Tân Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh: Hãy bắt đầu bằng đường sắt Cát Linh

Google News

Từng có một câu hỏi được đặt ra: Hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội sẽ đấu nối thế nào, liên kết ra sao khi đường sắt Nhổn thì công nghệ Pháp, đường sắt Cát Linh thì công nghệ Trung Quốc và 4-5 cái còn lại không biết chừng lại công nghệ Nhật, Mỹ!

Tan Chu tich Ha Noi Chu Ngoc Anh: Hay bat dau bang duong sat Cat Linh
Đường sắt Cát Linh- Hà Đông trở thành nơi bán nước, trồng rau, chém gió không thể kết nối với các dự án đường sắt khác vì khác công nghệ, thiếu kết nối với các phương tiện giao thông khác. Ảnh; Hải Nguyễn/LĐO 
Câu hỏi ấy đúng là giật mình. Ở cả vấn đề quy hoạch giao thông, cả ở cái mà chúng ta gọi là công nghệ.
Nhớ trong một hội thảo, Thứ trưởng Bộ KHĐT Vũ Đại Thắng từng cực kỳ thẳng thắn là “khả năng tiếp cận công nghệ nước ta vẫn nhập khẩu tất cả các trang thiết bị”.
Dẫn ra các dự án đường sắt đô thị (ĐSDT), ông Thắng nói: khả năng làm chủ công nghệ yếu đến mức “lệ thuộc hoàn toàn vào nước ngoài”.
Ngay cả dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam nữa, báo cáo của liên danh tư vấn “Việt Nam có thể chủ động 50% về công nghệ”, nhưng Thứ trưởng Vũ Đại Thắng khẳng định: Thực tế chúng ta chỉ chủ động về… ximăng, cát, đá sỏi...
Tiếp cận công nghệ bằng cách nhập khẩu tất tật, đúng kiểu đổi “i Lúa” lấy iPhone.
Làm chủ công nghệ là làm chủ công nghệ lệ thuộc công nghệ.
Và chỉ chủ động được mỗi “công nghệ ximăng cát sỏi”.
Nghe thật đúng và cũng thật đau.
Mở ngoặc là hệ thống đường sắt ra đời năm... 1881 đã có một lịch sử trăm năm không ít hào hùng.
Nếu giao thông được coi là một “quả đấm thép” đối với phát triển KTXH thì hoá ra chúng ta đang phải nhập khẩu luôn cả công nghệ làm quả đấm với giá trị gia tăng, thuộc về phạm trù nội lực- chỉ là mồ hôi mà thôi.
Nói câu chuyện công nghệ đường sắt hôm nay là để khẳng định vai trò “quốc sách hàng đầu” mang tính chất động lực mà các nghị quyết Trung ương không ít lần nhắc tới.
Hôm rồi, giữa Bộ KHCN, Bộ KHĐT vừa diễn ra một cuộc họp với nhiều mỹ từ nghe rất thích.
Sau khi Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đánh giá cao sự phối hợp nhịp nhàng, linh hoạt và chặt chẽ chưa từng có giữa hai Bộ..., Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng liền đáp lời rằng ngành KHCN “đã lấy lại được vị thế của mình”, thậm chí “Chưa bao giờ từ KHCN và đổi mới sáng tạo lại được nhắc đến nhiều như vậy”.
Ông Dũng cũng mong muốn Bộ KHCN cần tạo ra những dự án có ý nghĩa như những “cú đấm thép” để có thể tận dụng cơ hội bứt phá trong cuộc cách mạng 4.0.
Đúng thế đấy, người dân thực mong các vị bộ trưởng hay thị trưởng kỹ trị đưa khoa học vào dự án thay vì hoa hồng.
Người dân mong các vị bộ trưởng quan tâm tới mấy cái dự án giao thông, đặc biệt là các dự án đường sắt đô thị như Cát Linh.
Chứ giờ, nó bầy hầy, lùng nhùng delay miên man kéo dài từ thâp kỷ nọ sang thập kỷ kia. Đội vốn kỷ lục. Vay mượn tứ tung, nợ nần chồng chất.
Chứ giờ, mỗi thứ một công nghệ, mỗi thứ chạy một kiểu. Mà cũng còn chưa biết lúc nào nó mới chạy.
Chứ giờ, dân chúng nản lòng lắm rồi.
Tân Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh: Hãy bắt đầu bằng đường sắt Cát Linh- Hà Đông.
Theo Anh Đào/Lao Động

>> xem thêm

Bình luận(0)