Tối 1/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an quận 1, TP Hồ Chí Minh cho biết đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Hải Nam, Phó Chánh án Tòa án nhân dân quận 4 và Lâm Hoàng Tùng, Giảng viên Trường Đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP Hồ Chí Minh về tội “Xâm phạm chỗ ở người khác” theo Điều 158 Bộ luật Hình sự. Quyết định khởi tố đã được Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn.
Đồng thời, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã tiến hành khám xét xong nơi ở của ông Lâm Hoàng Tùng (giảng viên Trường Đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TPHCM) tại chung cư Saigon Pearl, quận Bình Thạnh, TPHCM.
Tuy nhiên, một tờ báo trích nguồn tin cho biết, tối cùng ngày, cảnh sát chưa thể thực hiện việc khám xét nhà riêng của Phó Chánh án Tòa án nhân dân quận 4 Nguyễn Hải Nam vì ông này không hợp tác với cơ quan chức năng khai báo về nơi cư trú.
Dư luận đặt ra câu hỏi nếu ông Nguyễn Hải Nam không hợp tác với cơ quan chức năng khai báo về nơi cư trú như thông tin ở trên thì có bị xử lý theo quy định của pháp luật.
|
Thẩm phán Nguyễn Hải Nam tại thời điểm bị khởi tố. Ảnh: VNN. |
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo quy định, nơi cư trú là nơi thường trú hoặc tạm trú. Khi đã khởi tố bị can và thì cơ quan điều tra có quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn là cấm đi khỏi nơi cư trú hoặc tạm giam để phục vụ công tác điều tra.
Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng có sẽ áp dụng các hoạt động tố tụng khác để thu thập chứng cứ như khám xét nơi ở của bị can. Việc khám xét nơi ở, nơi cư trú có thể thực hiện đối với nơi thường trú hoặc nơi tạm trú để tìm kiếm các chứng cứ có ý nghĩa, có liên quan đến việc giải quyết vụ án.
Theo luật sư Đặng Văn Cường, pháp luật đã dự liệu đến tất cả các tình huống có thể, kể cả trường hợp bị can, bị cáo không hợp tác hoặc bỏ trốn. Trong trường hợp bị can, bị cáo bỏ trốn thì sẽ truy nã. Trường hợp bị can bị cáo bị bắt nhưng không khai nhận, không hợp tác thì cơ quan điều tra sẽ thu thập các thông tin, tài liệu từ các nguồn thông tin, tài liệu khác.
“Với hai người bị bắt trong vụ án này đều là cán bộ, công chức nhà nước, lại là người am hiểu sâu về pháp luật thì dù họ có không hợp tác, cản trở đến mức nào chăng nữa thì cơ quan điều tra vẫn có đầy đủ công cụ pháp lý và nghiệp vụ để thu thập các tài liệu, chứng cứ từ cơ quan, người thân và những người có liên quan trong vụ án này”, luật sư Đặng Văn Cường nhận định.
Trong trường hợp bị can không khai báo nơi cư trú, sinh sống thường xuyên, luật sư Cường cho rằng, cơ quan điều tra có thể thu thập được từ cơ quan của những người này hoặc từ vợ, con của những người này, hoặc từ những người khác có liên quan đến vụ án hoặc những người thân thích của những người này.
Đồng thời, luật sư Đặng Văn Cường bày tỏ quan điểm, trong vụ án này, việc khám nơi ở của các bị can là không quá quan trọng như những vụ án về ma túy, buôn lậu, liên quan đến việc truy tìm vật chứng, tài sản... Bởi đây chỉ là thủ tục theo quy định pháp luật để thu thập các chứng cứ.
“Còn hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác thể hiện rõ ràng qua những thông tin, hình ảnh mà người bị hại mà những người liên quan cung cấp, ngoài ra còn thể hiện ở các tài liệu chứng cứ khác mà cơ quan điều tra đã thu thập được. Việc các bị can có nhận tội hay không nhận tội, có thu giữ được vật chứng nào khác tại nơi ở, nơi làm việc hay không không phải là những yếu tố quyết định đến việc buộc tội của hai bị can này”, luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
"Vụ việc sẽ được cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ và chứng minh các dấu hiệu tội phạm. Tuy nhiên, dù kết quả như thế nào thì dư luận cũng hết sức thất vọng đối với hai vị này bởi đã có những hành vi khó chấp nhận trước công luận liên quan đến một vụ việc tranh chấp tài sản. Là người hiểu biết pháp luật, “nắm pháp luật trong tay” thì không nên có những hành động, thái độ như vậy đối với vụ việc đó. Việc đúng sai thế nào, trách nhiệm đến đâu thì cơ quan tiến hành tố tụng sẽ tiếp tục làm rõ để xử lý theo quy định pháp luật" luật sư Đặng Văn Cường nói.