covid-19 là đại dịch: