Tính đến thời điểm ngày 8/2, đã có hơn 50 tỉnh/thành phố quyết định tiếp tục kéo dài thời gian nghỉ học của học sinh thêm một tuần (đến hết 16/2) để phòng, chống dịch bệnh do virus Corona gây ra.
Trước đó, nhiều tỉnh, thành đã cho học sinh nghỉ học ngắn hạn và sau đó học sinh tiếp tục trở lại trường học. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều phụ huynh lo lắng việc con cái họ đến trường trong thời điểm hiện tại. Do vậy, nhiều tỉnh, thành quyết định tiếp tục cho học sinh nghỉ học thêm một tuần để chống dịch.
Việc chủ động cho học sinh mầm non, tiểu học, trung học sơ sở, phổ thông trung học và các sinh viên tạm thời nghỉ học của Bộ GD&ĐT và các địa phương để theo dõi tình hình, phòng chống dịch bệnh do virus Corona là cần thiết để tránh lây lan ra cộng đồng. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, tình trạng dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới Virus Corona gây ra vẫn đang có những diễn biến phức tạp không chỉ ở Trung Quốc đã lây lan sang nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Ngày 8/2, Trung Quốc cho biết số người thiệt mạng vì dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona (2019-nCoV) gây ra tại nước này đã tăng lên 717 ca, vượt qua số ca thiệt mạng do đại dịch SARS tại nước này cách đây gần hai thập niên. Đến nay, Trung Quốc đã có tổng cộng hơn 34.000 ca nhiễm chủng mới của virus corona. Mới đây, tối ngày 7/2, Việt Nam cũng đã ghi nhận thêm một trường hợp dương tính virus Corona nâng tổng số người nhiễm bệnh lên con số 13.
|
Ảnh minh họa. |
Điều đó cho thấy, dịch bệnh virus Corona vẫn vô cùng phúc tạp và việc các địa phương đã đồng loạt cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn cho các em học sinh cũng như các thầy cô giáo, cán bộ giáo dục là một trong những quyết định đúng đắn để ngăn chặn, phòng chống dịch bệnh.
Dù biết rằng, theo tâm lý sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán kéo dài, các em học sinh rất mong muốn trở lại trường để gặp lại thầy cô, bạn bè, tiếp tục theo học. Nhất là học sinh cuối cấp 2 và cấp 3 mong muốn tiếp tục học tập vì giai đoạn này các em cần ôn luyện để chuẩn bị cho kỳ thi cuối cấp và thi tốt nghiệp Trung học phổ thông quốc gia. Nhà trường và giáo viên cũng mong muốn được tiếp tục giảng dạy để hoàn thành nhiệm vụ trong học kỳ 2 của năm học. Nhiều phụ huynh khối mầm non, tiểu học cũng phải đau đầu lên phương án chăm sóc, quản lý con cái khi lịch làm việc của các ngành nghề khác vẫn diễn ra bình thường.
Tuy nhiên, đặt lên trên hết chính là tính mạng con người. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp tai Trung Quốc và ảnh hưởng đến nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam, dù từ cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đã chủ độngquyết liệt và đồng bộ trong phòng chống dịch và đã kiểm soát dịch bệnh một cách hiệu quả. Dù chúng ta không bi quan, hoang mang nhưng cũng tuyệt đối không được chủ quan.
Chống dịch như chống giặc, tính mạng, sức khỏe của người dân, trong đó có hàng triệu học sinh là vô cùng quan trọng. Việc đề ra những biện pháp trong đó có phương án cho học sinh nghỉ học là một trong những hành động quyết liệt đúng đắn để ngăn chặn dịch bệnh trong môi trường học đường và cộng đồng.
Trên thực tế, môi trường học đường là nơi tập trung đông người, trường hợp nếu có một học sinh nhiễm bệnh, nguy cơ lây lan sẽ rất cao và rất khó để kiểm soát. Trong khi đó, học sinh mầm non, tiểu học còn quá nhỏ chưa ý thức được các phòng tránh bệnh dịch, học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông dù đã ít nhiều có kiến thức để bảo vệ bản thân trước dịch bệnh tuy nhiên vẫn khó để có thể đảm bảo tuyệt đối an toàn. Chưa nói đến việc nhiều trường học sinh ăn ở bán trú, việc ăn chung ngủ chung dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh do virus corona là vô cùng cao.
