Cảnh tượng trên cánh đồng khô nẻ
Cách thành phố Thái Nguyên khoảng 20km và 16km so với trung tâm huyện Đồng Hỷ, xóm Kim Cương (xã Cây Thị, Đồng Hỷ, Thái Nguyên) có khoảng 30 hộ dân đang sinh sống nằm lọt thỏm phía sau khu khai thác Tầng sâu núi quặng.
Con đường đất men theo bờ của khu quặng khô khốc và luôn hất lớp bụi dày đặc mỗi khi có ai đó đi qua. Bên dưới là khu mỏ khổng lồ có độ sâu đến vài chục mét, dăm chiếc xe ben vốn được mệnh danh là hung thần nay trở nên nhỏ bé thảm hại, ì ạch chở nguyên liệu thô mới cất lên từ lòng đất.
Không đợi nhóm PV nghỉ ngơi sau cuộc hành trình dài, người trong xóm hối hả thúc những người mới đến mau chóng ra cánh đồng để "chiêm ngưỡng" sự lạ...
Cánh đồng lỗ chỗ nằm sát bên hông nhà dân nên chúng tôi không phải đi quá xa để được chứng kiến cảnh tượng quái dị.
Khắp trên cánh đồng khô hạn là bạt ngàn vết nứt, không nguồn sống nên mạ non đã hóa cỏ vàng. Không những thế, những hố tròn sâu hoắm lỗ chỗ khắp nơi khiến người ta dễ liên tưởng về các hố bom hơn là một khoảnh đất canh tác đã từng rất màu mỡ.
|
Hàng trăm hố kì dị như những chiếc bẫy giăng khắp nơi. |
Lỗ chỗ cả cánh đồng.
“Những hố này xuất hiện ở khắp nơi, ngày một nhiều và ngày càng đột ngột hơn”, bà Hương, một người dân trong thôn chia sẻ.
Tới gần hơn, theo những gì nhóm PV ghi nhận, các hố này không hề giống nhau, cái lớn, cái bé, cái nông, cái sâu.. Cá biệt, có chỗ còn sụt sâu đến vài mét, trông như một con vực với tiếng nước từ đâu chảy róc rách, người trong xóm vẫn đùa với nhau rằng đây là con thác Kim Cương.
Cũng bởi mọi thứ quá khô nẻ, nên khi nhìn vào những kẽ nứt rộng ngoác xung quanh miệng hố, có cảm tưởng như nền đất có thể sụt xuống và nuốt chửng kẻ tò mò bất cứ lúc nào.
Chính vì lẽ này, những người dân trong xóm Kim Cương dần dần bỏ hoang ruộng, mà thực tế là muốn gieo trồng cũng không được vì không lấy đâu ra nước tưới ruộng.
“Trước đây đã có người đang dùng máy cày thì đất sụt xuống kéo cả người và máy xuống”, chị Thanh, một người dân khác lên tiếng. May mắn rằng chưa có thiệt hại nào về người nhưng nhìn vào đó, cả xóm Kim Cương không ai không thấy bải hoải.
Dù đã nhiều lần phải tự lấp đất vào hố, nhưng cứ lấp chỗ này, đất chỗ khác lại sụt xuống tạo ra hố mới nên những người dân xóm Kim Cương cũng chán nản.
Nhà cửa nứt toác, người dân sống trong sợ hãi
Cánh đồng khô cằn lỗ chỗ, mất nước khiến những bữa cơm vốn không dư dả của người dân xóm Kim Cương thêm phần đói kém. Nhóm PV đã tận mắt chứng kiến cảnh chia nhau từng chai nước nhỏ để nấu ăn, để uống...
Nhưng chưa dừng lại đó, sự sợ hãi đã xâm lấn vào tận giấc ngủ, mối nguy hiểm trực chờ lan đến tận đầu giường của người xóm này.
Đây là nỗi lo sợ cho sự sụp xuống của những ngôi nhà sát bên cánh đồng “tổ ong” vốn tưởng đã quá ọp ẹp, lại được sự “cộng tác” của các kẽ nứt xuất hiện một cách bí hiểm, ngày một lớn. PV chúng tôi đã ghi lại được hình ảnh bị rạch ngang dọc khắp nhà, khắp sân trên các bức tường.
|
Mảng tường lớn bị nứt ngay trên đầu giường trong một nhà dân. |
Trong câu chuyện tếu táo, lão nông tên Hòa nói đùa: “Ruộng sụt được thì nhà cũng sụt được. Thanh niên thì còn nhanh chân chạy được chứ già như tôi thì chạy vào đâu”, “Chạy thế nào được mà chạy? Nó sập từ cửa thì chạy lên nóc nhà à?”, một anh thanh niên cười sằng sặc.
Đùa nhưng không phải là đùa, họ chỉ đang cố tìm tiếng cười trong sự sợ hãi, chúng tôi nhận thấy điều này từ những cái xuýt xoa ở những người đàn bà.
Trên thực tế, hiện tượng "kinh dị" này chỉ diễn ra trong khoảng thời gian 2 năm qua. Đây là khoảng thời gian trùng với sự xuất hiện của khu khai thác tầng sâu núi quặng, được khai thác bởi các đơn vị được sự cấp phép của các cấp chính quyền tỉnh Thái Nguyên.
Theo lời kể của người dân xóm Kim Cương, từ khi các đơn vị này khai thác thì việc mìn nổ, xả thải diễn ra vô tội vạ, đây được cho là nguyên nhân ban đầu dẫn đến những sự việc kể trên.
Để tìm hiểu thông tin, nhóm PV báo Người Đưa Tin đã tiếp tục có những cuộc trao đổi với UBND xã Cây Thị, UBND huyện Đồng Hỷ, UBND tỉnh Thái Nguyên và các đơn vị liên quan. Chúng tôi sẽ chuyển tải đến quý độc giả trong những bài viết tiếp theo.
>>> Mời quý độc giả xem video tác hại của bom mìn (nguồn VTV):