Khống chế số lượng nhà thầu để kiểm soát chặt tiến độ, chất lượng công trình
PV Báo Tuối trẻ: Tại lễ khởi công xây dựng cao tốc Cam Lộ - La Sơn vào tháng 9/2019, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phải đảm bảo tiến độ, chất lượng và quản lý dự án đúng quy định, chống thất thoát, tiêu cực. Bộ GTVT đã có các giải pháp gì để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong quá trình triển khai 3 dự án đầu tư công chuẩn bị khởi công gồm: Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây?
|
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông phát biểu tại buổi họp báo |
Ông Nguyễn Duy Lâm (Cục trưởng Cục QLXD&CLCTGT - Bộ GTVT): Để đảm bảo công bằng, minh bạch và lựa chọn được những nhà thầu tốt nhất, căn cứ quy định của Luật Đấu thầu, Nghị định 63/2014, Nghị định 100/2018, Thông tư 03/2015 của Bộ KH&ĐT vàcác quy định có liên quan, Bộ GTVT đã phê duyệt hồ sơ mời thầu của 3 dự án với các yêu cầu tối thiểu mà các nhà thầu phải đáp ứng về năng lực, kinh nghiệm, tài chính… khi tham gia đấu thầu.
Vừa qua, khi triển khai một số dự án giao thông còn một số ý kiến cho rằng có quá nhiều nhà thầu phụ. Rút kinh nghiệm từ các dự án triển khai từ trước tới nay, đặc biệt là từ 3 dự án cao tốc Bắc - Nam đã triển khai xây dựng (Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2), chúng tôi đã nỗ lực triển khai tốt hơn 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam chuyển đổi từ PPP sang đầu tư công gồm: Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây.
Trong hồ sơ mời thầu của 3 dự án này, chúng tôi đã quy định rất rõ nhằm khống chế số lượng các nhà thầu tham gia. Cụ thể, trong hồ sơ mời thầu quy định rõ số lượng thành viên trong liên danh không quá 3 thành viên.
Nhà thầu đứng đầu liên danh phải đảm nhận công việc nhiều nhất trong liên danh và từng thành viên tham gia trong liên danh phải thực hiện khối lượng công việc không thấp hơn 25% giá trị gói thầu.
|
Nhà thầu vi phạm về tiến độ tại 3 dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây sẽ bị xử phạt nặng (ảnh minh họa) |
Đối với nhà thầu phụ xây lắp, tỷ lệ giao thầu phụ không quá 30% giá trị hợp đồng và nhà thầu chính phải thực hiện các công việc quan trọng chính yếu của gói thầu.
Chúng tôi đưa ra quy định như vậy để khống chế khối lượng được giao cũng như phạm vi công việc của nhà thầu phụ từ đó sẽ kiểm soát được số lượng nhà thầu phụ tham gia vào các gói thầu.
Đây là quy định mới trong hồ sơ mời thầu lần này.
PV Báo Đầu tư: Bộ GTVT có thể công bố danh tính các nhà thầu trúng thầu 3 dự án đầu tư công chuẩn bị khởi công xây dựng?
Ông Nguyễn Duy Lâm: Đến ngày 30/9/2020, Bộ GTVT sẽ hoàn tất các thủ tục theo quy định của pháp luật các điều kiện khởi công 3 dự án Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây. Hiện nay, các dự án đang trong quá trình hoàn tất thủ tục liên quan đến công tác lựa chọn nhà thầu và danh tính các nhà thầu trúng thầu sẽ được công bố vào ngày 28/9/2020.
PV Truyền hình Nhân dân: Đối với những nhà thầu đã tham gia các gói thầu của cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có sai phạm, Bộ GTVT sẽ xử lý thế nào khi các nhà thầu tiếp tục tham gia đấu thầu tại 3 dự án cao tốc Bắc - Nam đang tiến hành chấm thầu lựa chọn nhà thầu?
Ông Nguyễn Duy Lâm: Trong quá trình xây dựng hồ sơ mời thầu, chúng tôi đã phối hợp với các cơ quan có liên quan của Bộ Công an, Bộ KH&ĐT để đưa ra các điều kiện trong hồ sơ mời thầu đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật.
