Mẹ ơi, con đã về!
Sau khi cứu được người, chúng tôi đi theo hướng cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) để về lại Việt Nam. Do 5 người theo chúng tôi về thuộc trường hợp nhập cảnh trái phép nên khi làm thủ tục xuất nhập cảnh tại cửa khẩu phải đóng tiền phạt theo quy định. Tuy nhiên, do chúng tôi đã khai báo nên lực lượng chức năng tại cửa khẩu đã tạo điều kiện thuận lợi nhất trong quá trình làm thủ tục cho các nạn nhân hồi hương.
|
Bà M bật khóc khi nghe con kể bị đánh đập tại Campuchia
|
Sau khi về đến Bình Dương, anh Nguyễn Thanh Hải đã bố trí nơi ở cho các nạn nhân để chờ người thân đến đón. Bà N.T.M từ tỉnh Sóc Trăng sau khi nhận được thông tin đã đến Bình Dương đón con về trong niềm hạnh phúc. Ban đầu, bà M tỏ ra bình thường nhưng sau khi nghe em N.T.L kể lại việc bị nhốt trong kho để đánh đập, chích điện thì bà bật khóc. “Lúc nhận cuộc gọi nói lên Bình Dương đón con về vì con đang bị thương, tôi không nghĩ L lại bị nhốt và đánh đập ở Campuchia. Tháng 4/2022, L lên Bình Dương xin việc làm, ban đầu cũng có liên lạc nhưng sau này con không gọi nữa. Tôi cứ nghĩ con không quan tâm mình chứ không biết con mình bị lừa qua bên kia” - bà M gạt nước mắt cho hay.
Tổng lãnh sự quán Việt Nam ở Sihanoukville (tỉnh Preah Sihanouk, Campuchia) mỗi ngày nhận được hàng chục thông tin nhờ giải cứu từ nhiều nguồn khác nhau. Từ đầu năm 2022 đến nay, Tổng lãnh sự quán đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng của nước bạn tổ chức khoảng 50-60 cuộc kiểm tra, đưa hơn 600 trường hợp ra khỏi những cơ sở lao động trái phép và hỗ trợ về nước. Từ năm 2021 đến nay, hơn 800 công dân được giải cứu tại địa bàn tỉnh Preah Sihanouk (Campuchia).
N.T.L khi gặp lại người thân thì bật khóc và ôm chầm lấy mẹ. “Mẹ ơi, con đã về. Con sai rồi. Con xin lỗi mẹ. Các chú đã cứu sống con. Gần 4 tháng qua ở bên kia, con bị đánh đập, chích điện. Họ chích điện cho đến khi hai cánh tay của con không còn phản xạ mới dừng lại. Những lần bị đánh, con nghĩ sẽ chẳng còn cơ hội được trở về gặp mẹ nữa” - L nghẹn ngào kể lại với mẹ trước sự chứng kiến của chúng tôi.
Trong khi đó, chị N.T.L, người thân của em D.T.K (quê Trà Vinh), cho biết khi biết được thông tin có hàng chục người Việt Nam bỏ trốn khỏi một casino và bơi qua sông về An Giang, gia đình nghĩ đến K. Gọi điện thoại cho K thì không liên lạc được khiến mọi người trong gia đình càng lo lắng hơn. “Khi ở nhà, K ít nói chuyện với mọi người, luôn có thái độ bất mãn. Thế nên, tôi vẫn nghĩ chắc K cố tình tránh né người thân, không nghĩ K bị lừa qua Campuchia” - chị L chia sẻ.
Giao chỉ tiêu… lừa người
|
Các nạn nhân sau khi được giải cứu và trở về Việt Nam
|
Nạn nhân D.T.K cho chúng tôi biết, thông qua mạng xã hội, K được một người tự xưng tên là Tiến nói rằng qua nước bạn làm bảo vệ ở casino với mức lương ban đầu 800 USD/tháng. “Sau vài lần trò chuyện qua mạng, tôi tin tưởng Tiến nên đồng ý qua bên đó làm việc. Tôi nghĩ, với mức lương như thế, nếu tiết kiệm sẽ có khoản tiền không nhỏ để lo cho tương lai sau này. Tôi từ Trà Vinh đến TPHCM theo điểm hẹn và được chở bằng xe khách qua cửa khẩu” - K nhớ lại.
