Tận dụng “thời gian vàng” khi thực hiện Chỉ thị 16 để truy vết

Google News

TP.HCM có thể tiếp tục giãn cách thêm 1-2 tuần, việc truy vết tại đây không hiệu quả, nhưng 18 tỉnh phía Nam còn lại cần tận dụng thời gian vàng truy vết quyết liệt, không để lọt F0, F1 ở cộng đồng.

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, tổng cộng trong ngày 28/7, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 cho thấy cả nước có 6.559 ca mắc mới, trong đó 4 ca nhập cảnh và 6.555 ca trong nước.
Tan dung “thoi gian vang” khi thuc hien Chi thi 16 de truy vet
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi tình hình phòng, chống dịch COVID-19 với lãnh đạo tỉnh Long An. (Ảnh: Thanh Bình/TTXVN) 
Trong số này, tại Thành phố Hồ Chí Minh 4.449 ca, Bình Dương 631 ca, Đồng Nai 271 ca, Đồng Tháp 244 ca, Khánh Hòa 147 ca, Tây Ninh 120 ca, Trà Vinh 92 ca, Bến Tre 84 ca, Hà Nội 74 ca, Cần Thơ 71 ca, Phú Yên 64 ca, Bà Rịa-Vũng Tàu 56 ca, Đà Nẵng 50 ca, Bình Thuận 32 ca, Tiền Giang 30 ca, Ninh Thuận 25 ca, An Giang 24 ca, Đắk Lắk 13 ca, Sóc Trăng, Vĩnh Phúc mỗi địa phương 12 ca, Quảng Nam 11 ca, Hải Dương, Hậu Giang mỗi địa phương 6 ca, Thái Nguyên 5 ca, Gia Lai, Ninh Bình mỗi địa phương 4 ca, Hà Giang, Bình Phước mỗi địa phương 3 ca, Bình Định, Thừa Thiên-Huế, Hà Tĩnh, Cà Mau mỗi địa phương 2 ca, Đắk Nông, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Thanh Hóa mỗi địa phương 1 ca; có 1.184 ca trong cộng đồng.
Tính đến chiều 28/7, Việt Nam có tổng 2.207 ca nhập cảnh và 118.612 ca mắc trong nước. Số ca mắc mới kể từ ngày 27/4 đến nay là 117.042 ca, trong đó có 24.683 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Trong ngày 28/7 có 4.511 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 27.457 ca.
Tiểu ban điều trị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết, trong các ngày từ 19-26/7 có 106 ca tử vong do COVID-19, từ số 525-630 ca tại 6 tỉnh, thành phố gồm: Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 19-26/7 có 91 ca; Bà Rịa-Vũng Tàu ngày 20/7 có 1 ca; Đồng Tháp từ ngày 23-24/7 có 2 ca; Đồng Nai ngày 25/7 có 1 ca; Kiên Giang ngày 26/7 có 2 ca; Long An ngày 22-26/7 có 9 ca.
Hướng tới mục tiêu giảm F0, tỷ lệ tử vong và bệnh nhân diễn biến nặng
Chiều 28/7, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với 19 tỉnh, thành phố phía Nam về công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, dịch COVID-19 đã lan rộng và sâu, nhất là ở Thành phố Hồ Chí Minh, một phần Long An, Bình Dương, Đồng Nai.
Vừa qua, các bộ, ngành, Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ đã vào Thành phố Hồ Chí Minh và thống nhất được phương án điều chỉnh chống dịch cho phù hợp với tình hình mới của Thành phố Hồ Chí Minh nhằm đạt được mục tiêu giảm F0 và giảm tỷ lệ tử vong, giảm bệnh nhân có diễn biến nặng lên.
"Muốn vậy phải làm đồng bộ, tăng cường tối đa cơ sở điều trị ở các cấp độ khác nhau, trang thiết bị, nhân lực, tập trung cho tuyến đầu chống dịch. Bên cạnh đó vẫn phải bảo đảm việc chăm sóc, cứu chữa các bệnh không phải COVID-19. Riêng đối với bệnh COVID-19 phải phân tầng lớp để làm tốt ở mỗi tầng, chăm sóc thật tốt các F0 không có triệu chứng," Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Đề cập đến công tác chống dịch tại “tâm dịch” Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, cách chống dịch của Thành phố phải khác với các tỉnh khác, ngay trong Thành phố có “vùng xanh” Cần Giờ, Củ Chi cũng có cách thực hiện khác so với địa bàn khác của Thành phố.
Chia sẻ về sự vất cả, cống hiến hết mình của đội ngũ y tế hiện nay, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: Khi thực hiện Chỉ thị 15, Chỉ thị 16, lực lượng y tế và tuyến đầu chống dịch Thành phố Hồ Chí Minh đã hy sinh rất nhiều, mệt mỏi về thể trạng và căng thẳng tâm lý. Vì thế, tất cả mọi người phải cùng nhau tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, động viên kịp thời cho đội ngũ y bác sỹ và các lực lượng tuyến đầu… 
Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng, Tổ trưởng Tổ đặc biệt của Chính phủ cho biết, việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thời gian qua ở một số địa phương chưa nghiêm, cần phải xem lại, kiểm tra lại để thực hiện cho đúng, cho hiệu quả. Hiện nay, vẫn chưa kiểm soát được việc đi lại của người dân đặc biệt từ 6 giờ sáng đến 18 giờ cùng ngày.
Còn theo Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an, hiện nay, việc truy vết tại Thành phố Hồ Chí Minh không hiệu quả nhưng 18 tỉnh phía Nam còn lại cần tận dụng thời gian vàng khi thực hiện Chỉ thị 16 để truy vết một cách quyết liệt, triệt để, không để lọt F0, F1 ngoài cộng đồng, không để F0, F1 “lang thang” ngoài cộng đồng quá lâu, lây nhiễm 2-3 chu kỳ khiến dịch bùng phát.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các tỉnh phải bảo đảm lưu thông hàng hóa nhưng kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, không kiểm tra trên đường đi nhưng điểm đầu và điểm cuối phải kiểm tra, quản lý chặt.
