Những ngày qua, mạng xã hội lan truyền clip với nội dung cán bộ trực chốt kiểm soát y tế ngăn xe ngân hàng đi qua với lý do "tiền không phải hàng hóa thiết yếu" gây ra nhiều tranh cãi.
"Sự cố" bánh mì và xe chở tiền
Theo đó, clip gây xôn xao dư luận có độ dài 4 phút 53 giây, được đăng tải trên tài khoản facebook T.Đ.V.A. (tài xế của một ngân hàng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận) vào 11h trưa 23/7.
|
Clip tranh cãi được anh T.Đ.V.A. đăng tải trên mạng xã hội (Ảnh chụp màn hình).
|
Theo nội dung clip, tài xế này cùng đồng nghiệp lái xe chở tiền đi từ TP Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận) về huyện Ninh Hải thì bị lực lượng chức năng trực chốt tại thị trấn Khánh Hải (huyện Ninh Hải) chặn lại kiểm tra.
Trong quá trình kiểm tra, tổ trưởng tại điểm chốt này (được xác định là ông Bùi Ngọc Chiến, Bí thư Đoàn thanh niên thị trấn Khánh Hải) yêu cầu xe quay đầu với lý do "tiền là mặt hàng không cần thiết, không cấp thiết".
Sự việc dẫn đến chuyện 2 bên tranh cãi to tiếng tại chốt kiểm soát dịch. Toàn bộ quá trình được ông T.Đ.V.A. quay lại và đăng tải lên mạng xã hội. Sau đó, clip này được lan truyền với tiêu đề "cán bộ bắt xe ngân hàng quay đầu vì tiền không phải là hàng thiết yếu".
Trao đổi vói báo chí, ông Trịnh Minh Hoàng, Bí thư Huyện ủy huyện Ninh Hải cho biết: "Sự việc vừa rồi là một chuyện đáng tiếc của anh em trong quá trình thực thi nhiệm vụ!".
Theo ông, trong quá trình chống dịch, cực khổ cộng với những áp lực khi luôn phải giải thích, phân bua nên đôi lúc trong giao tiếp, lực lượng thực thi đã có phát ngôn chưa đúng, chưa phù hợp.
Bí thư Huyện ủy huyện Ninh Hải cho biết thêm, lực lượng chủ yếu gác tại các chốt kiểm soát y tế là cán bộ cơ sở, đoàn viên thanh niên tham gia chống dịch, không phải là lực lượng chuyên nghiệp. Vì là lực lượng tự quản, chưa được đào tạo chuyên sâu nên nhiều cán bộ trực chốt chưa có kinh nghiệm.
Ông Trịnh Minh Hoàng nói: "Qua sự việc, Huyện ủy, Ban chỉ đạo phòng chống dịch của huyện đã chỉ đạo rà soát lại hết các chốt, chấn chỉnh và hướng dẫn nghiệp vụ chuyên sâu hơn để đảm bảo hoạt động kiểm soát đúng quy định, chuẩn hóa cả cách trao đổi, diễn đạt của anh em, tránh gây ra sự hiểu lầm như vụ việc xe chuyển tiền".
Trước đó, dư luận cũng phản ứng gay gắt về hành vi của Phó chủ tịch UBND phường Vĩnh Hoà, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà Trần Lê Hữu Thọ tuyên bố "bánh mì không phải lương thực, thực phẩm” và xử phạt một nam thanh niên trên đường đi mua bánh mì, thậm chí vị lãnh đạo này còn gửi clip hình ảnh này đến công ty nam thanh niên này dẫn đến việc người này bị đuổi việc.
|
Nam thanh niên xuất trình giấy thông hành nhưng bị cự tuyệt, thậm chí bị dọa đuổi việc. |
Sau khi cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, Phó chủ tịch UBND phường Vĩnh Hoà đã bị kỷ luật, vị này cũng đã công khai xin lỗi nam thanh niên. Đặc biệt, ngay sau vụ việc, Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa đã ban hành văn bản hướng dẫn về hàng hóa thiết yếu khi thực hiện giãn cách xã hội, trong đó có bánh mì.
Cần có hướng dẫn cụ thể
Phát biểu tại nghị trường kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, đại biểu Lê Thanh Vân đã nêu kiến nghị bổ sung chuyên đề giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về luân chuyển, điều động cán bộ. Nói về tính cần thiết của chuyên đề này, vị đại biểu tỉnh Cà Mau dẫn chứng trường hợp ông Trần Lê Hữu Thọ, Phó Chủ tịch phường Vĩnh Hoà (TP Nha Trang) trong vụ việc xử lý người dân đi mua bánh mì, gây bức xúc dư luận.
Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, vị cán bộ này nhận thức chưa đúng về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Vị Phó Chủ tịch phường này được luân chuyển từ một phòng chuyên môn của thành phố xuống UBND phường. "Dư luận đặt câu hỏi, một cán bộ như vậy, làm ở một vị trí trụ cột ở phường, là mắt xích cuối cùng kết nối Nhà nước với nhân dân, thì uy tín của Đảng, của Nhà nước sẽ ảnh hưởng như thế nào?"- đại biểu Lê Thanh Vân băn khoăn.
|
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân. |
Đại biểu Quốc hội khóa XIII Bùi Thị An cũng cho rằng, công tác phòng, chống dịch COVID-19 càng thực hiện nghiêm ngặt càng tránh lây lan dịch bênh ra cộng đồng và đây là nhiệm vụ rất quan trọng mà các địa phương trong cả nước đang căng mình thực hiện. Tuy nhiên, thực tế đã xảy ra những vụ việc không mong muốn như vụ bánh mì, vụ xe chở tiền hay việc tranh cãi sữa, nước giải khát có phải thực phẩm thiết yếu?.
"Từ những vụ việc trên cho thấy một số cán bộ còn non nớt, nhận thức chưa đầy đủ, nếu có xử lý thì các địa phương nên xử lý sau. Còn việc trước mắt và gấp rút là các địa phương phải công bố công khai danh mục những loại nào là thiết yếu để tránh tình trạng ngăn cản nhu cầu thiết yếu của người dân, không để xảy ra tình trạng "ngăn sông, cấm chợ"- đại biểu Quốc hội khóa XIII Bùi Thị An nói.
>>> Mời quý độc giả xem thêm video: Phó chủ tịch UBND phường Vĩnh Hoà quát tháo một công nhân đi mua bánh mì