Nạn nhân N.T.N (quê Kiên Giang) cho biết: “Có rất nhiều người Việt Nam, Trung Quốc và cả Campuchia bị giam lỏng và làm việc theo yêu cầu của các quản lý. Nhóm năm người tụi em được phân làm chung một tổ. Sở dĩ tụi em liên lạc được ra bên ngoài là nhờ tính chất công việc được giao”. Theo lời kể của N, công việc hằng ngày của em là lên mạng xã hội và dùng điện thoại để gọi điện lừa đảo bằng nhiều hình thức khác nhau, miễn là có được tiền nạn nhân chuyển vào tài khoản.
|
Định vị quá trình nhóm giải cứu các nạn nhân di chuyển trên lãnh thổ nước bạn Campuchia
|
“Mỗi người được giao phải lừa mỗi tháng 1.000 USD. Tụi em rất khó để đáp ứng chỉ tiêu, nhưng không còn lựa chọn khác. Tháng nào ai không lừa đủ tiền thì sẽ bị lôi ra đánh đập, bắt nhịn đói. Ở đó, họ vẫn khẳng định trả lương cho tụi em 800 USD/tháng nhưng chắc chắn không ai nhận được tiền lương. Họ đưa ra đủ loại quy định. Đi vệ sinh quá 5 phút cũng bị trừ lương. Cứ như thế tháng nào cũng bị âm tiền, bất kể hoàn thành chỉ tiêu” - N cho hay.
Cũng theo N, hầu hết những người phía bên kia cho chuộc về đều bị hành hạ thể xác và không có khả năng kiếm được tiền bằng các hình thức lừa đảo người khác. Sau khi thấy các nạn nhân không có khả năng làm việc, những người quản lý sẽ đưa ra hai cách giải quyết. Đề nghị các nạn nhân liên lạc với người nhà đưa tiền chuộc người, hoặc đưa qua Thái Lan bán lại cho một tổ chức khác. “Có không ít trường hợp không liên lạc được với người nhà nên đã bị đưa đi bán lại nơi khác”- N kể.
Trong số 5 nạn nhân được giải cứu, N.M.V (quê Tiền Giang) là nhỏ tuổi nhất. V cho biết em mới 16 tuổi, qua nước bạn làm việc được hơn 4 tháng nhưng chưa lần nào hoàn thành chỉ tiêu, bởi em không có “năng khiếu” lừa đảo người khác.
“Em thường xuyên lên mạng tìm kiếm người để lừa đảo và biết được thông tin những người bỏ chạy, lội qua sông để về An Giang. Từ đó, em có suy nghĩ, chỉ cần có cơ hội em sẽ bỏ trốn. Cũng có lúc họ lơ là nhưng em không thể chạy trốn vì không biết sau khi chạy ra ngoài sẽ đi đâu và nếu bị bắt lại chắc chắn khó sống. Em cũng nghĩ, nếu mình có may mắn chạy thoát thì những người ở lại sẽ thế nào? Tụi em ở Việt Nam dù không biết nhau nhưng khi qua bên đó làm việc xem nhau như người cùng một nhà” - V nói.
Đại tá Nguyễn Thanh Điệp, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cho biết, mặc dù địa phương không có cửa khẩu biên giới với Campuchia nhưng để tránh trường hợp người dân bị lừa ra nước ngoài, công an đã liên tục cảnh báo bằng tờ rơi, kênh thông tin đại chúng. Trong trường hợp người Việt tại Campuchia cần trợ giúp, có thể liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia qua số điện thoại 855-974056789 hoặc Tổng đài bảo hộ công dân (0981848484).