Cán bộ Cà Mau đi du học Úc rồi xin nghỉ việc: Có kỷ luật được không?

Google News

(Kiến Thức) - Vụ việc nữ cán bộ tại Chi cục Biển và Hải đảo (trực thuộc Sở TN&MT tỉnh Cà Mau) được cử đi học tại Úc nhưng không về lại gửi đơn xin thôi việc cho thấy, cơ chế ràng buộc pháp lý vẫn còn kẽ hở.

Vụ việc bà Dương Hồng Thắm - Phó phòng Quản lý tổng hợp TNMT biển thuộc Chi cục Biển và Hải đảo (trực thuộc Sở TN&MT tỉnh Cà Mau) được cử đi du học tại Úc nhưng hết thời gian học không về nước làm việc mà lại gửi đơn xin thôi việc đang khiến dư luận quan tâm về việc xử lý với trường hợp này?
Theo đó đầu tháng 2/2018, bà Thắm được UBND tỉnh Cà Mau cho phép đi học bồi dưỡng nâng cao về công nghệ và giám sát môi trường tại Úc. Thời gian khóa bồi dưỡng từ tháng 2/2018 đến tháng 7/2019.
Trong suốt thời gian bà Thắm đi du học, Chi cục Biển và Hải đảo Cà Mau vẫn chi trả 40% lương/tháng (khoảng hơn 2 triệu đồng/tháng) cho bà Thắm. Tuy nhiên, đến cuối tháng 7, sau khi đã hết thời gian học bà Thắm vẫn không về nước làm việc mà thay vào đó lại gửi đơn xin nghỉ việc từ xa.
Nói về việc này, ông Nguyễn Hoàng An, Chi cục trưởng Chi cục Biển và Hải đảo tỉnh Cà Mau cho biết, đơn vị kỳ vọng sau khi học xong bà Thắm sẽ về phục vụ cho đơn vị, nhà nước nhưng lại không về. Bà Thắm là một cán bộ có năng lực nhưng trong thời gian đi học, do thấy điều kiện tốt hơn, lương thưởng cao hơn nên đã lựa chọn ở lại.
Can bo Ca Mau di du hoc Uc roi xin nghi viec: Co ky luat duoc khong?
 Trụ sở Chi cục biển và hải đảo. Ảnh: Tiền Phong
Trao đổi với PV Kiến Thức về trường hợp như cán bộ Dương Hồng Thắm được cử đi học rồi ở lại nước ngoài, không về cơ quan làm việc, cống hiến, Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa cho rằng, hành vi của bà Thắm đã vi phạm quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.
Luật sư Hoàng Tùng phân tích, cán bộ Dương Hồng Thắm được UBND tỉnh Cà Mau cho phép đi học bồi dưỡng nâng cao về công nghệ và giám sát môi trường tại Úc về bản chất là tạo điều kiện để nâng cao chuyên môn, bồi dưỡng nguồn nhân lực có chất lượng cao để phục vụ cho công tác quản lý cũng như công việc chuyên môn cụ thể của từng cơ quan, tổ chức.
Theo quy định tại Điều 7 Nghị định 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thì hành vi của bà Thắm đã vi phạm quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.
Quy định nêu rõ, cán bộ, công chức, viên chức, được cử đi đào tạo từ trình độ trung cấp trở lên bằng nguồn ngân sách nhà nước hoặc kinh phí của cơ quan quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức phải đền bù chi phí đào tạo khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
Tự ý bỏ học, bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc trong thời gian đào tạo; không được cơ sở đào tạo cấp văn bằng tốt nghiệp; đã hoàn thành và được cấp văn bằng tốt nghiệp khóa học nhưng bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc khi chưa phục vụ đủ thời gian cam kết quy định tại Điều 5 hoặc Điều 6 Nghị định này.
Như vậy, việc bà Dương Hồng Thắm không về nước làm việc sau khi học xong mà thay vào đó lại gửi đơn xin nghỉ việc từ xa chính là chấm dứt hợp đồng làm việc.
Do đó, bà Thắm có thể phải đền bù chi phí đào tạo. Điều này đặt ra rằng nếu UBND tỉnh Cà Mau hoặc cơ quan nơi bà Thắm công tác bỏ ra chi phí đào tạo (tiền học phí, phí sinh hoạt, tiền ăn ở, vé máy bay,…) thì bà Thắm sẽ phải hoàn trả lại chi phí này.
Tuy nhiên, bà Thắm đi du học ở Úc là tự tìm được học bổng. Trong trường hợp phía cơ quan của bà Thắm hoặc UBND tỉnh Cà Mau không bỏ ra khoản chi phí đào tạo nào thì sẽ không phát sinh chi phí đền bù thực tế.
