Tại sao năm nào cũng tranh luận nghỉ Tết Nguyên đán?

Google News

Tại sao năm nào cũng tranh luận nghỉ Tết Nguyên đán?

Phương án nghỉ Tết Quý Mão 2023 vẫn đang nhận được nhiều ý kiến góp ý và đề xuất của các bộ, ngành, sau khi Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có dự thảo xin ý kiến về việc này.

Trong khi nhiều bộ, ngành đồng thuận phương án nghỉ 7 ngày từ 29 tháng Chạp đến mùng 5 tháng Giêng (20-26/1/2023), Tổng LĐLĐ Việt Nam lại đề xuất nghỉ 8 ngày và Bộ Tài chính đưa ra phương án nghỉ 9 ngày.

Nhiều người đặt câu hỏi về việc có nên quy định cứng thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, để các bộ, ngành không phải đề xuất và xem xét thời gian nghỉ lễ, Tết theo từng năm hay không.

Tai sao nam nao cung tranh luan nghi Tet Nguyen dan?

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng nhiều bộ, ngành đề xuất phương án nghỉ Tết Quý Mão 2023 trong 7 ngày.

Theo đại diện Cục An toàn lao động, cơ quan tham mưu lịch nghỉ lễ, Tết hàng năm của Bộ LĐTB&XH, thời gian nghỉ Tết theo quy định của Bộ luật Lao động hiện hành là 5 ngày.

Ngoài ra, Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về thời gian làm việc và nghỉ ngơi: Thời gian nghỉ Tết Âm lịch do người sử dụng lao động lựa chọn 1 ngày cuối năm và 4 ngày đầu năm, hoặc 2 ngày cuối năm và 3 ngày đầu năm.

Tuy nhiên, căn cứ theo từng năm, số ngày nghỉ Tết Nguyên đán thực tế sẽ được nối dài bao gồm cả ngày nghỉ bù và nghỉ cuối tuần. Do thời điểm Tết của mỗi năm khác nhau, không thể quy định cứng mà phải căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội và xem xét lịch nghỉ bù phù hợp, thuận tiện nhất.

"Nói nghỉ Tết 7-9 ngày là không đúng, thực tế lịch nghỉ chính thức chỉ có 5 ngày, những ngày còn lại là nghỉ bù và cuối tuần có thể thay đổi phù hợp với từng năm", đại diện Cục An toàn lao động nói.

Đồng thời, vị này cho biết lịch nghỉ Tết được ban hành cũng chỉ áp dụng cho cán bộ, viên chức Nhà nước. Văn bản quy định rõ doanh nghiệp, tổ chức có thể sắp xếp thời gian nghỉ riêng, nhưng đảm bảo 5 ngày nghỉ chính thức và thông báo lịch nghỉ này cho người lao động không quá 30 ngày trước kỳ nghỉ.

Do đó, đại diện Cục An toàn lao động cho rằng việc quy định cứng nghỉ Tết 7 ngày hay 9 ngày là không cần thiết, khó thực hiện và "không đúng bản chất".

Cùng quan điểm, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân cho rằng hiện nay, luật đã quy định cứng số ngày nghỉ Tết Nguyên đán là 5 ngày. Việc này là phù hợp và không cần thay đổi vì việc quy định số ngày nghỉ bù cần theo lịch của từng năm.

Thực tế, số ngày nghỉ Tết Nguyên đán hàng năm thường dao động trong 7-9 ngày, bao gồm 5 ngày nghỉ chính thức đảm bảo cả trước và trong Tết, còn lại là ngày nghỉ bù và ngày nghỉ cuối tuần liền kề.

Năm 2022, Chính phủ chốt phương án về việc nghỉ Tết Nhâm Dần từ ngày 29 tháng Chạp đến hết ngày mùng 4 tháng Giêng. 5 ngày này rơi đúng trong tuần nên người lao động có thêm 4 ngày nghỉ cuối tuần liền kề trước và sau, tổng cộng 9 ngày nghỉ.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp có lịch làm việc vào thứ 7 hàng tuần vẫn yêu cầu người lao động đi làm vào 27 tháng Chạp và mùng 5 Tết, do lịch nghỉ Tết không rơi vào những ngày này.

Trong khi đó, năm 2021, công chức, viên chức và người lao động nghỉ Tết Nguyên đán từ 29 tháng Chạp đến mùng 3 Tết. Do mùng 2 và 3 Tết rơi vào cuối tuần, người lao động được nghỉ bù mùng 4 và 5 Tết. Tổng cộng, kỳ nghỉ này kéo dài 7 ngày.


Theo Mỹ Hà/ Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)