Đối với các nhà thầu từng tham gia vào dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đang bị cơ quan có thẩm quyền kết luận các gói thầu có vi phạm về chất lượng và đã bị khởi tố thì không được đưa những gói thầu đó làm công trình tương tự để tham gia các gói thầu của 3 dự án này. Trong hồ sơ mời thầu đã quy định cụ thể như vậy.
Mời công an, thanh tra, kiểm toán tham gia phối hợp
PV Báo Vnexpress: Trong ba dự án chuẩn bị khởi công, dự án Mai Sơn - QL45 dài khoảng 53,5km, tổng mức đầu tư khoảng 12.343 tỷ đồng. Trong khi cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài 100,8km, tổng mức đầu tư lại chỉ khoảng 11.183 tỷ đồng. Vì sao suất đầu tư hai dự án này lại chênh lệch như vậy?
Ông Nguyễn Duy Lâm: Dự án Mai Sơn - QL45 có chiều dài ngắn hơn nhưng suất đầu tư lại cao hơn dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết do dự án Mai Sơn - QL45 có khối lượng xử lý nền đất yếu rất lớn và trên tuyến này phải xây dựng hai hầm quy mô lớn là hầm Thung Thi và hầm Tam Điệp. Đồng thời, trên tuyến Mai Sơn - QL45 còn phải xây dựng nhiều cầu cạn hơn so với tuyến Vĩnh Hảo - Phan Thiết.
Những hạng mục công trình đặc thù liên quan đến địa hình, địa chất đặc thù dẫn tới tổng mức đầu tư của cao tốc Mai Sơn - QL45 lớn hơn so với cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết.
PV Báo Vnexpress: Mức phí sử dụng đường bộ của các dự án cao tốc Bắc - Nam được tính thế nào?
Ông Lê Kim Thành (Vụ trưởng Vụ PPP - Bộ GTVT): Tại Nghị quyết 52/2017, Quốc hội đã nêu rõ, đối với giá dịch vụ sử dụng đường bộ của các dự án cao tốc Bắc - Nam đầu tư theo hình thức PPP được xác định theo nguyên tắc mức giá khởi điểm và mức giá cho từng thời kỳ.
Còn đối với các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam sử dụng 100% vốn đầu tư công thì nghiên cứu các phương án thu phí hợp lý để thu hồi vốn cho Nhà nước.
Do vậy, trong hồ sơ mời thầu các dự án PPP, chúng tôi đã cố định mức giá thu phí ở từng thời điểm, có thời điểm khởi đầu và từng giai đoạn trong suốt quá trình thực hiện của các dự án để mời thầu nhà đầu tư. Sau khi nhà đầu tư trúng thầu sẽ ký kết và thực hiện theo các mức giá đó. Các mức giá này đã được Quốc hội đưa vào Nghị quyết 52/2017 nên sẽ không còn phụ thuộc vào quy định của Thông tư 35/2016 do Bộ GTVT ban hành.
Đối với 6 dự án cao tốc Bắc - Nam sử dụng nguồn vốn đầu tư công, thực hiện chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ, Bộ GTVT đang phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng đề án thu phí để hoàn vốn cho Nhà nước.
Chúng tôi đang khẩn trương hoàn thiện đề án trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua để bổ sung vào danh mục thu phí sử dụng đường bộ đối với các dự án đầu tư bằng ngân sách Nhà nước trong danh mục phí và lệ phí.
PV Báo Vnexpress: Vừa qua, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước vào giám sát quá trình thực hiện các dự án cao tốc Bắc - Nam. Vì sao, Bộ GTVT phải mời các cơ quan khác vào giám sát các dự án này?
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông: Không phải gọi là giám sát mà là sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan với nhau. Đây không phải là lần đầu tiên Bộ GTVT gửi văn bản đề nghị Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước cùng tham gia phối hợp, bởi trước đây làm dự án nâng cấp, mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, việc này đã được thực hiện.
Mỗi cơ quan có một chức năng riêng và khi các bên có sự hỗ trợ, phối hợp, chia sẻ thông tin với nhau sẽ rất hữu hiệu trong quá trình triển khai dự án đảm bảo quy định của pháp luật, giúp dự án hiệu quả, chất lượng.
Phạt nặng nhà thầu vi phạm hợp đồng thế nào?
PV Đài Truyền hình Việt Nam: Tốc độ thiết kế của các dự án cao tốc Bắc - Nam hiện nay là thế nào? Khi tuyến đường đưa vào khai thác sẽ nâng cao năng lực lưu thông thế nào so với QL1 hiện nay?
