Trước đó, đầu tháng 8 vừa qua, Hội đồng tiền lương quốc gia đã họp phiên đầu tiên, bàn thảo về việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2024. Kết thúc phiên họp thứ nhất, Hội đồng tiền lương quốc gia thống nhất thời điểm họp các phiên tiếp theo diễn ra vào quý 4 năm nay, thay vì vào tháng 7, tháng 8 như thông lệ.
Tại phiên họp, đại diện người lao động, chủ sử dụng lao động đã trình bày các căn cứ, mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2024. Về cơ bản, tất cả các thành viên đều chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp, chia sẻ với đời sống của công nhân, người lao động khi thu nhập chưa đảm bảo mức sống tối thiểu. Tại phiên họp này, công đoàn mong muốn mức điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2024 tăng từ 5 đến 6%.
Bà Phạm Thị Thu Lan, Phó Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết: "Quan điểm của công đoàn là tăng lương cho người lao động và chúng tôi cũng rất mừng là ở phiên 1 - phiên họp đầu tiên mặc dù là chưa thống nhất được mức tăng là bao nhiêu. Thế nhưng cũng đã thống nhất là phải tăng lương cho người lao động và mức tăng nó phải đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động bù lạm phát và đảm bảo mức sống của người lao động. Tuy nhiên thì, mức cụ thể thì Hội đồng tiền lương quốc gia cũng thống nhất là cần phải tính toán mức sống tối thiểu để xem mức cụ thể là như thế nào để có phương án tăng lương cho đáp ứng và sẽ thương lượng lại. Tuy nhiên, công đoàn rất mong muốn là nguyện vọng của người lao động được đáp ứng".
Bà Phạm Thị Thu Lan cũng cho hay, đã tiến hành khảo sát về đời sống, việc làm và tâm tư nguyện vọng của người lao động để có những thông tin hỗ trợ cho thương lượng tiền lương tối thiểu.
"Hằng năm, khi đến các đợt để mà thương lượng tiền lương tối thiểu thì Viện công nhận công đoàn, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam thì đều có tiến hành khảo sát về đời sống, việc làm rồi tâm tư nguyện vọng của người lao động để có những thông tin hỗ trợ cho thương lượng tiền lương tối thiểu. Thế thì năm nay thì chúng tôi khảo sát với khoảng gần 3.000 người lao động và cũng phủ các ngành khác nhau và trong các loại hình doanh nghiệp khác nhau. Thì kết quả khảo sát của chúng tôi cho thấy là đời sống của người lao động rất là khó khăn. Mức lương cơ bản trung bình của người lao động hiện nay theo khảo sát là khoảng hơn 6 triệu đồng/tháng. Đây là mức lương mà đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, chưa kể làm thêm và chưa tính các khoản phụ cấp. Mức lương này, lương cơ bản này nó cũng đã cao hơn lương tối thiểu rồi. Cao hơn khoảng từ 37 đến 51, 52% so với cả lương tối thiểu. Tùy theo doanh nghiệp, tùy theo vùng lương. Và người lao động qua khảo sát thì cũng thấy là hơn 75% người lao động họ nói rằng: Tiền lương và thu nhập là không đáp ứng được nhu cầu chi phí sinh hoạt cơ bản hàng tháng của họ", bà Lan nói.
Tại phiên họp thứ nhất, bộ phận kĩ thuật của Hội đồng tiền lương quốc gia đã đưa ra đề xuất tăng lương tối tiểu vùng vào thời điểm từ ngày 1/1/2024 hoặc từ ngày 1/7/2024. Mức đề xuất tăng lương tuân theo nguyên tắc làm sao để lương tối thiểu phải bằng hoặc cao hơn mức sống tối thiểu của người lao động.
Hiện, mức lương tối thiểu tháng đang được áp dụng tại Việt Nam từ 1/7/2022 đến hết ngày 30/12/2023 theo 4 vùng gồm: Vùng 1 là 4.680.000 đồng/người/tháng; vùng 2 là 4.160.000 đồng/người/tháng; vùng 3 là 3.640.000 đồng/người/tháng và vùng 4 là 3.250.000 đồng/người/tháng.
Về mức lương tối thiểu giờ, vùng 1 là 22.500 đồng/giờ, vùng 2 là 20.000 đồng/giờ, vùng 3 là 17.500 đồng/giờ, vùng 4 là 15.600 đồng/giờ.