Đà Nẵng: Hotboy siêu lừa chiếm 12 tỷ của 1.000 người ra sao?

Google News

(Kiến Thức) - Nghĩa và Tiến mua CMND giả, mở tài khoản ngân hàng rồi tiếp tay cho đường dây lừa đảo hơn 1.000 người, chiếm đoạt gần 12 tỷ đồng.

Mới đây, công an huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng cho biết đã khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 2 anh em Trương Diên Nghĩa (26 tuổi), Trương Diên Tiến (22 tuổi) cùng trú tại thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Da Nang: Hotboy sieu lua chiem 12 ty cua 1.000 nguoi ra sao?
Anh em Nghĩa và Tiến bị khởi tố về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo đơn tố cáo, Chị T. là một công nhân ở TP Đà Nẵng gửi tố cáo về việc chị bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tiền qua tài khoản ngân hàng.
Theo đó, chị T. nhận được điện thoại của người xưng là nhân viên của ngân hàng nói tài khoản của chị có dấu hiệu bị xâm nhập nên phải rà soát kiểm tra. Quá trình kiểm tra sẽ gửi đến số điện thoại của chị mã OTP nên chị phải cung cấp để ngân hàng thực hiện các quy trình.
Chị T. tin tưởng nên đã gửi mã OTP và bị trừ tiền vào tài khoản để thanh toán mua thẻ game với số tiền hơn 19 triệu đồng. Chị T. thắc mắc thì đối tượng nói chỉ là tin nhắn ảo để kiểm tra thông báo ngân hàng đến điện thoại, đề phòng tấn công tài khoản, sau đó đối tượng tiếp tục đề nghị chị đọc mã OTP lần 2.
Lần 2, chị T. bị trừ số tiền 20 triệu đồng. Thấy nghi ngờ, chị T. đến cây ATM để kiểm tra thì phát hiện tài khoản chỉ còn hơn 100 nghìn đồng nên đến công an trình báo.
Công an huyện Hòa Vang điều tra và xác định số tiền 20 triệu đồng trong tài khoản của chị T. được chuyển vào tài khoản có tên Nguyễn Phạm Trường Giang tại ngân hàng ở TP HCM và bị rút hết. Làm việc với công an, ông Giang khai bị mất CMND và cũng không mở tài khoản trên.
Xác minh từ ngân hàng, trong thời gian 2018-2019, tài khoản mang tên ông Giang có nhiều giao dịch với số tiền hàng tỷ đồng và được rút qua ATM ở Thừa Thiên Huế và TP HCM.
Trong các giao dịch, có lần tài khoản trên đã chuyển tiền đến tài khoản có tên Trương Diên Nghĩa. Cơ quan công an lập tức truy tìm và phát hiện Nghĩa cùng em ruột đang ở TP Huế.
Tại cơ quan công an, các đối tượng khai nhận đã tìm mua trên mạng 2 CMND và dùng hình của mình dán vào các CMND trên để mở tài khoản ngân hàng.
Các đối tượng vào các hội, nhóm trên các trang mạng quảng cáo nhận tiền giúp qua tài khoản từ các nạn nhân bị những đối tượng khác lừa đảo, hai đối tượng sẽ được hưởng hoa hồng từ 5-20%, khi tiền được chuyển đến, Nghĩa và Tiến rút một phần tiền ra trước khi chuyển vào ví điện tử, hoặc tài khoản game của các đối tượng lừa đảo.
Cả 2 còn sử dụng Facebook đăng tin vào các hội, nhóm trên mạng có người thân làm ở công ty xổ số, "cho số" đánh lô đề đảm bảo trúng. Có lần vô tình người chơi trúng thưởng, đối tượng yêu cầu chia thưởng. Tiếp đó, đối tượng yêu cầu phải chuyển vào tài khoản tiền ứng trước khi "cho số", nhận được tiền thì lặn biệt tăm.
Cơ quan công an xác định 2 đối tượng đã tiếp tay cho đường dây lừa đảo gần 1.000 người với số tiền gần 12 tỷ đồng.
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, có thể nói rằng thời đại công nghệ thông tin, hoạt động giữa các tổ chức, cá nhân có sự kết nối mạnh mẽ bằng phương tiện điện tử khiến loại tội phạm công nghệ cao phát triển và gia tăng nhanh chóng.
Trước đây, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản phải là tiếp xúc trực tiếp của người bị hại với đối tượng lừa đảo. Tuy nhiên, thời đại công nghệ thông tin thì các đối tượng lừa đảo đã lợi dụng mạng viễn thông, mạng internet để thực hiện hành vi lừa đảo mà không cần trực tiếp gặp gỡ, tiếp xúc với người bị hại, thậm chí các đối tượng thường xuyên giả danh người khác để lừa đảo mà người bị hại không hề hay biết.
Bởi vậy hành vi lừa đảo qua mạng xã hội, mạng internet có tính chất nguy hiểm cao hơn, khó kiểm soát hơn và việc thực hiện hành vi này diễn ra ngày càng phổ biến hơn...
Cơ quan điều tra sẽ xác minh làm rõ hành vi thủ đoạn của các đối tượng này và những người bị hại đã bị các đối tượng này chiếm đoạt tài sản. Trong trường hợp có căn cứ cho thấy các đối tượng này đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với số tiền từ 500 triệu đồng trở lên thì các đối tượng sẽ bị xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 174 bộ luật hình sự năm 2015 với mức hình phạt là từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Trong trường hợp hành vi là xâm nhập vào hệ thống dữ liệu điện tử của người khác để chiếm đoạt tài sản thì sẽ bị xử lý hình sự về tội danh liên quan đến tội phạm công nghệ cao. Cụ thể tội danh và hình phạt được quy định như sau:
Điều 290. Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản
1. Người nào sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử thực hiện một trong những hành vi sau đây, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 173 và Điều 174 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
a) Sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của cơ quan, tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ.
b) Làm, tàng trữ, mua bán, sử dụng, lưu hành thẻ ngân hàng giả nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ.
c) Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản.
d) Lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp hoặc giao dịch chứng khoán qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản.
đ) Thiết lập, cung cấp trái phép dịch vụ viễn thông, internet nhằm chiếm đoạt tài sản.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:
a) Có tổ chức.
b) Phạm tội 2 lần trở lên.
c) Có tính chất chuyên nghiệp.
d) Số lượng thẻ giả từ 50 thẻ đến dưới 200 thẻ.
đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng.
e) Gây thiệt hại từ 50 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng.
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.
b) Gây thiệt hại từ 300 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.
c) Số lượng thẻ giả từ 200 thẻ đến dưới 500 thẻ.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên.
b) Gây thiệt hại 500 triệu đồng trở lên.
c) Số lượng thẻ giả 500 thẻ trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
>>> Xem thêm video: Lừa đảo qua mạng phát triển tại miền Tây.

(Nguồn: VTC)

Quang Thịnh

>> xem thêm

Bình luận(0)