Ông Lê Kim Thành: Tuyến cao tốc Bắc - Nam khi đưa vao khai thác sẽ giải quyết được toàn bộ các hạn chế của tuyến QL1 hiện hữu. Trong những năm qua, năng lực hệ thống đường bộ ngày càng được cải thiện và nâng cao, đặc biệt là việc hoàn thành nâng cấp, mở rộng QL1 với quy mô 4 làn xe, phát huy hiệu quả đầu tư, tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy phát triển KT-XH.
Tuy nhiên, cũng như các tuyến quốc lộ khác, QL1 đi qua rất nhiều khu vực đông dân cư, cụm công nghiệp…, dẫn tới những hạn chế như tốc độ lưu thông chưa cao, thường xảy ra ùn tắc và tai nạn giao thông.
Theo thống kê, QL1 qua khu vực đông dân cư dài khoảng 842km (chiếm khoảng 48,7 %), tốc độ khai thác trung bình chỉ đạt khoảng 40 - 60 km/h, Bên cạnh đó, tuyến QL1 vẫn có những làn xe hỗn hợp dành cho các phương tiện xe máy, xe thô sơ đi lại nên tiếp tục có những hạn chế trong tốc độ lưu hành cũng như an toàn giao thông trong quá trình khai thác, vận hành.
Chính vì vậy, với thiết kế mới của tuyến đường bộ cao tốc song hành từ Bắc vào Nam với tốc độ thiết kế từ 80 - 120km/h với các giao cắt khác mức, đặc biệt là không có dòng xe trộn phương tiện thô sơ, xe gắn máy, do đó năng lực thông hành được nâng lên đáng kể.
Trên từng đoạn sẽ được khai thác với tốc độ từ 80 đến 120km/h. Với sự khác biệt như vậy, cao tốc Bắc - Nam sẽ nâng cao năng lực và phát huy hiệu quả đầu tư, đem lại lợi ích rất lớn cho lưu thông hàng hóa, hành khách và phát triển kinh tế - xã hội.
PV Zing.vn: Ba dự án sắp khởi công, trong nội dung hợp đồng quy định về thưởng phạt như thế nào đối với các nhà thầu chậm tiến độ?
Ông Nguyễn Duy Lâm: Trong hồ sơ mời thầu cũng như hợp đồng ký kết với các nhà thầu trúng thầu, chúng tôi có đưa ra điều kiện về phạt hợp đồng. Đối với dự án này, điều kiện về mặt bằng đến nay đã được trên 90%, đến khi bàn giao cho nhà thầu thi công cơ bản đạt 100% nên việc ảnh hưởng về mặt bằng đến tiến độ thi công của nhà thầu tham gia dự án này gần như đã được hạn chế tối đa.
Đối với các nhà thầu thi công, chúng tôi yêu cầu phải xây dựng biện pháp tổ chức thi công hàng tháng, hàng quý, hàng năm cho đến khi hoàn thành công trình theo đúng tiến độ tổng thể của Bộ GTVT, Chính phủ. Căn cứ vào tiến độ, kế hoạch thi công được tư vấn giám sát, ban QLDA và Bộ GTVT phê duyệt để kiểm soát tiến độ thi công của nhà thầu.
Vì vậy, các nhà thầu làm chậm hàng tuần, hàng tháng đều xác định được rất cụ thể và trong điều kiện quy định của hợp đồng, đối với mỗi ngày nhà thầu vi phạm tiến độ đã phê duyệt thì bị phạt 0,05% giá trị hợp đồng và tổng giá trị của phần vi phạm không được vượt quá 12% giá trị hợp đồng.
Trình tự, thủ tục, cách thức để phạt hợp đồng, chúng tôi cũng quy định rõ, nhà thầu vi phạm lần 1 sẽ bị nhắc nhở, lần hai sẽ bị khiển trách và chúng tôi sẽ xem xét điều chuyển khối lượng trong liên danh của nhà thầu.
Nếu nhà thầu tiếp tục vi phạm đến lần thứ 3, chúng tôi sẽ đánh giá lại năng lực của nhà thầu. Trên cơ sở đánh giá lại năng lực có thể điều chuyển khối lượng hoặc là chấm dứt hợp đồng với nhà thầu vi phạm và thực hiện thủ tục phạt hợp đồng theo quy định.