Các tỉnh phải chủ động, không được bị động, phải có trách nhiệm cộng đồng, chấm dứt tình trạng xe máy di chuyển từng đoàn về các địa phương. Các tỉnh, thành phía Nam tranh thủ thời gian vàng thực hiện Chỉ thị 16 để làm sạch vùng dịch, củng cố hậu phương cho Thành phố Hồ Chí Minh.
Phát huy hiệu quả hoạt động của Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Long An ngày 28/7 về công tác phòng, chống dịch.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu tỉnh Long An phải thực nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Lực lượng phòng, chống dịch phải đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng, tuyên truyền để người dân thực hiện. Những nhà trọ, có nhiều người, chưa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, các cấp chính quyền phải có phương án phân khúc giãn cách, cùng với đó tập trung chăm lo thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội…
Thành phố Hồ Chí Minh có thể thực hiện giãn cách xã hội thêm 1-2 tuần
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi thông tin cho biết: Thành phố Hồ Chí Minh đã bước sang ngày thứ 20 thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nhưng dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu giảm xuống, các ca bệnh vẫn tiếp tục tăng lên.
Vì vậy, Thành phố cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả các biện pháp theo tinh thần của Chỉ thị 16 trên, Chỉ thị 12 của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và các chỉ đạo của UBND Thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, sau ngày 1/8, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đánh giá lại tình hình và có thể cần thêm thời gian thực hiện giãn cách xã hội thêm 1 đến 2 tuần.
Nhiệm vụ hàng đầu của ngành y tế Thành phố hiện nay là nâng cao công tác thu dung, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19, bao gồm cả áp dụng phương án cách ly bệnh nhân mắc COVID-19 (các F0, F1) không triệu chứng tại nhà.
Các số liệu thống kê và ý kiến chuyên gia chỉ rõ khoảng 70-80% bệnh nhân COVID-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ sẽ tự khỏi sau một khoảng thời gian. Trong đợt dịch vừa qua, số bệnh nhân COVID-19 tăng cao khiến công tác cách ly, điều trị của thành phố dần quá sức.
Tan dung “thoi gian vang” khi thuc hien Chi thi 16 de truy vet-Hinh-2
Các chốt kiểm soát được thiết lập từ 18 giờ ngày 26/7/2021. (Ảnh: Thành Chung/TTXVN) 
Với số ca mắc COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện là trên 70.000 người, ông Phan Văn Mãi nhận định, việc chuyển chiến lược sang tập trung điều trị, chăm sóc bệnh nhân có triệu chứng nặng và bệnh lý nền là cần thiết.
Bên cạnh đó, việc cách ly bệnh nhân COVID-19 sau điều trị hoặc các ca dương tính không triệu chứng tại nhà, kết hợp với các phương án giám sát, tư vấn phù hợp, tạo cơ chế phản ứng nhanh sẽ giúp giảm tải áp lực lên cơ sở thu dung.
Nhằm giảm ca tử vong, bệnh viện hồi sức COVID-19 đang tiếp tục hoàn thiện để nâng công suất tối đa là 1.000 giường; đồng thời huy động các bệnh viện lớn, bệnh viện tư nhân uy tín tham gia điều trị, hồi sức các bệnh nhân rất nặng.
Với yêu cầu đẩy nhanh tiến độ việc tiêm chủng, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ triển khai tiêm vaccine cho người dân sau 18 giờ và đơn giản hóa quy trình cũng như lực lượng tham gia đội hình tiêm vaccine.
Đến 16 giờ ngày 28/7, Thành phố Hồ Chí Minh đã tiêm vaccine cho 300.000 người. Tốc độ tiêm dần nâng lên, ngày 28/7 đã tiêm được 70.000 người. Với tốc độ này, việc tiêm chủng dự kiến hoàn thành trong 2-3 tuần.
Ngày 28/7, Bệnh viện Dã chiến thu dung, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 số 16 được đưa vào hoạt động; Thành phố Hồ Chí Minh có thêm 4.353 bệnh nhân mắc COVID-19 xuất viện trong ngày 27/7, nâng tổng số ca được điều trị khỏi bệnh lên 21.338 người.
Bệnh viện Dã chiến thu dung, điều trị COVID-19 số 16 của Thành phố Hồ Chí Minh đóng tại phường Phú Thuận, Quận 7, chính thức đi vào hoạt động từ ngày 28/7 với quy mô gần 3.000 giường bệnh.
Trong ngày đầu tiên, Bệnh viện Dã chiến số 16 đã lắp đặt hoàn thiện gần 700 giường và hai ngày tới sẽ nhận bàn giao tiếp 500 giường bệnh. Số giường còn lại sẽ được hoàn thành vào đầu tháng 8/2021. Như vậy, đến nay Thành phố Hồ Chí Minh có 38 bệnh viện thu dung, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 với công suất hơn 50.000 giường bệnh.
Tính từ ngày 27/4 đến nay, Thành phố đã có hơn 74.800 trường hợp mắc COVID-19. Hiện Thành phố đang điều trị cho 39.114 bệnh nhân dương tính, trong đó có 744 bệnh nhân nặng đang thở máy và 13 bệnh nhân can thiệp ECMO; cộng dồn đến nay có 815 bệnh nhân tử vong.
Theo TTXVN

>> xem thêm

Bình luận(0)