Trong khi đó, tiền lương là khoản tiền mà người sử dụng lao động (ở đây là Chi cục trưởng Chi cục Biển và Hải đảo, Sở TN&MT tỉnh Cà Mau) trực tiếp chi trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận. Khoản tiền này không được coi là chi phí đào tạo. Do đó, theo quy định của pháp luật thì sẽ không truy thu số tiền lương đã trả cho bà Thắm.
Vụ việc Phó phòng Quản lý tổng hợp TNMT biển thuộc Chi cục Biển và Hải đảo Dương Thị Thắm được cử đi nước ngoài học tập nhưng không về nước không phải là chuyện hiếm mà trước đó, việc cán bộ, công chức, viên chức được cử đi học, công tác nước ngoài rồi tìm cách ở lại xảy ra rất nhiều, trong thời gian dài.
Nhiều ý kiến độc giả cho rằng, điều này cho thấy lỗ hổng trong việc cử cán bộ đi học và cần giải pháp hữu hiệu để lấp lỗ hổng đó.
“Đa số những trường hợp được cử đi học rồi không về nước làm việc đều có sự chuẩn bị từ trước. Tuy nhiên, cơ quan cử cán bộ đi học lại không thể nắm bắt được tâm lý diễn biến của cán bộ này.
Đồng thời cho thấy, một thực tế đáng buồn, đó là việc chảy máu chất xám khi cán bộ năng lực mới được cử đi học nhưng học xong lại ở lại nước ngoài làm việc. Chế độ lao động ở nước ngoài có lẽ tốt hơn là về nước nhận lương vài triệu đồng. Nên môi trường làm việc ở nơi cán bộ từng công tác không đủ để khiến họ quay về, chủ trương thu hút, giữ chân người tài vẫn còn nhiều hạn chế”, độc giả Trần Thành Hoàng nêu ý kiến.
Trong khi đó, độc giả Quỳnh Mai cho rằng, qua vụ việc bà Dương Hồng Thắm được cử đi học nước ngoài rồi không về nước làm việc cho thấy cơ chế pháp lý ràng buộc còn rất lỏng lẻo.
“Các quy định như hiện nay dường như đã “bỏ quên” nhóm đối tượng cán bộ được cử đi học rồi bỏ trốn, ở lại nước ngoài nên khó xử lý một cách nghiêm khắc. Cán bộ như bà Thắm cũng chỉ bị xử lý buộc thôi việc, trong khi cán bộ này có đơn xin nghỉ việc thì kỷ luật cũng như không. Thực tế đặt ra, cần có quy định nghiêm khắc hơn như nếu cử đi học mà bỏ trốn không về cơ quan làm việc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì mới đủ sức ngăn chặn, răn đe”, chị Mai nêu ý kiến.
Chỉ bị buộc thôi việc:
Ngày 29/11, Hội đồng khen thưởng - kỷ luật Chi cục biển và hải đảo, Sở TN& MT tỉnh Cà Mau thống nhất buộc thôi việc đối với bà Dương Hồng Thắm, Phó trưởng phòng tài nguyên biển do đi nước ngoài bồi dưỡng kiến thức tại Úc, không trở về và mất liên lạc với cơ quan.
Bà Dương Hồng Thắm sinh năm 1984, quê ở huyện Trần Văn Thời, tốt nghiệp Đại học Cần Thơ ngành môi trường, trúng tuyển vào chương trình đào tạo sau đại học tại nước ngoài (chương trình Mêkông 120). Năm 2011, bà Dương Hồng Thắm tốt nghiệp thạc sĩ với đề tài nghiên cứu: “Độc chất học” tại Anh.
Sau đó, bà Dương Hồng Thắm được hợp đồng làm chuyên viên, rồi trúng tuyển công chức, được bổ nhiệm Phó phòng quản lý tài nguyên biển đảo Chi cục biển và hải đảo Cà Mau. Những đồng nghiệp cho biết, bà Dương Hồng Thắm là cán bộ quản lý chuyên môn, ham học, học giỏi, siêng năng.
Trong thời gian làm việc tại Chi cục biển và hải đảo, bà Dương Hồng Thắm tự tìm cơ hội nâng cao trình độ môi trường, học bổng toàn phần tại Úc và được UBND tỉnh Cà Mau chấp thuận bồi dưỡng kiến thức từ tháng 2/2018 và kết thúc vào 7/2019.
Khi khóa học bổ túc kết thúc, bà Dương Hồng Thắm nhờ anh trai gởi đơn xin nghỉ việc, nộp tại Chi cục biển và hải đảo Cà Mau. Ông Nguyễn Thành An, Chi cục trưởng Chi cục biển và hải đảo cho biết, bà Dương Hồng Thắm chỉ liên lạc qua email là tìm cơ hội mới, không về nước vì bận lo gia hạn visa, rồi sau đó mất liên lạc.
Chi cục Biển và Hải đảo Cà Mau đã thông báo bằng văn bản 3 lần đến bà Dương Hồng Thắm và gia đình bà, yêu cầu bà Thắm về nước, đến đơn vị trình diện. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, bà Thắm và cả người đại diện của gia đình đều không có phản hồi.
Mời độc giả xem thêm video "Đi nhờ" chuyên cơ Chủ tịch Quốc hội, 9 người trốn ở Hàn Quốc:

Nguồn VTC Now.

Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)