Hôm nay, TAND TP Cần Thơ xét xử sơ thẩm vụ án “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" gây thất thoát hơn 1.800 tỉ đồng tại Vietcombank Tây Đô (Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam Chi nhánh Tây Đô – Cần Thơ)
|
Các bị cáo tại tòa |
VKSND Tối cao truy tố các bị cáo Nguyễn Minh Chuyển (52 tuổi, nguyên Giám đốc Vietcombank Tây Đô); Trần Anh Huy (45 tuổi, nguyên Trưởng phòng Tín dụng) Nguyễn Hữu Nghĩa (46 tuổi, nguyên cán bộ) về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng".
Các bị cáo Võ Vũ Bình, Nguyễn Hùng Cường, Nguyễn Công Trừng, Trang Hồng Sơn, Võ Hoàng Thám, Trịnh Minh Tú, Nguyễn Thanh Hùng, Cao Hoàng Thám (33 tuổi) là nguyên GĐ các doanh nghiệp bị truy tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Tại tòa, chủ tọa thông báo, VKS giữ nguyên cáo trạng và chỉ công bố một số nội dung về kết quả điều tra bổ sung.
Bất ngờ xảy ra khi bị cáo Vũ Bình yêu cầu thay ông Đặng Quốc Việt là 1 trong 3 kiểm sát viên. Bị cáo này nêu lý do là ông Việt có giọng nói và âm giọng rất khó nghe.
Ngoài ra kiểm sát viên này không trực tiếp giải quyết đơn khiếu nại của bị cáo; tham gia điều tra không đầy đủ...
|
Bị cáo Võ Vũ Bình đề nghị thay kiểm sát viên vì giọng nói khó nghe |
Luật sư của Vũ Bình không có ý kiến. Còn ông Việt cho rằng, đề nghị của bị cáo Vũ Bình không có căn cứ. Sau khi hội ý, toà cho rằng kiểm sát viên nói tiếng Việt, giọng địa phương nhưng không ảnh hưởng đến quá trình điều tra, xét xử.
Đến nay chưa có văn bản ràng buộc kiểm sát viên tham gia điều tra bao nhiêu lần. Kết quả tham gia điều tra được thể hiện trong cáo trạng...
Bị cáo Bình không nêu ra được căn cứ là kiểm sát viên không vô tư khách quan nên không chấp nhận yêu cầu của bị cáo.
Hồi xét xử vào tháng 2, TAND TP Cần Thơ đã trả hồ sơ điều tra bổ sung. Lý do tại phiên tòa, nhóm doanh nghiệp của bị cáo Tú xuất trình hồ sơ thể hiện các tài sản thế chấp có giá trị cao hơn khoản nợ vay ngân hàng.
Ngoài ra, nhóm người chủ trương thành lập một số doanh nghiệp để giấu nợ và đáo nợ, tòa cho rằng cần phải xác định vai trò cụ thể từng người, ai chủ mưu, cán bộ ngân hàng có can thiệp vào việc này hay không…
Sau đó, cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an ra kết luận điều tra bổ sung về các vấn đề nêu trên. Tuy nhiên, nội dung kết luận bổ sung không làm thay đổi nội dung cáo trạng đã truy tố các bị can nên VKSND vẫn giữ nguyên bản cáo trạng.
|
Bị cáo Chuyển - nguyên Giám đốc Vietcombank Tây Đô |
Cáo trạng cáo buộc, từ năm 2010 - tháng 12/2014, Chuyển, Huy, Nghĩa và một số cán bộ của VCB Tây Đô đã vi phạm trong việc lập hồ sơ, thẩm định, phê duyệt, giải ngân, kiểm tra giám sát vốn vay, điều kiện đảm bảo tín dụng, vi phạm Quy chế của Ngân hàng Nhà nước ban hành.
Các bị can này ký, thực hiện 56 hợp đồng tín dụng cho 41 doanh nghiệp thuộc 6 nhóm khách hàng gồm: Nam Sông Hậu, Du lịch Đại Dương, Cơ khí Tây Đô, An Đô, Thép Đông Dương và Trường Nguyên với tổng số tiền giải ngân hơn 2.476 tỉ đồng vay vốn, đến nay không có khả năng thu hồi.
Vụ việc trên gây thiệt hại cho VCB Tây Đô hơn 1.838 tỉ đồng và thông qua đó để cho các bị can Cường, Trừng, Thám, Duy, Bình, Thám, Sơn, Tú và Hùng là chủ các nhóm DN trên địa bàn lừa đảo chiếm đoạt của VCB Tây Đô tổng số tiền trên 1.051 tỉ đồng.
Đơn cử, đối với bị can Vũ Bình, chủ khách sạn nổi tiếng ở Cần Thơ bị cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt hơn 100 tỉ đồng của VCB Tây Đô. Theo đó, Bình làm chủ 3 doanh nghiệp gồm: Công ty Du lịch Đại Dương, Hồng Sơn, Hoàng Thuận Phát.
Trong 3 công ty, công ty Du Lịch Đại Dương thành lập vào năm 2007 và Bình làm Chủ tịch HĐTV. Từ khi thành lập, công ty này chỉ hoạt động cầm chừng, nguồn thu chủ yếu là nhà hàng Cổ thành Tây Đô và khách sạn Vũ Bình.
Sau khi giải ngân, Vũ Bình không nuôi cá tra; không mua nguyên liệu nuôi cá và cá phi-lê như trong phương án vay vốn sản xuất kinh doanh.
Các bị cáo Nguyễn Hùng Cường và Nguyễn Công Trừng, với mục đích chiếm đoạt tiền của VCB Tây Đô từ năm 2010 – 2014 đã lập khống hồ sơ, tài liệu chứng từ kế toán làm hồ sơ vay vốn, rút vốn vay lừa đảo chiếm đoạt hơn 243 tỉ đồng.
Nguyễn Thanh Hùng, từ năm 2013 – 2015, sử dụng pháp nhân của 8 công ty trong nhóm An Đô và các tài liệu kế toán lập khống làm hồ sơ vay vốn, rút vốn vay VCB Tây Đô thông qua 12 hợp đồng tín dụng ngắn hạn. Qua đó lừa đảo chiếm đoạt trên 395 tỉ đồng.
Cáo trạng xác định Chuyển là người tổ chức, chỉ đạo và thực hiện hành vi vi phạm quy định về hoạt động cho vay, gây thiệt hại trên 1.838 tỉ đồng cho VCB Tây Đô, phải chịu trách nhiệm chính.