Vụ án anh trai chém cả nhà em gái ở Thái Nguyên đang dần hé lộ những góc khuất khiến dư luận quan tâm, nhất là mới đây, hai bức tâm thư của nghi phạm Bùi Xuân Hồng (61 tuổi, trú tại phường Thịnh Đán, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) được người thân đăng tải trên mạng xã hội.
Nguyên nhân chính của vụ án xuất phát từ việc nghi phạm Bùi Xuân Hồng cho vợ chồng anh Nguyễn Thành Vương (SN 1981) và vợ là Nguyễn Thị Phương Thảo (SN 1983 - con gái bà Bùi Thị Hà, em gái ruột ông Hồng) vay mượn số tiền 3 tỷ đồng, nhưng đến nay vẫn không trả. Còn bà Hà cũng vay của Hồng số tiền 600 triệu đồng, tổng số nợ gia đình bà Hà vay đã lên tới 3,6 tỷ đồng.
Trong hai bức tâm thư để lại cho thấy ông Hồng không còn tài sản gì trong khi đó hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn, bản thân ông Hồng mang nhiều bệnh tật. Mới đây, trao đổi với báo chí, người thân ông Hồng cho biết, bản thân ông mắc bệnh tiểu đường nặng, bệnh gout, bệnh suy thận cấp 4, xác định không sống được bao nhiêu lâu nữa.
|
Nghi phạm Bùi Xuân Hồng và bức tâm thư. |
Trong hoàn cảnh khốn cùng ấy, ông Hồng đã nhiều lần hỏi em gái và các cháu đề nghị trả số tiền trên, nhưng tất cả đều khất lần và không trả. Do đó, dẫn đến việc đối tượng này có suy nghĩ tiêu cực, bất cần gây nên vụ án đau lòng trên.
Theo dõi diễn biến vụ án, đọc những dòng tâm sự của nghi phạm trong hai bức tâm thư được viết trước thời điểm xảy ra vụ án, nhiều ý kiến cho rằng, nút thắt của vụ án khiến người anh truy sát cả nhà em gái xuất phát từ việc vợ chồng cháu rể nợ tới 3 tỷ đồng nhưng không trả. Trong khi vợ chồng cháu rể dù nợ nần vẫn có cuộc sống đủ đầy, sung túc thì người bác cũng là người cho mượn tiền phải sống trong cảnh cùng cực, khốn cùng.
“Đây là câu chuyện đau lòng diễn ra trong quan hệ vay mượn dân sự giữa những người thân biến một "người hiền như đất" bỗng chốc biến thành một "con quỷ dữ", hành động máu lạnh của ông Hồng là vi phạm pháp luật nghiêm trọng nên không thể cảm thông. Bởi dù ở trong hoàn cảnh cùng cực nhưng không được nghĩ quẩn, không được lấy mạng người ra để trả thù.
Tuy nhiên, qua diễn biến vụ án anh trai chém cả nhà em gái có thể thấy vợ chồng người cháu cũng đáng bị lên án. Lúc khó khăn, người bác đã mang tất cả số tiền dành dụm cả đời để cho mượn vì nghĩ đến tình nghĩa. Tuy nhiên, khi người bác gặp khó khăn thì các cháu lại chây ì không trả, người vay tiền lại có cuộc sống sung túc dẫn đến mâu thuẫn lên đỉnh điểm, gây nên vụ án thương tâm”, ông Trần Văn Hòa, trú tại TP Hà Nội nêu ý kiến.
Đồng quan điểm, bà Hoàng Thị Mai, trú tại Hải Phòng cho rằng, đọc những dòng ông Hồng viết trong bức tâm thư cho thấy, người đàn ông này bị đẩy vào đường cùng dẫn đến suy nghĩ bất cần khi cho người thân mượn tất cả số tiền mà ông có sau đó không đòi lại được. Trong vụ án này, hai cháu ông Hồng cũng có lỗi lớn khi không song phẳng trong mượn vay.
