Tại sao việc thí điểm công nghệ Nhật trên sông Tô Lịch đã thất bại?

Google News

Giám đốc Sở Xây dựng cho hay Hà Nội đang tìm phương án khác để xử lý ô nhiễm Tô Lịch sau khi việc thí điểm bằng công nghệ Nhật Bản đã thất bại.

Vừa qua, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố đã có buổi tiếp xúc cử tri tại quận Thanh Xuân. Tại đây, lãnh đạo thành phố đã giải đáp các thắc mắc, mong mỏi của người dân thủ đô trước việc con sông Tô Lịch trăm năm tuổi vẫn "chết dần" dù các giải pháp của chuyên gia trong và ngoài nước đã được thực hiện.
Ông Nguyễn Văn Tuấn (phường Hạ Đình) kiến nghị việc đầu tư đúng mức để sớm làm sống lại dòng sông Tô Lịch, tái tạo không gian sống trong lành cho người dân.
Đang tìm giải pháp thay thế công nghệ Nhật
Trả lời về vấn đề này, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết thành phố đang nghiên cứu 3 phương án giải quyết ô nhiễm ở sông Tô Lịch. Việc thu gom toàn bộ nước thải, lãnh đạo Sở Xây dựng cho rằng việc này không khả thi do có quá nhiều điểm xả thải, chi phí xây dựng sẽ rất lớn.
Vừa qua, thành phố cũng được đoàn chuyên gia Nhật Bản giúp đỡ, thí điểm sử dụng công nghệ Nano - Bioreactor để xử lý nguồn ô nhiễm ở sông Tô Lịch. Tuy nhiên, ông Dục cho rằng việc thí điểm làm sạch Tô Lịch đã thất bại và thành phố sẽ chuyển sang hướng khác.
Tai sao viec thi diem cong nghe Nhat tren song To Lich da that bai?
Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà thị sát dự án tại hồ Tây. Ảnh: Việt Linh.
"Về phương án của công ty hợp tác Việt - Nhật, mà chúng ta sử dụng các hóa chất kết hợp với Nano, vừa rồi chúng tôi đã mời đơn vị đến trao đổi và đơn vị này đã thất bại", ông Dục cho hay.
Bên cạnh đó, thành phố cũng cho xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch và một số hồ bằng các chế phẩm sinh học, hóa học. Nhưng ông Dục vẫn cho rằng các kết quả chưa thực sự khả quan và áp dụng sẽ khó hiệu quả.
"Hiện, chỉ còn phương án cuối cùng là xây dựng hệ thống cống thu gom nước thải đặt dọc hai bên bờ sông, nước thải sẽ được đưa về nhà máy nước thải Yên Xá để xử lý", ông Dục nói.
Giám đốc Sở Xây dựng thông tin hệ thống cống thu gom dự kiến hoàn thành vào năm 2020, nhưng đang chậm tiến độ; dự kiến năm 2021 hệ thống thu gom này sẽ được đưa vào sử dụng và giải quyết được vấn đề ô nhiễm sông Tô Lịch.
Kết quả thí điểm công nghệ Nhật chưa đạt yêu cầu
Trước đó, ngày 12/11, lãnh đạo UBND Hà Nội đã có buổi làm việc với Tổ chức Xúc tiến Thương mại Môi trường Nhật Bản (JVE) về kết quả thí điểm xử lý làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano-Bioreactor Nhật Bản.
Hà Nội đánh giá cao đề xuất thí điểm xử lý làm sạch một đoạn sông Tô Lịch bằng công nghệ Nhật Bản, tuy nhiên, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung bày tỏ sự không hài lòng đối với Công ty JVE.
Ông cho rằng trong quá trình thực hiện, đơn vị nói trên đã "không tuân thủ yêu cầu của thành phố mà mời các cơ quan báo chí, sử dụng thông tin truyền thông trong quá trình thử nghiệm để khuếch trương công tác thí điểm xử lý khi chưa có kết quả thử nghiệm, không phối hợp với các cơ quan khi xử lý thông tin gây ảnh hưởng không tốt đến dư luận xã hội".
Để đánh giá toàn diện quá trình thí điểm, UBND Hà Nội đề nghị JVE gửi Sở Xây dựng hồ sơ, tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến công nghệ Nano Bioreactor; giấy chứng nhận công nghệ xử lý của Chính phủ Nhật Bản hoặc cơ quan có thẩm quyền xác nhận; Hồ sơ giới thiệu năng lực của Tổ chức Xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản.
Đơn vị cũng được yêu cầu trình danh sách các công trình, dự án đã được xử lý bằng công nghệ Nano Bioreactor tại Nhật Bản và các nước khác và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật Việt Nam và Hà Nội về tính chính xác, pháp lý đối với các hồ sơ cung cấp.
Ngoài ra, UBND Hà Nội giao Sở Xây dựng giới thiệu 1 hồ nước đọng trên địa bàn thành phố để JVE xử lý mùi và làm sạch nước, bùn hồ bằng công nghệ Nano Bioreactor.
"Quá trình xử lý phải lấy mẫu không khí, nước, bùn tại các thời điểm trước, trong và sau xử lý để xét nghiệm các chỉ tiêu theo tiêu chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn của Việt Nam. Mời các đơn vị khoa học độc lập có năng lực, kinh nghiệm để thẩm định đánh giá khách quan chính xác", văn bản kết luận buổi làm việc nêu.
Cuối tháng 10, Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà đã thị sát dự án làm sạch một góc hồ Tây bằng công nghệ Nano-Bioreactor của chuyên gia Nhật Bản.
Bộ trưởng Hà nhận định sông, hồ tại Việt Nam vẫn chịu nước thải sinh hoạt và sản xuất, rất khác so với ở Nhật Bản. Nên việc xử lý cần được bổ sung các công nghệ, phương pháp khác mới đảm bảo hiệu quả.
Dù hoan nghênh công nghệ của Nhật Bản, nhưng ông vẫn cho rằng cần nghiên cứu kỹ lưỡng, xem xét đến tính khả thi, phù hợp của điều kiện thực tế ở Việt Nam mới có thể quyết định triển khai.
Theo Sơn Hà / Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)