Học sinh nghỉ học và ở nhà sẽ giảm thiểu nguy cơ nhiễm dịch và lây lan trong trường học. Đồng thời, trong thời gian học sinh nghỉ học, các nhà trường sẽ có thêm thời gian để tiếp tục triển khai các biện pháp vệ sinh trường học, khử khuẩn, bổ sung trang thiết bị phòng dịch trước khi các em học sinh quay lại trường học, bảo đảm an toàn tuyệt đối về sức khỏe và tinh thần của tất cả học sinh, giáo viên theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn để sớm ổn định tình hình và duy trì nền nếp dạy học.
Tại cuộc họp ngày 6/2, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh corona Bộ GD&ĐT đã thống nhất đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh/thành phố căn cứ tình hình thực tế tiếp tục cho học sinh nghỉ học. Trong đó có thể xem xét nghỉ học trên toàn tỉnh hoặc nghỉ học cục bộ, đảm bảo mục tiêu cao nhất là vì sự an toàn của học sinh và của cộng đồng.
Về nỗi lo lắng của phụ huynh, học sinh khi việc nghỉ học dài ngày sẽ ảnh hưởng đến quá trình học tập, Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn cụ thể việc học bù cũng như lùi thời gian kết thúc năm học trong trường hợp cần thiết.
Đồng thời, trong thời gian cho học sinh tạm nghỉ học, chỉ đạo các cơ sở giáo dục duy trì liên lạc giữa nhà trường với gia đình và sự liên lạc giữa giáo viên (nhất là giáo viên chủ nhiệm) với học sinh để giao nhiệm vụ học tập và hướng dẫn học sinh tự học qua các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, nhà trường; khuyến khích giáo viên giao cho học sinh các nhiệm vụ học tập có sự kết hợp giữa việc ôn tập, hệ thống hóa kiến thức và việc vận dụng kiến thức trong phòng, chống bệnh dịch nCoV.
Bộ cũng yêu cầu xây dựng kế hoạch học bù cho học sinh tại địa phương theo nguyên tắc phải bảo đảm thực hiện đầy đủ chương trình giáo dục theo quy định.
Tại buổi họp báo Chính phủ chiều 5/2, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, quan điểm của Bộ GD&ĐT rất rõ ràng, đầu tiên là đặt mục tiêu sức khoẻ của người học lên trên hết. Theo tinh thần của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, quan điểm của Bộ là xuất phát từ tình hình dịch và đề xuất của các Sở GD&ĐT, Sở Y tế để quyết định cho học sinh nghỉ học nhằm bảo đảm sức khoẻ.
Về việc này, 63/63 tỉnh, thành phố quyết định cho học sinh nghỉ học. Quan trọng nhất là nhận thức của giáo viên trong toàn ngành về phòng dịch.
Bên cạnh đó, trong thời gian này, các cơ sở giáo dục sẽ có điều kiện vệ sinh sạch sẽ trường, lớp, tăng cường các thiết bị y tế, sẵn sàng đón học sinh trở lại trường. Các cơ sở giáo dục cũng sẽ có điều kiện xây dựng các phương án phòng chống dịch trực tiếp tại trường như phải rửa tay trước khi vào lớp, học sinh đeo khẩu trang trước khi đến trường…
Về kế hoạch nghỉ học, trong kế hoạch năm học Bộ GD&ĐT cũng đã dự kiến có 1 tuần lễ trong 1 học kỳ có thể cho học sinh nghỉ học trong trường hợp cần thiết. Học sinh có thể học bù vào buổi sáng nếu học sinh học buổi chiều hoặc học vào thứ bảy, chủ nhật. Trong trường hợp phải nghỉ học kéo dài, Bộ có thể điều chỉnh khung thời gian năm học, cụ thể là thời gian quy định kết thúc năm học là 31/5 thì có thể kết thúc năm học muộn hơn và có thể điều chỉnh thời gian tổ chức thi THPT Quốc gia, thường là cuối tháng 6. Tinh thần học sinh nghỉ học nhưng vẫn đảm bảo chương trình giáo dục đào tạo, đảm bảo chất lượng và đặc biệt là đảm bảo an toàn sức khoẻ cho học sinh.
Xem thêm video: Nhiều trường học kéo dài thời gian nghỉ để tránh virus Corona
Những chú ý khi thuê người giúp việc trông trẻ khi tạm nghỉ học:
Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội đánh giá, việc cho học sinh mầm non, tiểu học, trung học sơ sở, phổ thông trung học và các sinh viên tạm thời nghỉ học để theo dõi tình hình dịch bệnh là cần thiết để tránh lây lan ra cộng đồng.
