Đơn vị vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông có thể tiếp tục diễn tập tình huống nhưng không thông báo với hành khách. Việc bị bất ngờ có thể khiến quyền lợi hành khách bị ảnh hưởng, nhiều công việc bị dở dang.
|
Ông Vũ Hồng Trường cho biết, sự cố mất tín hiệu khiến tàu dừng hoạt động 30 phút vào ngày 7/12 chỉ là phương án diễn tập. |
Diễn tập tình huống… không báo trước
Sáng 13/12, tư vấn đánh giá an toàn tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã đề nghị, công tác vận hành tuyến ĐSĐT 2A Cát Linh – Hà Đông nên diễn tập một số tình huống sự cố khẩn cấp, có yếu tố bất ngờ (không báo trước), trong 63 tình huống khẩn cấp có thể gặp trong quá trình vận hành khai thác theo quy trình đã được phê duyệt.
Trước đó, vào ngày 07/12/2021 Sở Giao thông Vận tải đã kích hoạt tình huống khẩn cấp bất ngờ mất điện tín hiện tại ga Cát Linh (Công ty không được báo trước) để test phản ứng và năng lực xử lý tình huống từ Lãnh đạo Công ty đến nhân viên vận hành cũng như công tác phối hợp giải tỏa, trung chuyển hành khách. Đặc biệt, để hành khách cũng quen dần với các tình huống tương tự có thể xảy ra trong quá trình vận hành khai thác. Đại diện Công ty Metro Hanoi cho biết tới đây, sẽ tiếp tục có những tình huống được diễn tập theo yêu cầu và không được báo trước để đảm bảo tính bất ngờ.
Tình huống được cho là diễn tập xảy ra vào tối 7/12, ga Cát Linh bất ngờ xảy ra sự cố mất tín hiệu, khiến tàu Cát Linh - Hà Đông phải dừng hoạt đông khoảng 30 phút. Trên tàu thời điểm đó có khoảng 40 đến 50 hành khách. Ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Metro Hà Nội cho biết, sự cố mất tín hiệu ở ga Cát Linh là tình huống diễn tập bất ngờ của cơ quan quản lý, không được báo trước.
"Kịch bản cho tình huống này không được thông báo trước để đảm bảo tính khách quan trong quá trình kiểm tra, khiến hành khách hiểu lầm là có sự cố. Chúng tôi đã ứng phó và khôi phục chạy tàu đúng theo kịch bản", ông Trường nói.
Ảnh hưởng tới quyền lợi, hành khách có thể khởi kiện
Liên quan đến thông tin trên của Metro Hà Nội, nhiều hành khách tỏ ra bức xúc và không đồng tình. Chị Nguyễn Thu Hoà - (Nguyễn Văn Trỗi, Hà Đông, Hà Nội) cho biết, chị là người có bị kẹt ở ga Cát Linh tối 7/12 do không lên được tàu và phải đứng chờ mất 30 phút. “Rất may lúc đó hết giờ làm, nếu là giờ đi làm buổi sáng chắc chắn tôi đã không kịp đến cơ quan. Nếu bị phạt đi muộn công ty đường sắt trên cao có nộp phạt thay cho tôi không?”, chị Hoà bức xúc.
|
Tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông diễn tập mà không thông báo với hành khách. |
Cùng quan điểm trên, anh Phạm Quang Hùng (Cầu Đơ, Hà Đông, Hà Nội) cho rằng phía đường sắt Cát Linh - Hà Đông không thể tự ý diễn tập mà không hỏi ý kiến hành khách được. “Chúng tôi đi trả tiền đi tàu và không thể trở thành chuột bạch thí nghiệm cho đường sắt. Nếu tôi đang có việc gấp thì sẽ phải đứng chờ bao lâu cho phương án diễn tập bất ngờ?”, anh Hùng thắc mắc.
Chia sẻ với áp lực từ dư luận với tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, bác Vũ Văn Tài - nhân viên an toàn đường sắt (đã nghỉ hưu) cho rằng việc diễn tập là cần thiết nhưng không được phép coi hành khách là “chuột bạch”, đặt khách vào thế khó. “Tối thiểu cũng phải công bố chi tiết 63 tình huống sẽ diễn tập và thông báo trước một ngày sẽ diễn tập phương án để hành khách biết. Còn diễn tập phương án nào, thời điểm nào thì cũng có thể bí mật để tạo bất ngờ”, bác Tài gợi ý.
Trao đổi với PV báo Tri thức và Cuộc sống, Luật sư Nguyễn Anh Dũng - Đoàn LS TP Hà Nội cho biết, việc thực hiện phương án diễn tập để đảm bảo an toàn khi xảy ra sự cố là điều nên làm nhưng không được phép làm ảnh hưởng tới quyền lợi của hành khách. Theo luật sư Dũng, Luật Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng có cấm hành vi: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về dịch vụ cung cấp làm ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng”. Ngoài ra, Điều 60, Chương VI, Luật đường sắt số 06/2017/QH14 ngày 16/06/2017 quy định quyền, nghĩa vụ của hành khách cụ thể: “Được hoàn trả tiền vé, bồi thường thiệt hại và các chi phí phát sinh khi bị thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản do lỗi của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt theo quy định của pháp luật”.
Theo Luật sư Dũng, việc đơn vị kinh doanh tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông muốn diễn tập phương án phải cung cấp đầy đủ thông tin với hành khách, không để hành khách bất ngờ, ảnh hưởng đến thời gian, công việc của hành khách. “Nếu công việc, quyền lợi của hành khách bị ảnh hưởng do phương án diễn tập bất ngờ của phía đường sắt Cát Linh - Hà Đông gây ra thì có thể khởi kiện đơn vị vận hành”, luật sư Dũng nói.