“Khi khó khăn, người bác đã cho mượn số tiền lớn, dù là có cho vay lãi suất hay vay không lãi suất thì có vay phải có trả. Ở đây, hai người cháu vay đến 3 tỷ đồng nhưng thời gian dài không trả dù biết hoàn cảnh bác mình khốn khó là không thể chấp nhận được. Trần đời có ai vay tiền rồi sống sung túc mà không nghĩ đến chuyện trả nợ. Có lẽ vì tình thân nên quá trình vay mượn có thể không đầy đủ giấy tờ để có thể đưa ra pháp luật đòi lại tiền nên những người vay tiền mới hành xử như vậy, đẩy sự việc đến đỉnh điểm, khiến người bác gây tội ác cướp đi mạng sống của hai mạng người”, bà Mai cho biết.
Anh Nguyễn Văn Hưng, một độc giả cho biết, khi đọc những dòng ông Hồng viết trong tâm thư bản thân anh cũng nghẹn đắng và càng trách các cháu của người này vong tình, bội nghĩa không giữ chữ tín.
“Không ai có thể dửng dưng khi người thân đã từng cưu mang, giúp đỡ mình lúc khốn khó đến mức lâm cảnh khốn cùng để họ phải “suy nghĩ rất nhiều, sức khoẻ suy yếu, râu tóc bạc trắng” đến mức nghĩ đến tiêu cực, nghĩ đến cái chết. Không ai vay mượn rồi lại “cướp hết 3 tỷ đồng tiền mồ hôi sương máu của tôi dành dụm suốt 45 năm để lo cho gia đình và an hưởng tuổi già... Con cháu mà hành động như thế thì thật đáng trách”, anh Hưng cho biết.
Anh Hưng cũng cho rằng, hành vi tiêu cực của ông Hồng dù xuất phát từ nguyên nhân nào cũng là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý nghiêm với bản án cao nhất. Người đàn ông trong hoàn cảnh khó khăn cùng quẫn đến thế nào cũng đều có cách giải quyết và không thể hành động theo suy nghĩ tiêu cực.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hải, một độc giả cho biết, bản thân ông cũng là người phải chịu đựng cay đắng khi cho người thân mượn tiền nên ông hiểu tâm lý nghi phạm Hồng. Mọi hành động của ông Hồng không hẳn do bộc phát mà do mâu thuẫn âm ỉ từ lâu từ việc vay mượn rồi không trả dẫn đến đỉnh điểm. Nhưng hành động của ông Hồng là sai lầm khi bất chấp luân thường đạo lý, quy định của pháp luật.
“Vụ án xảy ra một phần do lỗi lớn từ những người vay mượn tiền của nghi phạm rồi không trả. Họ cũng có lối hành xử không đúng, nếu không có tiền trả thì cũng cần có phương thức để người vay mượn tiền không bức xúc. Trong thư ông Hồng có nói là cho mỗi tháng trả dần 10 triệu mà họ cũng không đồng ý thì rõ ràng đã khiến ông Hồng nghĩ mình vào đường cùng nên hành động tiêu cực”, ông Hải nói.
Trước đó, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, biết rằng, nợ tiền không trả, thậm chí lại có lời lẽ thách thức, vô trách nhiệm dễ gây bức xúc đến người cho vay. Nhưng ông Hồng hoàn toàn có quyền lựa chọn các hình thức đòi nợ hợp pháp, có thể khởi kiện đến tòa án để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự hoặc tố cáo người vay nợ đến cơ quan công an nếu cho rằng người vay tiền đã có hành vi lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Thế nhưng người đàn ông này đã không lựa chọn cách xử sự hợp pháp, không tuân thủ pháp luật về việc giải quyết tranh chấp dân sự mà lại tự ý thực hiện hành vi xâm hại đến tính mạng của nhiều người.
Việc sử dụng vũ lực, dùng hung khí nguy hiểm để tước đoạt tính mạng của người khác trong trường hợp này có nguyên nhân một phần từ trách nhiệm phía người bị hại nhưng nguyên nhân chính vẫn ý thức, nhận thức của đối tượng phạm tội.
Việc xét xử, áp dụng chế tài hình sự đối với người đàn ông này không những chỉ tác động đến bản thân người đàn ông này mà còn có tác dụng giáo dục, răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội, để tránh những vụ án tương tự như vụ anh trai chém cả nhà em gái ở Thái Nguyên có thể xảy ra.