Tuy nhiên, việc cho học sinh, đặc biệt là học sinh hệ mầm non, tiểu học nghỉ học sẽ phát sinh nhiều vấn đề khiến các phụ huynh phải đối mặt đó là việc chăm sóc, quản lý con cái trong khi lịch làm việc của các ngành nghề khác thì vẫn diễn ra bình thường. Nếu gia đình nào bố mẹ không phải là giáo viên, không có thời gian, điều kiện trông nom, chăm sóc trẻ thì nhu cầu tìm người chăm sóc, trông nom, giúp việc sẽ gia tăng đột biến.
Phần lớn các gia đình có trẻ em ở độ tuổi mầm non, tiểu học sẽ gặp khó khăn trong việc bố trí thời gian trông nom, chăm sóc con trong thời gian học sinh tạm thời nghỉ học để phòng dịch. Bởi vậy, nhu cầu trông trẻ sẽ gia tăng đột biến kéo theo nhiều hệ lụy như: Nguồn lao động giúp việc gia đình sẽ tăng nguồn cung, nếu không kiểm soát được tình trạng này thì người giúp việc cũng có nguy cơ mang mầm bệnh đến với các trẻ em ngay tại nhà. Những cơ sở trông giữ trẻ em tự phát cũng sẽ mọc nên khó kiểm soát được tình trạng an toàn về dịch bệnh.
Dưới góc độ pháp lý, việc thuê người giúp việc gia đình, trông trẻ, làm việc nhà là quan hệ lao động tự nguyện, pháp luật cho phép hoạt động, tuy nhiên việc kiểm soát nguồn lao động trong lĩnh vực này còn nhiều hạn chế dẫn đến quyền lợi của người lao động đôi khi còn chưa được đảm bảo, thậm chí có những trường hợp người lao động bị bạo hành, xâm hại tình dục.
Đối với người trông trẻ thì cần phải đảm bảo điều kiện vệ sinh, an toàn cho trẻ trong thời điểm dịch bệnh, tuy nhiên, những người lao động giúp việc gia đình, trông trẻ thì thường không có nhiều kiến thức, kỹ năng trong việc đảm bảo vệ sinh, phòng dịch.
Trong bối cảnh khan hiếm nguồn cung người giúp việc thì cơ hội có thể lựa chọn được người giúp việc như ý là gần như không thể. Bởi vậy, mỗi gia đình, khi cần nhu cầu người trông trẻ, giúp việc trong những ngày học sinh được nghỉ học cần thận trọng, cân nhắc trước khi quyết định tìm người trông trẻ, cần hướng dẫn người giúp việc cách thức vệ sinh, phòng dịch để đảm bảo an toàn cho trẻ em, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp trẻ nghi ngờ nhiễm bệnh theo hướng dẫn của bác sĩ.
Trong bối cảnh nhu cầu trông giữ trẻ tăng cao sẽ có nguy cơ nảy sinh các cơ sở trông giữ trẻ tự phát, không có sự quản lý của nhà nước, không đảm bảo an toàn cho trẻ. Bởi vậy, các cấp, các ngành và chính quyền địa phương cần kiểm tra, ra soát và tuyên truyền để địa phương mình đảm bảo điều kiện an toàn cho trẻ. Cần tăng cường công tác tổ chức, hướng dẫn cha mẹ, phụ huynh trong việc thuê người trông con và tạo điều kiện về thông tin, nguồn lao động để phục vụ cho nhu cầu trông giữ trẻ em.
Trong trường hợp khu vực, địa phương cò nhu cầu trông giữ trẻ tăng cao như khu công nghiệp, khu kinh tế... khu vực đông các cặp vợ chồng trẻ thì chính quyền địa phương phải có giải pháp hỗ trợ các phụ huynh trong việc bố trí cơ sở vật chất, nguồn lực để trông giữ trẻ, đảm bảo an toàn khu vực trông giữ, tránh những trường hợp trông giữ trẻ em tự phát, không đảm bảo điều kiện vệ sinh phòng dịch, nguy cơ lây lan dịch bệnh cho trẻ em.
Trong trường hợp phát hiện các cơ sở trông giữ trẻ em trái phép, không đảm bảo an toàn cho trẻ, không đảm bảo điều kiện phòng dịch thì chính quyền địa phương cần can thiệp kịp thời và có những biện pháp xử lý phù hợp để đảm bảo an toàn cho trẻ em. Trường hợp cơ sở giáo dục nào không nghiêm chỉnh chấp hành lệnh cho học sinh nghỉ học hoặc cố tình tổ chức trông giữ, dạy học chui không đảm bảo sinh an toàn, làm lây lan bệnh truyền nhiễm thì cần phải xử lý nghiêm minh bằng chế tài hành chính nghiêm khắc hoặc chế tài hình sự.